Thủ tướng: Xác định rõ nhiệm vụ gì có thể phân cấp cho TP.HCM

Thời sựThứ Tư, 06/09/2017 12:13:00 +07:00

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là phát triển kinh tế tư nhân.

Sáng 6/9, tại trụ sở Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù của TP.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các Phó thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo một số bộ, ngành.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo xây dựng báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 và Đề án cơ chế chính sách đặc thù của TP.HCM thể hiện tinh thần “TP vì cả nước, cả nước vì TP”.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, nhất là phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo nguồn thu quốc gia… Đây cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của miền Nam và cả nước với nhiều trường đại học lớn.

Thu tuong: Xac dinh ro nhiem vu gi co the phan cap cho TP.HCM hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Cho biết những kết quả của TP.HCM đã được Đảng, Nhà nước đánh giá là to lớn, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế - xã hội của TP.HCM còn nhiều tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp các khó khăn, thách thức mà nếu không có chỉ đạo mới, cách làm tốt, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho TP thì sự dừng lại của TP có thể diễn ra.

Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP cần đặt ra.

“Hôm nay, chúng ta tiếp tục thảo luận một số cơ chế cho TP.HCM, tạo điều kiện cho TP phát triển”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo chung là phát huy thế mạnh, tạo sức lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội của TP, là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Đồng thời bảo đảm sự phát triển hài hòa, kết nối hiệu quả với các vùng, địa phương trong cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho TP.HCM phát triển.

Thủ tướng đề nghị các đồng chí dự họp phát biểu, chú trọng vào một số điểm như đánh giá đúng vị trí, vai trò của TP, những kết quả, tồn tại trên các mặt, nguyên nhân, đặc biệt trong 5 năm gần đây khi thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị với tinh thần bám sát thực tiễn, nhìn thẳng sự thật.

Bên cạnh đó, cần nêu ra những khó khăn, thách thức đối với TP hiện nay và trong thời gian tới, trong đó có những vấn đề như kết cấu hạ tầng không theo kịp sự phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm môi trường và những vấn đề phát sinh về văn hóa, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực…

Thủ tướng đề nghị các đồng chí dự họp có ý kiến cụ thể về những đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù cho TP.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý chủ trương chung là đẩy mạnh phân cấp giao quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở, gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát của Trung ương.

“Trung ương không phải ôm nhiều việc của TP và TP cũng không phải ôm nhiều việc của các quận, huyện, sở, ngành. Xác định rõ nhiệm vụ gì có thể phân cấp, lĩnh vực nào cần quản lý tập trung thống nhất và đặc biệt lưu ý lĩnh vực tài chính ngân sách Nhà nước cần thực hiện nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất như thế nào. Làm sao thể hiện tinh thần TP vì cả nước, cả nước vì TP trong xác định vấn đề thuộc về tài chính, ngân sách này.

Chúng ta xác định chia sẻ khó khăn chung của đất nước, dựa trên cơ sở nguyên tắc công bằng vì TP là nơi có trụ sở của nhiều doanh nghiệp lớn nộp thuế, hoạt động không chỉ trên địa bàn TP mà còn ở các địa phương khác”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị nghiên cứu thêm về tầm nhìn chiến lược dài hạn hơn đối với TP, phải có định hướng, mục tiêu, yêu cầu trung và dài hạn ít nhất đến năm 2025, tầm nhìn 2035 như thế nào trong sự phát triển.

Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, nhất quán, lâu dài với sự phát triển TP.

Trình bày đề xuất cơ chế đặc thù của TP.HCM để TP phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP.HCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước.

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TP so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của TP.HCM không khác gì so với các địa phương khác. Song do có các đặc thù, lợi thế của TP mà trong điều kiện chung đó, TP đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt trội hơn cả nước.

Video: Quân đội làm kinh tế, nên hay không nên?

Tuy nhiên, đặc thù của TP đều có 2 mặt. Dân số đông nhất cả nước và gia tăng liên tục trong hơn 40 năm, một mặt là nguồn nhân lực cho TP phát triển, mặc khác với mật độ dân số gấp 15-20 lần cả nước hiện nay, cường độ kinh tế (GDP/km2) gấp 30-40 lần cả nước thì nhu cầu về giao thông trên 1 km2, nhu cầu cấp nước sạch, xử lý chất thải, trường học, khám chữa bệnh (trên 1 đơn vị diện tích) gấp hàng chục lần cả nước. Giải quyết các vấn đề này đòi hỏi mức độ đầu tư trên 1 đơn vị diện tích cũng gấp hàng chục lần cả nước.

Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM bao gồm 4 vấn đề chính là tăng cường phân cấp ủy quyền; tự chủ tài chính; trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động; kiện toàn ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng TP.HCM.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trình bày tóm tắt sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.

(Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)
Bình luận
vtcnews.vn