Thứ trưởng Công thương: 'Được mùa mất giá' là tự nhiên

Kinh tếThứ Năm, 28/05/2015 07:14:00 +07:00

(VTC News) - Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 27/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa” là hết sức tự nhiên.

(VTC News) - Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 27/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa” là hết sức tự nhiên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản có sự giảm sút. Hiện nay, những thị trường lớn, thị trường chính của chúng ta như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản sụt giảm trong khi một số thị trường chúng ta nghĩ rằng rất tiềm năng thì chưa phát huy được.

Thị trường vải thiều năm nay có được mùa mất giá?
Thị trường vải thiều năm nay có được mùa mất giá? 
Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông-thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm bị sụt giảm. Còn biện pháp làm thế nào để tăng kim ngạch xuất khẩu thì không phải đến giờ chúng ta mới bàn mà việc này Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành có những biện pháp từ rất lâu.


Trước hết, chúng ta phải mở rộng các thị trường thông qua việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Chúng ta đã ký với thị trường Hàn Quốc, trong mấy ngày nữa sẽ ký hiệp định với Liên minh Thuế quan. Trong thời gian rất gần, có thể ký với EU và rất hy vọng trong thời gian gần nhất chúng ta ký được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Điều đó mang lại lợi ích hết sức lớn cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có hàng nông sản. Ví dụ chúng ta ký được với Hàn Quốc vừa qua thì rất nhiều mặt hàng thuế suất đưa vài thị trường này bằng 0%. Rất nhiều thị trường khác, ví dụ Liên minh Thuế quan rồi EU, sắp tới cũng tương tự như vậy.

Thứ hai, chúng ta đẩy mạnh rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Chính phủ đã hết sức quan tâm, bước đầu tăng kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Trong nước, chúng ta cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa và kể cả thị trường miền núi, biên giới, hải đảo.

Một điểm nữa góp phần tăng cường xuất khẩu hàng nông sản là chúng ta phải đẩy mạnh chất lượng hàng hóa xuất khẩu của chúng ta. Vừa qua, một mặt chúng ta đã làm tốt việc đó thông qua rất nhiều chương trình, với sự hợp tác quốc tế hoặc trong nước, làm nghiêm ngặt hơn về chất lượng các sản phẩm chúng ta xuất khẩu.

Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều hạn chế, nhiều sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài nhưng một số sản phẩm có chất lượng không tốt làm ảnh hưởng đến nhiều DN khác có những sản phẩm, mặt hàng tương tự nhưng không ký hợp đồng được nữa. Việc này không những Bộ Công Thương mà các đơn vị, địa phương, bộ, ngành đều có trách nhiệm nâng cao sản lượng của những sản phẩm xuất khẩu của chúng ta.

Về mặt hàng vải thiều, đây là một trong những mặt hàng nông sản mà vừa qua phương tiện thông tin đại chúng cũng như các doanh nghiệp, người dân hết sức quan tâm, thậm chí là bức xúc.

Một trong những tình trạng kéo dài nhiều năm qua là “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa”. Tại sao như vậy thì đó là thực tế thị trường, hết sức tự nhiên. Ví dụ khi được mùa thì rõ ràng sản lượng tăng lên, cung và cầu có sự thay đổi thì đương nhiên có việc giảm giá.

Ở đây, quan trọng là phải xác định người nông dân, những người trồng trọt không có bất cứ lỗi nào cả vì người ta luôn có quyền trồng gì trên mảnh đất của họ. Thứ hai, người ta cũng mong muốn luôn mang lại lợi ích cao nhất từ việc trồng trọt, từ việc phát triển trên mảnh ruộng của mình.

Các cơ quan Nhà nước đã làm rất nhiều. Ngay từ đầu, Bộ NN&PTNT cần có quy hoạch tổng thể. Muốn có quy hoạch thì chúng ta phải có những cánh đồng mẫu lớn, phải tập trung được đất để có thể đưa công nghệ vào sản xuất với năng suất cao để tạo ra giá thành mang tính chất cạnh tranh. K

hi đó mới có thể xuất khẩu cạnh tranh với những nước xung quanh chứ chưa nói đến những thị trường xa xôi như châu Mỹ, châu Mỹ La tinh với những sản phẩm chất lượng rất tốt nhưng giá cả hết sức cạnh tranh.

Mặt hàng vải thiều năm ngoái là một điển hình khi vừa được mùa, vừa được giá nhờ rất nhiều biện pháp chúng ta đã làm. Một mặt chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, không tập trung vào thị trường Trung Quốc. Nếu như mọi năm trước năm 2014, thường chúng ta xuất khẩu khoảng 60-70% sang thị trường Trung Quốc nhưng năm 2014 chúng ta chỉ xuất khoảng 40-45% còn chúng ta tập trung vào những thị trường khác.

Đặc biệt là việc mở rộng ngay tại thị trường Việt Nam và đưa vào nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, nơi người dân chưa có điều kiện thưởng thức vải thiều, với giá hết sức hợp lý.

Ngay từ năm 2015, Bộ Công Thương đã có chương trình, làm được những việc trực tiếp và đã bàn bạc với các tỉnh có liên quan đến mặt hàng vải thiều như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương.

Một mặt, tổ chức hội nghị kết nối; hiện nay chúng tôi đã làm và khoảng 1 tuần nữa, sẽ tiếp tục kết nối giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cho tất cả các đơn vị và các DN lớn có nhu cầu. Vụ vải thiều thời gian rất ngắn nên cần phải rất nhanh chóng đưa vào các tỉnh, thành phố phía Nam.

Còn ở nước ngoài, Bộ Công thương đã có hẳn chương trình do tổ chức xúc tiến nhập khẩu của Chính phủ Hà Lan tài trợ nhằm đưa vải thiều vào các  nước EU, đặc biệt là Hà Lan, Đức…

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn