Thủ tướng: 'Không có cách nào khác là phải quyết liệt cải cách'

Thời sựThứ Năm, 17/12/2015 02:25:00 +07:00

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đà cải cách của năm 2015 sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn trong năm 2016.

(VTC News) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đà cải cách của năm 2015 sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt hơn trong năm 2016.

Trong phiên họp Chính phủ tháng 11 vừa diễn ra mới đây, Thủ tướng nói: Không có cách nào khác là phải triển khai quyết liệt cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng mặt hàng, tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 19/NQ-CP tuy tạo chuyển biến thực sự nhưng chưa thể vừa lòng bởi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đồng thời với những cơ hội là sức ép cạnh tranh khốc liệt.

Nhìn vào các giải pháp đưa ra của Chính phủ có thể thấy, những lĩnh vực đã đạt được mục tiêu cải cách trong năm 2015 sẽ còn phải làm tốt hơn nữa trong năm 2016. Ngành thuế cần phải đạt được các mục tiêu về giảm thời gian nộp thuế, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa… Nếu cuối năm 2015, ngành Thuế phấn đấu 90% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử thì người dân sẽ không phải xách xe, xách tiền đi nộp nữa. Thủ tướng nói “Làm được vậy thì cải cách rất lớn, rất thuận tiện”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Quan điểm của Thủ tướng rất rõ ràng. Cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục theo chiều hướng hài hòa hợp lý: Vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của cộng đồng.

Cắt giảm biên chế

Quyết định vừa được Thủ tướng phê duyệt cho thấy, so với năm 2015 thì năm 2016 số lượng biên chế công chức các bộ, ngành và địa phương giảm 4.139.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2016 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) là 272.916 biên chế.

Cụ thể, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 110.559 biên chế.

Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 160.272 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.085 biên chế; biên chế công chức dự phòng 1.000 biên chế
Cũng theo quyết định, tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2016 là 686 biên chế.

Như vậy, so với năm 2015, năm 2016 giảm 4.139 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức.

Đồng thời, giao biên chế đối với từng hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế quy định nêu trên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng số biên chế công chức được giao khi thành lập tổ chức hoặc được giao nhiệm vụ mới.

Giảm thủ tục xuất nhập khẩu xuống còn 5 ngày

Năm 2020, thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ còn 5 ngày. Đây là mục tiêu của đề án giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Đề án sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Mục tiêu chung của đề án là xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, các quy trình, quy định nhằm nâng cao hiệu lực, thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Đồng thời, giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; góp phần bảo vệ an toàn kinh tế, an ninh quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, của doanh nghiệp và của quốc gia.

Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước; giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, tạo áp lực lên các Bộ trưởng

TS.Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhận định, Chính phủ đã định hướng, mở đường, dẹp bớt những khó khăn để các doanh nghiệp có thể tham gia phát triển, khơi lên được các nguồn lực. Và nhiều nguồn lực hợp lại thì tạo thành nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững dù còn nhiều khó khăn phía trước.

Phải ghi nhận rằng, trước nhiều khó khăn như vậy nhưng Chính phủ rất năng động, ngay từ đầu năm đã ra một loạt các nghị quyết từ 01, 02 cho tới nghị quyết 19, nhất quán là phải cải thiện môi trường đầu tư.

Đồng thời, trong công tác điều hành Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo rất quyết liệt, tạo áp lực lên các Bộ trưởng, tăng cường sự phối hợp với nhau, thậm chí yêu cầu quy trách nhiệm cho các vị trí lãnh đạo. Từ đó tạo ra sự cải cách mạnh mẽ về mặt quản lý nhà nước, biểu hiện rõ nhất đó là thủ tục quản lý thuế.

Ngay từ đầu năm thì có những đánh giá e ngại về thủ tục của Việt Nam khi mà thủ tục thuế quan lên tới 800 giờ, nhưng chỉ tới quý III vừa rồi thì đã giảm xuống còn hơn 170 giờ. Thậm chí, Thủ tướng còn chỉ đạo phải tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa để giảm số giờ thủ tục thuế quan xuống mức thấp hơn cả mức trung bình của khu vực.

Như vậy là Chính phủ đã thay đổi rất mạnh trong tư duy điều hành, thể hiện bằng những kết quả hết sức tích cực, đúng như tuyên bố của Thủ tướng “Việt Nam không thể đứng chót Asean mãi như thế này”.

Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay, tăng cho vay các lĩnh vực ưu tiên, thực hiện việc cải thiện điều kiện tiếp cận vốn để các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn… đồng thời tạo điều kiện đầu tư cho hạ tầng để tăng cường nguồn lực đầu tư tư nhân, tăng cường sức dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc nới room để các nhà đầu tư nước ngoài vào các kênh nhạy cảm, từ tài chính, chứng khoán, ngân hàng… đều được mở và ngày càng mở hơn.

Việc ứng phó với những diễn biến thực tế của Chính phủ cũng rất nhanh chóng và đem lại hiệu ứng tích cực ngay lập tức, đó là miễn visa cho một loạt khách du lịch đến từ các quốc gia châu Âu; cho phép mua hàng miễn thuế trên các chuyến bay tới Việt Nam.
Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn