Thực hư việc nguyên Chủ tịch Đà Nẵng cấp phép 'cải tạo đất' trước về hưu?

Thời sựThứ Năm, 12/03/2015 11:26:00 +07:00

Dư luận Đà Nẵng đang rất xôn xao với thông tin nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký cấp phép 'cải tạo đất' hàng loạt trước khi nghỉ hưu chỉ 1 ngày.

Dư luận Đà Nẵng đang rất xôn xao với thông tin nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký cấp phép 'cải tạo đất' hàng loạt trước khi nghỉ hưu chỉ 1 ngày, thực hư việc này ra sao?

Phù hợp thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

Ngày 11/3, nhiều người Đà Nẵng xôn xao khi xuất hiện thông tin báo chí trong ngày làm việc cuối cùng của nhiệm kỳ, nguyên Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã ký hàng loạt văn bản đồng ý cho các hộ tư nhân, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang cải tạo đất sản xuất nông nghiệp mà không có sự tham mưu của các sở, ngành, gây thất thoát tài nguyên, thuế, mất trật tự an toàn giao thông, môi trường bị ô nhiễm…

Theo lời Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành được dẫn trong một bài báo thì việc cho phép cải tạo đất này là “có vấn đề”. Trong khi đó, một số ý kiến trên các mạng xã hội cho rằng ông Văn Hữu Chiến ký cấp phép theo kiểu “chạy hưu” trước khi rời nhiệm sở.

Theo UBND huyện Hòa Vang, việc cho phép nhóm hộ do ông Nguyễn Duy Vinh đại diện được cải tạo mặt bằng đất đồi gò để sản xuất nông nghiệp tại thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú là cần thiết để giảm nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến tuyến đường 14G (Ảnh do Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cung cấp) 

Để rộng đường dư luận, chiều 11/3, PV đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên UBND TP Đà Nẵng. Ông Võ Văn Thương khẳng định: “Ông Văn Hữu Chiến đồng ý cho phép các nhóm hộ dân cải tạo đất là trên cơ sở kiến nghị của người dân và báo cáo, đề xuất của Sở TN-MT, Sở Xây dựng, UBND huyện Hòa Vang. Việc thông tin báo chí cho rằng ông Văn Hữu Chiến ký văn bản cho phép mà không qua các cơ quan tham mưu là không có cơ sở”.

Theo ông Võ Văn Thương, việc ông Văn Hữu Chiến đồng ý cho phép cải tạo đất trên địa bàn TP là phù hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP được nêu tại điều 3 Chỉ thị số 16/CT-UBND của UBND TP Đà Nẵng về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn TP Đà Nẵng”. Theo đó: “Trường hợp cải tạo mặt bằng, hạ thấp cao trình, hoặc nạo vét hồ, đầm, kênh, mương, sông, biển kết hợp khai thác, vận chuyển khoảng sản đi tiêu thụ phải được UBND TP Đà Nẵng đồng ý bằng văn bản”.

Mặt khác, cũng theo ông Võ Văn Thương, việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho phép cải tạo đất là tạo điều kiện để có nguồn đất cung cấp cho dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi theo ý kiến của Bộ GTVT tại Thông báo 955/TB-BGTVT ngày 17/9/2014; Thông báo 1035/TB-BGTVT ngày 8/10/2014; và Công văn 3227/VEC-QLTC.

Có báo cáo, đề xuất của UBND huyện Hòa Vang và các Sở hữu quan

Theo các văn bản do ông Võ Văn Thương cung cấp, ngày 26/12/2014, UBND huyện Hòa Vang có Tờ trình 492/TTr-UBND báo cáo, đề xuất với UBND TP Đà Nẵng về việc ông Nguyễn Duy Vinh (đại diện nhóm hộ dân đang quản lý và sử dụng) xin cải tạo mặt bằng đất đồi gò để sản xuất nông nghiệp tại thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú.

Theo UBND huyện Hòa Vang thì việc cải tạo đất là cần thiết để giảm nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến tuyến đường 14G và thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, ngày 29/12/2014, ông Văn Hữu Chiến ký Công văn 11846/UBND-QLĐTh đồng ý về chủ trương.

Đối với trường hợp ông Lê Ích Tiến, UBND huyện Hòa Vang cũng có Tờ trình 405/TTr-UBND (ngày 29/10/2014) báo cáo, đề xuất với UBND TP Đà Nẵng việc ông này xin cải tạo mặt bằng đất đồi gò đang quản lý và sử dụng tại thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong. Theo UBND huyện Hòa Vang thì việc cải tạo là cần thiết để để sinh hoạt, tạo mặt bằng sản xuất sinh hoạt cuộc sống của gia đình.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang thì việc cải tạo, chuyển đổi phần đất tại thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú từ đất lúa sang nuôi trồng thủy sản là do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả (Ảnh do Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cung cấp) 

Qua kiểm tra thực tế, Phòng Quản lý đô thị (Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) ghi nhận khu đất ông Lê Ích Tiến xin cải tạo là nhằm tạo mặt bằng sản xuất, tránh sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Trên cơ sở đó, ngày 30/12/2014, ông Văn Hữu Chiến ký ban hành Công văn 11963/UBND-QLĐTh đồng ý về chủ trương theo đề xuất của UBND huyện Hòa Vang.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang thì việc cải tạo, chuyển đổi phần đất tại thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú từ đất lúa sang nuôi trồng thủy sản là do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả (Ảnh do Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cung cấp)

Với hai trường hợp này, UBND huyện Hòa Vang đều được giao kiểm tra, giám sát hoạt động cải tạo đất để đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường tại khu vực. Yêu cầu hai nhóm hộ lập phương án cải tạo, vận chuyển đất thừa đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.

Đồng thời nguồn đất thừa trong quá trình cải tạo chỉ được sử dụng làm vật liệu san lấp các công trình trên địa bàn huyện Hòa Vang, không được vận chuyển ra khỏi địa bàn TP Đà Nẵng.


Đối với việc cải tạo đất nuôi trồng thủy sản tại thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang do ông Trần Quá làm đại diện thì Sở Xây dựng (tại Công văn 3913/SXD-QLQH ngày 11/7/2014), UBND huyện Hòa Vang (Báo cáo 134/BC-UBND ngày 9/6/2014), Sở TN-MT (Tờ trình 898/TTr-STNMT ngày 11/11/2014) đều có báo cáo, đề xuất.

Thống nhất theo đề xuất của Sở Xây dựng cho phép chuyển đổi phần đất tại thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang từ đất lúa sang nuôi trồng thủy sản do việc sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, tuy nhiên UBND TP Đà Nẵng nhận thấy việc Sở TN-MT đề xuất cho phép Công ty TNHH XDTM&DV Thịnh Phú Lâm cải tạo, tận dụng lượng đất sét tại khu vực là không phù hợp, sẽ tạo tiền lệ cho các trường hợp lợi dụng việc cải tạo để khai thác khoáng sản.

Do vậy, ông Văn Hữu Chiến yêu cầu Phòng Quản lý đô thị (Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) cùng UBND huyện Hòa Vang kiểm tra thực tế tại hiện trường. Trên cơ sở đó, ông ký Công văn 11962/UBND-QLĐTh (ngày 30/12/2014) cho phép nhóm hộ do ông Trần Quá làm đại diện được cải tạo đất nuôi trồng thủy sản tại thôn Hòa Phước và tận dụng lượng đất sét thừa để cung cấp cho các nhà máy gạch trên địa bàn huyện Hòa Vang nhưng không được vận chuyển ra khỏi địa bàn Đà Nẵng.

Ông Văn Hữu Chiến cũng giao UBND huyện Hòa Vang chủ trì, phối hợp với các Sở TN-MT, Xây dựng, NN-PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động cải tạo đất của nhóm hộ dân này đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường tại khu vực. Làm việc và yêu cầu nhóm hộ dân này lập phương án cái tạo, vận chuyển đất thừa đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.

Các nhóm hộ chưa thực hiện đầy đủ thủ tục


“Qua các trường hợp trên cho thấy, ông Văn Hữu Chiến đồng ý cho phép cải tạo đất trên địa bàn TP là phù hợp, thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP theo Chỉ thị số 16/CT-UBND. Và nguồn đất thừa sau khi cải tạo là để cung cấp cho dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi theo ý kiến của Bộ GTVT” – ông Võ Văn Thương nhấn mạnh thêm một lần nữa.

Cũng theo ông Võ Văn Thương, trong các trường hợp nêu trên, UBND TP Đà Nẵng chỉ mới đồng ý về chủ trương, còn việc thực hiện khai thác thì các nhóm hộ phải lập đầy đủ các thủ tục như cam kết bảo vệ môi trường, phương án cải tạo đất và thực hiện đầy đủ các nghĩ vụ tài chính theo quy định và gửi UBND huyện Hòa Vang phê duyệt trước khi được phép cải tạo.

“Qua kiểm tra thực tế, các nhóm hộ nêu trên chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định nên ngày 11/3/2015, tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có Công văn 1732/UBND-NCPC đình chỉ việc khai thác nêu trên nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn TP” – ông Võ Văn Thương cho hay.

Đà Nẵng: Đình chỉ ngay hoạt động cải tạo mặt bằng đất đồi gò

Ngày 11/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký văn bản số 1732/UBND-NCPC yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT phối hợp với Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang lập thủ tục đình chỉ ngay hoạt động cải tạo mặt bằng đất đồi gò để sản xuất nông nghiệp, hoạt động cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, tận dụng đất sét thừa cung cấp cho các nhà máy gạch của các tổ chức, cá nhân tại khu vực thôn Hòa Phước (xã Hòa Phú, Hòa Vang).

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở TN-MT tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời lưu ý phải nêu rõ hành vi vi phạm, kiến nghị hình thức xử lý đối với các cá nhân có liên quan trong các cơ quan quản lý Nhà nước do đã để xảy ra vi phạm nêu trên.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Công an TP chỉ đạo các đơn vị và công an các địa phương tăng cường kiểm tra việc khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định. Phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo văn bản 1732/UBND-NCPC, kể từ nay Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc trình các trường hợp cho phép cải tạo mặt băng đất đồi gò, cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đảm bảo các tiêu chí theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nguồn: Hải Châu(Infonet)

Bình luận
vtcnews.vn