Thu phí nội thành cao và hạn chế nhập cư: Chưa "thuận"!

Thời sựThứ Sáu, 05/11/2010 07:04:00 +07:00

(VTC News)- Quy định thu phí lưu thông một số phương tiện trong nội thành cao hơn và hạn chế nhập cư vào Hà Nội... trong dự Luật Thủ đô được đề nghị làm rõ hơn.

(VTC News) – Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn những quy định về thu phí lưu thông, xử phạt vi phạm hành chính trong nội thành cao hơn và hạn chế nhập cư... được nêu trong dự Luật Thủ đô.

Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô.

Tăng phí nội đô để... giải quyết bức xúc đô thị!

Theo Chính phủ, nội dung chủ yếu của dự Luật đặt ra những yêu cầu cao và nghiêm ngặt hơn so với mặt bằng chung của cả nướcđể giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong quản lý đô thị, môi trường, giao thông ở Thủ đô - đây là những quy định cần thiết nhằm giảm tình trạng quá tải hiện nay ở nội thành về giao thông, môi trường, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo quỹ đất ở nội thành để sử dụng cho các dịch vụ văn hóa, không gian mở.

“So với pháp luật hiện hành áp dụng chung cho cả nước thì đây là yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn đối với Thủ đô” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện cơ quan soạn thảo dự Luật nhận định.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định không cho phép xây dựng mới các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, một số trường, bệnh viện, không mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có ở nội thành; TP Hà Nội tạo quỹ đất để xây dựng các cơ sở, công trình khi di chuyển ra khỏi nội thành và xây dựng nhà ở xã hội;

Dự Luật quy định một số chỉ số môi trường ở Thủ đô cao hơn tiêu chuẩn chung cho phép; giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở Thủ đô; dành diện tích đất xây dựng nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội cao hơn so với quy định chung của pháp luật về nhà ở;

Dụ Luật Thủ đô quy định: Lưu thông trong nội thành Hà Nội sẽ phải nộp phí nhằm hạn chế tình trạng quá tải về giao thông (Ảnh: Kiều Minh) 

Cùng với đó, dự Luật cũng quy định thu phí lưu thông một số phương tiện giao thông ở nội thành nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm tình trạng quá tải về giao thông, ô nhiễm môi trường không khí; áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận  tải và cư trú; thu phí trong nội thành cao hơn mức thu áp dụng chung cho cả nước trong các lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải.

Về quản lý dân cư, Bộ trưởng Cường cũng nêu, theo Pháp lệnh Thủ đô thì HĐND, UBND TP Hà Nội có trách nhiệm ban hành các quy định về quản lý di dân; quy định các biện pháp kiểm soát và hạn chế nhập cư tự phát vào Thủ đô. Quy định này đã bị Luật Cư trú huỷ bỏ vì Luật Cư trú có hiệu lực pháp lý cao hơn Pháp lệnh.

Do vậy, dự thảo Luật Thủ đô vẫn kế thừa những quy định còn phù hợp của Pháp lệnh, nhưng đã giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư hợp lý theo quy hoạch chung Thủ đô; các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành.

“Quy định này vừa giúp giảm sức ép do gia tăng về tốc độ nhập cư vào khu vực nội thành, vừa bảo đảm cho người dân có điều kiện sinh sống hợp pháp tại Thủ đô” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, quy định về thu phí giao thông, quy định mức thu 2 loại phí cao hơn và áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành và quy định quản lý dân cư như trong dự Luật – cũng là những vấn đề đang còn nhiều ý kiến khác nhau mà Chính phủ muốn xin ý kiến của Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật: “Chưa thuyết phục!”

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết, dự thảo Luật quy định Thủ đô có thể áp dụng những quy định trên, tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới về vấn đề giao thông đô thị để có giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, có quốc gia do yêu cầu giảm lưu lượng xe vào nội đô nhưng chỉ quy định mức phí đỗ ô tô cao hơn hoặc bố trí rất ít điểm đỗ xe ở khu vực trung tâm, bố trí các điểm đỗ xe ở rất xa trung tâm TP...

Cùng với đó, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn mức quy định chung của cả nước nhằm mục đích chấn chỉnh công tác quản lý đô thị,  răn đe để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô như trong Tờ trình của Chính phủ là chưa thuyết phục.

Ở chỗ, phải chăng ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô kém hơn các nơi khác nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn? Tại sao lại chỉ tăng mức phạt trong 6 lĩnh vực mà không phải tất cả các lĩnh vực? Nếu đặt vấn đề răn đe đối với các hành vi vi phạm hành chính thì tại sao lại không đặt vấn đề áp dụng hình phạt nặng hơn đối với các hành vi phạm tội hình sự, bởi vì các hành vi này xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì cao hơn rất nhiều so với các hành vi vi phạm hành chính...

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn cần được xem xét toàn diện các điều kiện về kinh tế - xã hội, trình độ dân trí và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời, cũng cần xem xét đến đặc thù ở Hà Nội là số lượng người ngoại tỉnh tham gia giao thông rất lớn. Vì thế, cần được cân nhắc, xem xét kỹ, nhất là về hậu quả của biện pháp này;

Theo đó, việc đặt ra mục đích áp dụng mức phí cao hơn so với mức phí chung của cả nước là để có kinh phí dành cho đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông như Tờ trình của Chính phủ là... không thuyết phục. Bởi lẽ, nhu cầu cải tạo, nâng các cấp công trình giao thông là nhu cầu chung của các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, không chỉ riêng đối với Hà Nội.

Có ý kiến đề nghị nếu cần thì phải quy định rõ là loại phí nào được áp dụng mức cao chứ không thể chỉ quy định chung chung như dự thảo Luật..

Về quy định quản lý dân cư nêu trong dự Luật, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, một thời gian dài trước đây chúng ta đã áp dụng các biện pháp hành chính khắt khe nhằm hạn chế di dân tự do vào các TP lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không có hiệu quả mà còn phát sinh các hệ lụy khác như vấn đề giáo dục, an sinh xã hội, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm...

“Đây là vấn đề khi xây dựng Luật cư trú, Quốc hội đã bàn bạc kỹ và cũng đã có sự cân nhắc về những áp lực đặt ra đối với việc quản lý dân cư của những TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ủy ban Pháp luật cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là cần quản lý dân cư theo quy hoạch của Thủ đô, tức là dùng các giải pháp về kinh tế - xã hội, như chuyển các trường đại học, dạy nghề, bệnh viện trung ương, cơ sở sản xuất... ra khỏi vùng nội thành; xây dựng các đô thị vệ tinh...; xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng thuận tiện kết nối vùng nội thành với vùng ngoại thành, với các đô thị vệ tinh chứ không nên dùng biện pháp hành chính để điều chỉnh và quản lý dân cư” – ông Thuận nói.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di chuyển từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn là vấn đề quốc tế. Người dân di cư đến với những nhu cầu, mục đích khác nhau như lao động, việc làm, y tế, giáo dục... Đây không chỉ là nhu cầu của những người di cư vào Thủ đô mà còn chính là nhu cầu cần được đáp ứng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô - những nhu cầu tất yếu mà không biện pháp quản lý hành chính nào có thể ngăn cản được.

“Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc sử dụng biện pháp hành chính để hạn chế là không thành công. Vì vậy, đề nghị cân nhắc kỹ về quy định này” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tái nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội thảo luận tổ vào chiều 6/11 và thảo luận tại hội trường vào sáng 16/11.

Trần Vũ

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin
theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

 

 

Bình luận
vtcnews.vn