Thủ tướng: 'Không ít đề tài nặng tính lý thuyết, chỉ làm dày thêm ngăn tủ lưu trữ'

Giáo dụcThứ Ba, 27/12/2016 18:26:00 +07:00

Thủ tướng cho rằng không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn.

Phát biểu tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành quả đã đạt được của Viện đã đạt được trong thời gian qua. 

“Một trong những sứ mạng của Viện là thúc đẩy sự phát triển của nền KHXH Việt Nam, đóng góp có ý nghĩa và xứng đáng vào kho tàng trí thức của nhân loại, tạo ra các giá trị học thuật mang tầm thời đại, đưa nền khoa học Việt Nam vươn ra tầm quốc tế”, Thủ tướng nói.

thu-tuong-tham-vien-khxh-1

 

Thủ tướng cho biết, theo dự toán ngân sách năm 2017, Viện Hàn lâm KHXH được cấp đến 615 tỷ đồng để chi thường xuyên.

Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách nêu trên là sự ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, tiềm năng của Viện.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là 2 Viện Hàn lâm (Khoa học và Công nghệ, Khoa học xã hội), cần phối hợp chặt chẽ, là đối tác tương tác như “răng với môi”.

Chia sẻ với các nhà khoa học một số tâm tư, trăn trở, Thủ tướng cho rằng không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn.

Nghiên cứu mà không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà.

thu-tuong-tham-vien-khxh-4

 

Thủ tướng yêu cầu, Viện phải xây dựng cơ sở dữ liệu tin cậy về các kết quả nghiên cứu và khả năng áp dụng vào thực tế Việt Nam để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu tham khảo. Cần thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế cũng như thích ứng với cơ chế thị trường.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn từ những nghiên cứu đề xuất, ý tưởng khoa học của Viện, chúng ta sẽ có những nhà khởi nghiệp thành công trong nước và tầm quốc tế. “Chính phủ kỳ vọng Viện sẽ làm tốt điểm này và mong muốn ngay trong Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có những nhà khởi nghiệp xuất sắc”, Thủ tướng nói.

thu-tuong-tham-vien-khxh-5

 

Thủ tướng nêu 4 yêu cầu đối với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Thứ nhất, là viện nghiên cứu nhưng phải kịp thời nắm bắt sát cuộc sống, xã hội, thế giới cũng như bản sắc văn hóa xã hội của Việt Nam; đồng thời đầu tư thỏa đáng để các số liệu dự báo có độ tin cậy cao, tư vấn đúng và trúng trọng tâm về các chính sách quản lý cũng như các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ.

Thứ hai, song song với nghiên cứu, cần đánh giá và áp dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học của nhân loại vào việc giải quyết các bài toán mà thực tế đặt ra cho xã hội Việt Nam. Ví dụ vấn đề khoảng cách giàu nghèo, vấn đề gia đình trong kinh tế thị trường

Thứ ba, phải là “địa chỉ đỏ” để các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến đặt hàng giải quyết các bài toán mang tính xã hội cũng như nơi cung cấp thông tin chuẩn mực về quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Thứ tư, Viện cần tiếp tục tinh gọn bộ máy, áp dụng phương thức quản lý phù hợp để thu hút nhân tài, phát huy tối đa nội lực, mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập có hiệu quả vào chuỗi giá trị tri thức của nhân loại. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không hành chính hóa các nhà khoa học.

Thủ tướng đặt hàng 5 nhiệm vụ đối với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Thứ nhất, nghiên cứu đề xuất xử lý các thể chế kinh tế xã hội ràng buộc Việt Nam không phát triển được. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt bài toán chuyển dịch lao động giữa các khu vực. Thủ tướng nêu thực tế, hiện nay chênh lệch giữa nông thôn và thành thị rất lớn, người dân bỏ ruộng nương lên thành phố làm ăn. Vậy thể chế nào để giải quyết vấn đề này, để người dân “ly nông bất ly hương”?

Thứ hai, nghiên cứu đặc điểm địa lý kinh tế nhân văn từng vùng miền để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Thứ ba là làm sao giữ gìn và phát huy bản văn hóa sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.

Thứ tư, tập hợp luận cứ khoa học mang tính thuyết phục cao để làm cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thứ năm là đề xuất cơ chế hữu hiệu hơn để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đưa Việt Nam đạt và vượt mục tiêu có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn