Thực hư chuyện "vật báu" của làng phải giấu kín ở trong chòi

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 02/01/2016 12:32:00 +07:00

Sau khi dịch chuyển gia đình đã làm cho một cái chòi, và để sắc phong cùng các vật là đồ cúng của đình vào đó.

Sau khi dịch chuyển gia đình đã làm cho một cái chòi, và để sắc phong cùng các vật là đồ cúng của đình vào đó.


Làng Bất Mê của xã Thành Công huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) được biết đến với cái nôi lịch sử của người Mường. Hiện trong làng vẫn còn giữ được rất nhiều các phong tục tập quán của dân tộc như nàng dâu nhà họ Bùi mặc áo tang màu đỏ "quạt ma" cho người chết, tục làm vía, tục thờ cúng thần đất…

Hiện cùng chung sống trên mảnh đất này có dòng họ Bùi và dòng họ Quách (tức dòng họ của quan lang). Có lẽ chính tờ sắc phong mà vua ban cho thì làng này mới có tên gọi là "Bất Mê". Theo các cụ, tên làng có từ khi mới lập Mường, bởi làng có đình và sắc phong.
Ông Bùi Văn Cứa (80 tuổi) trò chuyện cùng phóng viên.
Ông Bùi Văn Cứa (80 tuổi) trò chuyện cùng phóng viên. 
Theo cụ Bùi Văn Cứa (80 tuổi), từ lúc cụ lớn lên, bản này mới chỉ có hơn 10 hộ dân. Cuộc sống của bà con chỉ dựa vào ruộng nương đồi núi là chính. Ngoài việc lao động sản xuất, dân bản còn có một ngôi đình nằm giữa trung tâm của làng. Ngoài hoạt động tâm linh, ngôi đình này còn là nơi hội họp, bàn bạc những việc quan trọng của những người có chức sắc ở trong làng.

Do đình có sắc phong của vua ban, nên ở đình còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian. Những dịp tổ chức văn hóa văn nghệ thường là vào mùa xuân, trong những dịp này trai làng, gái bản họ thường tập trung ra sân đình để hát đúm, thổi sáo ôi, ném còn…

Theo cụ Cứa, hiện nay làng này vẫn còn giữ lại bản gốc là một tờ sắc phong, chữ được viết bằng nho. Tờ sắc phong này được đựng trong một chiếc ống, bên ngoài sơn hình các con rồng. Hiện nay bản sắc phong nay chưa dịch được ra chữ quốc ngữ vì không ai biết chữ nho.
Sắc phong có chữ viết rất rõ nhưng chưa được dịch ra chữ quốc ngữ.
Sắc phong có chữ viết rất rõ nhưng chưa được dịch ra chữ quốc ngữ. 
Cũng theo cụ Cứa, thời gian phá đình sắc phong được ông Quách Công Lư (chủ từ) mang về nhà mình để thờ cúng. Sau khi ông Lư mất, ông Quách Công Cộng là con lại thờ cúng sắc phong này. Cụ Cứa bảo: "Ngày xưa sắc phong này chính là vật linh thiêng nhất của bản làng. Cứ mùng một, ngày rằm ở đình lại mở của để thắp nhang, bởi sắc phong chính là biểu tượng tâm linh, là bộ mặt của làng và tổng. Sau khi phá đình làng những năm 1954 - 1960 thì sắc phong được ông Lư mang về thờ. Từ ngày ông Lư mất, ông Cộng lại có trách nhiệm bảo vệ sắc phong cho bản làng".

Từ khi gia đình ông Cộng làm nhà mới, sắc phong của bản lại được thầy cúng làm lễ, bí mật chuyển ra một góc vườn. Do nó không phải là báu vật của tổ tiên nên gia đình quyết định xê dịch ra chỗ khác để thờ tự. Bà Ào (vợ ông Cộng) cho rằng để sắc phong ở trong nhà thì sẽ mát nhà, nhưng đây lại là báu vật của làng nên nó phải bí mật chuyển ra ngoài. Sau khi dịch chuyển gia đình đã làm cho một cái chòi, và để sắc phong cùng các vật là đồ cúng của đình vào đó. Cứ đến ngày lễ tết và ngày rằm bà Nguyễn Thị Ào (77 tuổi) lại đem bánh kẹo cũng các đồ lễ lên chòi để thắp nhang.
Bà Nguyễn Thị Ào (77 tuổi) người canh giữ sắc phong ở trong chòi.
Bà Nguyễn Thị Ào (77 tuổi) người canh giữ sắc phong ở trong chòi. 
Để tìm hiểu về vấn đề sắc phong không được thờ tự đúng nơi, chúng tôi đã tìm đến ông Quách Công Hưng, Bí thư Chi bộ thôn Bất Mê để hỏi chuyện. Ông Hưng dẫn chúng tôi xuống gia đình bà Nguyễn Thị Ào người đã có công lưu giữ chăm nom sắc phong nhiều năm nay.

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Ào nói: "Sắc phong này được gia đình tôi thờ tự từ lâu lắm rồi. Vì nó linh thiêng nên cũng không ai dám mở ra và đụng chạm đến nó. Từ đời trước đến đời sau, trong gia đình tôi ai cũng có trách nhiệm bảo vệ nó". Theo bà Ào, những vật của đình đem về đây đều được giữ nguyên vẹn. Ngoài sắc phong còn có một chiếc đĩa cổ, hai bình rượu cùng các lư hương.

Cũng theo bà Ào, từ khi dịch chuyển, sắc phong phải nằm lay lắt hằng mấy năm ở ngoài trời. Thời điểm này sắc phong thường ít được trông nom hơn, thậm chí mối còn leo cả lên cột chòi len vào bên trong hòm khắc. Bụi bặm màng nhện, rắn rết cũng chui cả vào đó để làm chỗ trú ẩn.

Dẫn chúng tôi lên chòi cất giấu sắc phong, ông Hưng nói: "Sắc phong này có từ lâu lắm rồi, đây là đồ của làng nhưng vì gia đình cất giữ nên vẫn phải bảo vệ. Vấn đề này tôi cũng đã đề cập trong việc họp thôn, là phải xây dựng lại một ngôi đình đúng với ý nghĩa của nó để thờ tự".
Ông Quách Công Hưng (Bí thư chi bộ) dẫn phóng viên đi xem sắc phong của bản.
Ông Quách Công Hưng (Bí thư chi bộ) dẫn phóng viên đi xem sắc phong của bản. 
Theo ông Hưng, việc xây dựng lại đình giống nhưng các làng đã làm, cần phải có sự đồng thuận của dân làng cùng cấp ủy và chính quyền ở địa phương mới thực hiện được. Việc dịch chữ sắc phong để bảo tồn bản sắc văn hóa của thôn bản, hiện nay ở một số thôn họ đã và đang làm rất tốt.

Đơn cử như ở xóm Đầm, xóm Sồi của xã Thành Minh họ cũng đã cho xây dựng lại đền và đem sắc phong đến để thờ tự. Hàng năm họ vẫn tổ chức hội làng, và họ cũng đang tích cực bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử. Ông Hưng nhấn mạnh: "Ngoài làng Bất Mê, trên địa bàn xã còn có làng Đồng Hội, làng Ngọc Lâu đều có sắc phong nhưng vẫn chưa có đình để thờ tự".

Video kho báu trăm tỷ dưới đáy biển


Cũng theo ông Hưng, việc xây dựng lại đình rất cần sự quan tâm của Ban văn hóa xã, Phòng văn hóa huyện, tỉnh và Trung ương. Hiện tại nền văn hóa đình chùa, tiền thân của nó vẫn là những tấm sắc phong của vua ban đang bị mai một. Nếu phục dựng lại đình thì sắc phong sẽ được thờ tự theo đúng chuẩn mực, điều này sẽ thúc đẩy đời sống văn hóa tinh thần ở trong các thôn bản phong phú hơn. Ngoài việc xây dựng lại đình thì việc bảo tồn và gây dựng lại những giá trị văn hóa dân gian như tục mát nhà, múa hát, ném còn, đánh đu, hát giao duyên cũng rất cần được khôi phục.

Hiện nay đất nước ta đang đi vào thời kỳ hội nhập các nền văn hóa khác nhau, nhất là việc thâm nhập các nền văn hóa nước ngoài. Chính vì sự thâm nhập của nhiều nền văn hóa, khiến cho văn hóa của dân tộc đang có chiều hướng mai một dần. Việc gây dựng, tôn tạo đình, chùa cũng chính là mục tiêu và nhiệm vụ trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây lại là làng Mường nên các giá trị trên rất cần Nhà nước quan tâm.

Chúng tôi được biết, Bất Mê đã được công nhận là làng văn hóa cấp huyện. Bí thư chi bộ cũng bày tỏ mong muốn bảo tồn các giá trị văn hóa, nhất là việc sắc phong vì nó chưa được cấp xã, huyện quan tâm đúng mức.

Ông Hưng nói thêm: "Do bản còn nghèo nên chúng tôi vẫn tiếp tục bảo vệ sắc phong, tiến tới sẽ xây dựng quy chuẩn về nếp sống văn hóa để trình lên xã. Thôn chúng tôi cũng đang xây dựng hồ sơ về lịch sử của bản, đồng thời xác định niên đại tấm sắc phong. Về phía người dân họ cũng đã đồng thuận và bày tỏ mong muốn khôi phục bản sắc văn hóa của làng".

Trao đổi cùng Trưởng Ban Văn hóa xã Thành Công, ông Bùi Văn Thân cho biết: "Hiện nay có làng Đồng Hôi, Bất Mê, Ngọc Lâu vẫn còn giữ được sắc phong của vua chúa. Việc lưu giữ và bảo tồn sắc phong luôn được cấp ủy và chính quyền xã hướng tới.

Hiện xã Thành Công đang còn nghèo nên việc bảo tồn những giá trị văn hóa này gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là kinh phí để trùng tu. Trước mắt chúng tôi vẫn phải kết hợp với ban thôn, tiếp tục tuyên truyền cho bà con về các giá trị văn hóa của làng. Thông qua đây tôi cũng mong Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa của xã, nhất là việc bảo tồn văn hóa đình, chùa ở địa phương".


Nguồn: Minh Phượng(CAND)
Bình luận
vtcnews.vn