Thực phẩm vẫn đội giá, hai Bộ khẳng định "cung đủ cầu"

Kinh tếThứ Năm, 02/12/2010 02:00:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù hai Bộ khẳng định: Không có đợt tăng giá đột biến vào những tháng cuối năm nhưng 1 tuần gần đây, giá các loại thực phẩm vẫn tiếp đà tăng.

(VTC News) -Mặc dù, Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp khẳng định: Sẽ không có đợt tăng giá đột biến vào những tháng cuối năm nhưng theo khảo sát của pv VTC News, trong vòng 1 tuần trở lại đây, giá các loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, cá và hải sản đều tăng từ 15 - 20%, riêng các loại rau xanh cũng đang tăng giá từ 5 - 10%.

Thịt lợn tăng mạnh

Theo khảo sát của pv VTC News, tại các chợ bán lẻ ở Hà Nội, thịt lợn vẫn được xếp vào mặt hàng tăng giá "chóng mặt". Các mặt hàng khác cũng đua theo thịt lợn tăng giá, song mức tăng nhẹ hơn.

Tại chợ Trương Định (quận Hoàng Mai, HN), thịt lợn tăng giá khoảng 15% trong vòng 3 ngày. Ngày 29/11, chị Lan (ngõ Trại Cá, Trương Định, HN) mua 1kg thịt nạc thăn với giá 80.000 đồng/kg nhưng chỉ đến ngày  2/12, giá của loại thịt này đã tăng lên mức 95.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, sườn thăn cũng được bán với giá 85.000 đồng/kg, thậm chí, một số tiểu thương còn bán với giá 90.000 đồng/kg. Thắc mắc về mức tăng bất ngờ này, chị Lan chỉ nhận được câu trả lời vòng vo của người bán hàng: “Giá sẽ còn tăng nữa”.

Tương tự, tại chợ Khương Trung (quận Thanh Xuân, HN), thịt lợn ba chỉ tăng từ 65.000 đồng/kg lên 75.000 đồng/kg trong vòng 1 tuần. Các loại thịt khác cũng tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Tại chợ Xanh (Định Công), giá mềm hơn như thịt mông sấn cũng được bán 70.000 đồng/kg (so với một số chợ rẻ hơn 5.000 đồng/kg). Mỡ lợn về mùa hè giá 15.000 đồng/kg nhưng rất khó bán thì chỉ  vừa chớm lạnh, giá mặt hàng này cũng nhanh chóng "đội" lên 45.000 - 50.000 đồng/kg.

 Chỉ trong vòng 3 ngày,.thịt lợn được tăng giá khoảng 15% từ 80.000 đồng tăng lên 95.000 đồng/kg.

Chị Út – tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Tân Mai than thở: Giá thịt sẽ tăng từ nay đến Tết âm lịch, khó mà giảm xuống.  

Đối với các loại thịt khác như thịt bò, thịt chó giá cũng tăng theo thịt lợn. Tại các chợ, thịt bò bắp được bán với giá từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Các mặt hàng cá, tôm cũng rục rịch tăng theo. Cá trắm đen cắt khúc giá 120.000 đồng/kg (so với một tháng trước tăng khoảng 30.000 đồng/kg). Tương tự, tôm rảo sống cũng được bán với giá 150.000 đồng/kg (tăng 40.000 đồng/kg - tại chợ Tân Mai).

Rau xanh mặc dù đã "hạ nhiệt" hơn trước nhưng vẫn ở ngưỡng cao.

Không tăng giá nhanh như các loại thịt, sau ba ngày nhiệt độ hạ thấp hơn, các loại rau đang tăng giá chậm, cụ thể tại chợ Phùng Khoang, rau cải ngọt, rau cần đã tăng từ 4.000 đồng lên 6.000 đồng/kg, rau muống từ 4.000 đồng (ngày 28/11) đến nay tăng lên 5.000 - 6.000 đồng.

Theo những người bán rau giải thích, giá rau tăng hơn trước vì đợt rau rẻ vừa rồi đã hết lứa, thời tiết rét hơn nên rau chậm hơn. Tuy nhiên, riêng mặt hàng cà chua trước đó lên đến 22.000 - 25.000 đồng/kg nay giảm còn 8.000 – 10.000 đồng/kg, dự báo sẽ không tăng giá. Tuy nhiên, bắp cải lại là mặt hàng được bán với giá rất rẻ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg tùy chợ song càng vào sâu trong nội thành giá càng tăng hơn. Giải thích lý do cho sự “hạ nhiệt” của giá loại rau xanh này, có người cho rằng: Giá bắp cải rẻ vì thời tiết se lạnh, bắp cải cuộn nhanh hơn.

Tiểu thương: “Tăng giá do khan hàng”

Giải thích cho việc tăng giá, người bán hàng tên Liên (Thịnh Liệt, Đống Đa) giải thích: “Thịt lợn tăng nhanh vì khan hàng”.

“Tại lò mổ, những người bán thịt vẫn phải xếp hàng mới mua được thịt, chủ cơ sở ấn định giá bao nhiêu vẫn phải lấy nên về chợ bán lẻ buộc phải tăng giá”, chị Liên cho biết.


Theo giới tiểu thương, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng phần lớn do khan nguồn cung, giá đầu vào cao.

Thịt gà cũng tương tự, tại chợ Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) 1kg gà mía tăng từ 75.000 - 90.000 đồng/kg, người bán cũng cho biết hàng rất khan. Nếu những ngày trước, một ngày chị có thể mua được từ 70 - 100 kg gà sống, đến thời điểm này cao điểm chị cũng chỉ có thể mua được 50 kg.

Tại các siêu thị, các mặt hàng nằm trong danh sách hàng bình ổn giá, giá cả không biến động lớn. Nhóm hàng thực phẩm tăng nhẹ. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Intimex ở Hà Nội, thực phẩm thiết yếu có giá: đường 24.000 đồng/kg, dầu ăn Simply loại 5 lít giá 175.000 đồng. Gạo tám Hải Hậu 75.000 đồng/5kg.

Theo bà Lê Khánh Vân (Giám đốc siêu thị Intimex Định Công, Hà Nội), các mặt hàng nằm trong bình ổn giá vẫn không thay đổi. Đối với hàng bánh kẹo, đồ uống hiện tại do sức mua còn thấp nên giá chưa tăng. Trong tháng tới, sức mua hàng Tết tăng lên, nếu nguồn hàng nhập vào với mức giá tăng thì siêu thị sẽ báo giá mới.  

Bộ Nông Nghiệp: “Cung” đáp ứng đủ lượng “cầu” trong nước

Giá cả leo thang tới chóng mặt, trong khi các tiểu thương “đổ tội” do khan hàng thì cơ quan chủ quản luôn khẳng định: Nguồn cung cho thị trường trong nước không hề thiếu.

Vừa qua, trong cuộc họp báo ngày 30/11, bà Trần Thị Miềng - Cục phó Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp &Phát triển nông thôn) - khẳng định: Lượng “cung” luôn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, thậm chí  xuất khẩu nên không có chuyện khan hàng, đẩy giá tiêu dùng lên cao.

Các cơ quan chức năng đang ráo riết phối hợp với các Bộ, ngành để bình ổn giá thị trường, tránh tình trạng sốt giá vào những dịp cuối năm.

Để minh chứng cho điều này, bà Miềng đã đưa ra các dẫn chứng: Về lương thực, hiện tại, Hiệp hội lương thực còn dự trữ khoảng 500.000 tấn gạo để phục vụ cho người dân từ nay đến hết Tết Nguyên đán. Về thực phẩm, lượng đường dự trữ đang cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng hơn 10.000 tấn, số đường có trong các kho của các cơ sở sản xuất lên tới 35.000 – 36.000 tấn. Hơn nữa, “chúng ta còn hạn ngạch nhập khẩu của năm 2009 khoảng 90.000 tấn đường vẫn chưa nhập về Việt Nam”, bà Miềng cho biết thêm.

Trong thời gian tới, Bộ Nông Nghiệp cùng  Bộ Công Thương đốc thúc các doanh nghiệp đã được cấp hạn ngạch phải khẩn trương nhập khẩu đường về để đáp ứng nhu cầu cung – cầu trong nước. Với lượng đường nhập khẩu và lượng đường mà 40 nhà máy đã đi vào hoạt động, bắt đầu sản xuất từ tháng 11/2010 (năng suất 60.000 tấn/tháng) hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường trong nước. Chỉ tính riêng lượng đường sản xuất của tháng 12/2010 (sản xuất trên 100.000 tấn đường/tháng) đã đủ cung cấp cho thị trường vào tháng Tết (khoảng 130.000 – 140.000 tấn/tháng).


Đối với rau, thực phẩm, theo số liệu Bộ Nông Nghiệp tổng hợp được, lượng thịt sản xuất của năm 2010 tăng hơn so với năm 2009 khoảng 5 – 5,5%. Bên cạnh sản xuất trong nước, hàng năm, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu một lượng thịt từ nước ngoài khoảng 5 – 6% trong tổng nhu cầu cả năm.

“Vừa qua, tại TP.HCM cũng như Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp được giao bình ổn giá đều đã ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất, các đơn vị cung cấp thịt để bình ổn giá không chỉ đến Tết mà hết tháng 3/2011. Cộng với việc cân đối về cung - cầu như vậy, chúng tôi khẳng định: “Cung” hoàn toàn đáp ứng được “cầu” trong nước nên hoàn toàn sẽ không có chuyện tăng giá đột biến", bà Miềng tin tưởng.


Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận
vtcnews.vn