Thực hư thần y đọc bùa chú cầm máu ngay tức khắc

Sức khỏeThứ Hai, 24/06/2013 07:52:00 +07:00

Người Nùng ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn vẫn truyền nhau một bùa chú huyền bí.

Người Nùng ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn vẫn truyền nhau một bùa chú huyền bí.


Dù vết thương có rách sâu, chảy máu đầm đìa, chỉ cần đọc câu bùa chú là có thể cầm máu ngay tức khắc, hiệu quả hơn cả đi bệnh viện khâu vết thương? Còn thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy …

Đi tìm bùa chú cầm máu kỳ lạ


Một trong những người hiếm hoi tự cho mình biết bùa chú này trong cộng đồng người Nùng ở Chi Lăng là ông Nông Quốc Vinh, năm nay đã 70 tuổi. Tiếp xúc với phóng viên, ông Vinh hồ hởi kể về bùa chú màu nhiệm của mình.

Ông cho biết, trước đây nhà ông ở thung lũng sâu phải đi qua một con đèo khúc khuỷu cả chục km mới tới nơi. Bùa chú này ông được bố đẻ là ông Nông Vản Lộc (đã mất) truyền lại từ hồi còn nhỏ. Khác với thầy mo, thầy cúng phải kiêng khem đủ thứ từ kiêng bước qua dây phơi quần áo, kiêng thịt chó, thịt trâu đến kiêng ngủ với vợ trước ngày hành lễ, các ông thầy nắm thuật cầm máu chẳng cần kiêng một thứ gì cả.

bùa chú
 
Khẩu quyết niệm chú này cũng rất đơn giản, không cần bất cứ vàng hương gì khi thực hiện. Ông Vinh tụt dép, kéo quần lên chỉ cho tôi một vết sẹo rất sâu nơi ngón chân cái.

“Chân của tôi một lần bất cẩn bị búa chặt vào, máu phun ra rất nhiều. Cởi giày ra tôi thấy lưỡi búa đã chẻ chéo ngón chân cái, hai mảnh chỉ dính vào nhau bằng một tí da.

Tôi lấy tay bóp mạnh vào rồi đọc niệm chú ngón chân không chảy thêm một giọt máu nào nữa. Khi đó đang ở trên núi, cách nhà chừng 9 km nhưng tôi vẫn tập tễnh đi bộ về nhà, lấy thuốc đắp cho liền thịt. Bảy ngày sau thì lại đi làm bình thường được”, ông Vinh khoái chí cười. Người trong nhà bảo kiêng gạo nếp, thịt gà để tránh mưng mủ vết thương, nhưng ông cũng chẳng kiêng khem thứ gì.

Ông Vinh cho biết , những người bị nạn được ông cứu nhiều không kể xiết. Ca bệnh nặng ông chữa gần đây nhất là vào cuối năm 2010. Khi đó ông đi hái thuốc trên núi, gặp người trồng na bị tai nạn dập ngón tay. Ông vội vàng nắm chặt vết thương rồi niệm chú một hơi, vết thương rồi niệm chú một hơi, vết thương cầm máu ngay tức khắc. Sẵn thuốc mang đi, ông lại bó luôn cho người thợ này.

Không riêng ông Vinh có phép cầm máu, còn nhiều người Nùng ở vùng quan ải này có được phép thuật kỳ lạ ấy. Một trong số đó là ông lão mù Thi Giẳng, năm nay đã 78 tuổi, ở thôn Đồng Đĩnh. Ông kể, ngày xưa ông đam mê thuật này lắm. Nhưng người thầy kiên quyết không dạy.

Biết thầy nghiện thuốc phiện nặng, ông lặng lội đi mua thuốc phiện về biếu thầy. Nhưng cũng phải vài lần, thầy mới chịu nhận ông làm đệ tử. Tuy ông mù, không đọc được chữ nhưng nghe khẩu quyết vài lần là nhớ.

Có lần thầy muốn kiểm tra ông, bèn chặt một cây chuối non, nhựa cây trào ra xối xả. Ông không ngần ngại đọc bùa, nhựa cây đột nhiên ngừng hẳn. Lần khác, thầy thử tài ông với ngọn xương rồng rồi yêu cầu ông làm cây không chạy nhựa. Ông nín hơi, đọc một mạch câu thần chú, y như rằng nhựa không chảy ra nữa.

Chính vợ ông một lần đang băm rau lợn thì vô tình để dao băm vào giữa ngón tay cái. Cũng may có bùa chú của chồng mà bà cầm máu được ngay tức khắc. Đến bây giờ, ngón tay bà vẫn còn một vết sẹo lớn.

Dọc ngang những năm tháng chiến tranh, không ít lần ông chữa cho bộ đội bị thương hay người dân gặp nạn. Nhưng gần chục năm nay, ông gần như không chữa chạy cho ai nữa. Ông chia sẻ: “Mình già rồi, người như cái lá già trên cây, rụng lúc nào còn không biết, hơi sức đâu mà đọc nó (câu thần chú ”.

Toàn bộ câu niệm chú bằng tiếng Nùng ấy được ông đọc lại: “Khạt nự ấu nự ma pắng. Khạt nắng ấu nắng ma pủ. Cấu và mưng phải nặng. Cấu sắc mưng phải nặng. Chẩn ngó tài sản kiếp xê la lê”. Tức “Thịt đứt thì lấy thịt để đắp. Da rách lấy da để đắp. Tôi bảo anh phải nghe. Tôi nói anh phải chịu. Nếu mà anh không nghe bắt buộc tôi phải đánh anh”.

Những người già trong vùng kể lại, thuật cầm máu này ngày xưa được lan truyền rộng rãi. Các thầy cầm máu rất được nhờ cậy trong mỗi lần thiến trâu, thiến bò. Cao tay nhất có lẽ là ông Nông Văn Bích. Tuy nhiên, phép này cũng chia chính chia tà, người chính học phép dừng chảy, kẻ tà học phép máu chảy không ngừng để hại người. Ngày đó, cách đây cũng đã 30 năm, ông Bích và một người nữa mà các già đã quên mất tên cùng học một thày dạy.

Nhưng kẻ kia đi vào tà đạo, phát lời thề sẽ làm chết hết sâu bò trong vùng bằng cách cho chảy máu. Nhưng hễ hắn hại nhà nào thì ông Bích lại xuất hiện và đọc thần chú bịt chặt vết thương. Chưa một lần nào kẻ độc ác đó thắng được ông Bích. Sau đó, hắn phải bỏ bản làng trốn sang Trung Quốc.

Nhiều năm gần đây, gần như các thầy phép đều đã cao tuổi, chẳng ai còn đủ sức để đọc một hơi thần chú. Thế hệ những người trẻ cũng không muốn hoặc không quan tâm đến phép này.

Ông Nông Quốc Vinh tâm sự: “Tôi cũng già, phổi yếu rồi, không nín một hơi mà đọc được bài chú nữa”.

Vẫn chỉ là chuyện đồn thổi của bùa chú


Để tìm hiểu bùa chú này có thực sự tồn tại và màu nhiệm như những ông thầy bùa đã kể hay không, phóng viên đã đến trạm y tế xã Chi Lăng xin xác minh thông tin. Điều bất ngờ, Phó trưởng trạm y tế xã Chi Lăng, anh Hoàng Văn Cường, dù hay qua lại nhà ông Vinh nhưng chưa bao giờ nghe nói tới khả năng bùa chú kì lạ của ông.

Anh Cường cho biết: “Ông Vinh rất hay tham gia các hoạt động của hội người cao tuổi địa phương, nhưng về việc ông là thầy bùa, nắm giữ bùa chú màu nhiệm như thế thì tôi thực chưa nghe nói đến, dù nhà tôi cách không xa nhà ông ấy”.

Xung quanh việc bùa chú có khả năng cầm máu, anh Cường cũng cho biết thêm: “Nếu như những vết đứt tay, rách da, rách thịt không quá sâu thì chỉ cần nắm chặt vết thương trong vòng vài phút là cũng có thể cầm máu. Bùa chú này cũng cần phải nắm chặt vết thương nên sự cầm máu có thể hiểu được, nhưng với những vết thương sâu đến đứt gân, đứt xương mà dùng bùa có thể cầm máu thì tôi không tin”.

Khi tiếp xúc với trưởng công an xã Chi Lăng, ông cho biết đã có nghe một số lời đồn xung quanh câu chuyện ông Giẳng mù có bùa để cầm máu, nhưng đấy chỉ là lời đồn chứ nhiều năm gần đây cũng chưa ai thử chữa, hoặc cũng không ai mắt thấy tai nghe về chuyện bùa chú trị thương này.

Không hiểu những bùa phép này linh nghiệm tới đâu, nhưng khi hỏi thăm những người hàng xóm của các ông thầy phép, có người còn ngạc nhiên khi lần đầu tiên được nghe tới loại bùa chú này và càng bất ngờ khi hàng xóm của mình lại có khả năng như vậy.

Anh Trần Văn Chiến, ở làng Đồng, xã Chi Lăng, gắn bó với mảnh đất này từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ cũng đã hơn 40 năm cho biết: “Ngày nhỏ có nghe chuyện bố mẹ hay những người già kể về bùa chú cầm máu của người Nùng, không riêng gì bùa cầm máu, còn có nhiều bùa phép lắm, mà chuyện nào nghe cũng đáng tin, đáng sợ. Nhưng thú thực, chữa đứt tay, đứt chân nhỏ nhỏ thì tôi cũng thấy rồi, còn chữa cầm máu đến mức dao chặt, rìu xẻ, đứt gân, đứt xương thì tôi chưa tận mắt chứng kiến người nào”.

Có vẻ như những bùa phép này không được hiệu nghiệm như các ông thầy vẫn tán dương. Giữa thực tế và những chuyện huyền bí mà nhiều thế hệ người Nùng tô vẽ có nhiều điểm khó tin, phản khoa học, mang màu sắc huyền bí.






Theo Hôn nhân và pháp luật


Bình luận
vtcnews.vn