Thu phí nội thành cao: “Hỏi dân đồng ý thì thông qua”

Thời sựThứ Ba, 16/11/2010 08:41:00 +07:00

(VTC News)-Nhiều ĐBQH cho rằng thu phí nội thành cao là tạo thêm gánh nặng cho người dân Thủ đô, ĐBQH khác lại nói, xử phạt cao sẽ bảo đảm tính răn đe,giáo dục.

(VTC News) – ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, việc thu thêm phí ở nội thành với mức phí cao hơn trong lĩnh vực môi trường và giao thông sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân Thủ đô. Theo ĐB này, nếu lấy ý kiến nhân dân của nội thành Thủ đô Hà Nội đồng ý, thì “chúng ta nên chấp nhận phương án này”.

Sáng nay (16/11),Quốc hội thảo luận về dự án Luật thủ đô, đây là dự án luật được Quốc hội và cử tri rất quan tâm. Hai nội dung được nhiều ĐB tập trung thảo luận xoay quanh việc tăng phí nội thành và việc hạn chế nhập cư bằng biện pháp hành chính.

Sao không cho Hà Nội những chế tài, những bàn tay sắt để lập lại trật tự kỷ cương mới?

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, quy định việc thu phí lưu thông đối với một số phương tiện giao thông nội thành cao hơn so với mức áp dụng chung cho cả nước với lý do như Tờ trình của Chính phủ là chưa thuyết phục.

ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Ảnh: TTXVN) 
Theo ĐB Khá: “Nếu địa phương khác cũng xin được áp dụng như thế có được hay không? Phải chăng do người Thủ đô có thu nhập cao hơn nơi khác, hoặc mặt bằng dân trí cao hơn hay ý thức chấp hành pháp luật của dân Thủ đô kém hơn nơi khác?...”

ĐB Khá đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại xem trong thời gian qua TP Hà Nội đã triển khai thực hiện các pháp luật hiện hành có triệt để chưa, có sử dụng hết và đúng quyền năng đã được pháp luật điều chỉnh hay chưa? Từ đó có cơ sở đề xuất phương án mới để điều chỉnh pháp luật cho phù hợp hơn.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng lo ngại việc thu thêm phí ở nội thành với mức cao hơn trong lĩnh vực môi trường và giao thông sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân Thủ đô, nhất là những người ở nội thành, chưa kể số người vì kế sinh nhai hoặc công tác, lao động học tập.

“Theo tôi nếu lấy ý kiến nhân dân của nội thành Thủ đô Hà Nội đồng ý, thì chúng ta nên chấp nhận phương án này. Bởi lẽ, chúng ta được biết thu nhập của người dân Thủ đô, nhất là người dân nội thành thì cao hơn rất nhiều lần của các địa phương khác, thì với nghĩa có thu nhập cao hơn thì với quy định lần này mỗi người dân chúng ta đóng góp nhiều hơn thì tôi nghĩ như vậy cũng tốt, nhưng trước hết phải được sự đồng thuận của người dân Thủ đô Hà Nội, bởi vì có một quy luật người nghèo hơn thì đóng góp ít hơn. Tôi nghĩ hình như Ban soạn thảo thể hiện tư tưởng Hà Nội vì cả nước, đó là điều tôi thấy cũng nên nhắc đến” – ĐB Minh nhấn mạnh.

Chung quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (TP Hà Nội) nhấn mạnh, chúng ta vì Hà Nội, Hà Nội của chúng ta chứ có phải Hà Nội của riêng Hà Nội. “Tôi muốn Luật này hướng về đi tìm những gì quyền năng của một chính quyền đô thị nhưng là đô thị thay mặt cả nước. Một khi nó liên quan đến một số luật khác thì chúng ta có thể điều chỉnh các luật cho phù hợp với tính chất của Hà Nội” – ĐB Đào đề xuất.

ĐB này ví dụ, xử phạt hành chính có thể xử phạt một nhưng mà Hà Nội xử phạt 5 – “chúng ta hãy tạo ra cho chính quyền Hà Nội, tạo ra cho họ một quyền năng nhất định thay mặt cho chúng ta, cho 63 tỉnh, TP xây dựng một Thủ đô thật sự của mọi người. Để rồi một bà cụ 85 tuổi muốn ra thăm Hà Nội nhưng mà ra đó sợ bị xe đâm vào, người nước ngoài nói đến Hà Nội là đến một địa ngục thảm họa giao thông, bao nhiêu nhà khoa học lớn chết, họ sợ! Tại sao không cho Hà Nội những chế tài, những bàn tay sắt để lập lại một trật tự kỷ cương mới đúng Thủ đô, tôi nghĩ hướng như vậy chuẩn xác hơn”.

ĐB Đào cũng đề nghị Bộ Tư pháp “hãy ngồi với các chuyên gia về văn hóa, về môi trường, về kinh tế, về quy hoạch không chỉ ở trong nước mà ở nước ngoài để bàn “cái gì đấy” cho thật cụ thể chứ không chung chung như theo Luật này. Cũng với đó, “hãy lắng nghe ý kiến của nhân dân cả nước chứ không nên giữ ý kiến của nhân dân Hà Nội thì chúng ta sẽ tìm được những quy phạm mà tôi cho là một hành lang phí vừa phải, hợp lý”.

Việc áp dụng cơ chế, chế tài xử phạt hành chính đối với cùng một hành vi vi phạm pháp luật trong nội thành cao hơn so với ngoại thành và cao hơn so với các địa phương khác cũng được ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đồng tình. Lý do ĐB Hà đưa ra là, chế tài phải trên cơ sở tính đến hậu quả có thể xảy ra khi vi phạm mang lại, đó là tham gia giao thông ở trong nội thành Thủ đô người đông hơn, phương tiện đa dạng hơn có thể gây ra.

“Ví dụ như ùn tắc giao thông, để đảm bảo cho phương tiện giao thông thuận lợi, chưa tính đến gây thiệt hại về người và cơ sở vật chất. Việc áp dụng xử phạt cao sẽ bảo đảm tính răn đe và tính giáo dục cao, đặc biệt đối với người cố tình vi phạm” – ĐB Hà nêu.

Lý do tiếp theo ĐB Hà nhấn mạnh là thực tế Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực giao thông đã được ban hành của Chính phủ đã cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được phép áp dụng xử phạt cao đã có tác dụng nhất định góp phần chống ùn tắc giao thông.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: TTXVN) 
Về quy định trên, sau khi nghe các ý kiến tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Ban soạn thảo) nêu rõ, trong thực tiễn điều hành của Chính phủ, vừa qua Chính phủ phải ban hành Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - là cơ sở pháp lý để áp dụng cao hơn đối với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

“Như vậy là không có bức xúc của thực tiễn yêu cầu Chính phủ phải có quy định mức phạt cao hơn. Tôi chắc rằng ĐB Quốc hội cũng đồng tình với răn đe, xử phạt cao hơn ở nội thành vừa qua cũng đã bớt đi một phần nào đó, nhất là trong việc đội mũ bảo hiểm, các vị đại biểu cũng thấy là có tiến bộ rất lớn” – Bộ trưởng Cường nói.

Hạn chế nhập cư: Biện pháp trước mắt vẫn phải có hành chính!

Nói về quy định hạn chế nhập cư nêu trong dự Luật Thủ đô, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vì Luật cư trú đã quy định cụ thể điều kiện thường trú, tạm trú của công dân.

ĐB Khá phân tích: “Dân gian có nói "Thóc đến đâu, bồ câu đến đó" Bác Hồ cũng đã nói "mọi người đều có quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Ở đâu có việc làm, có cơm ăn, có áo mặc, con cái được học hành, an ninh trật tự được bảo đảm thì họ tìm đến".

Theo đó, thay vì dùng các biện pháp hành chính thì Thủ đô nên dùng biện pháp kinh tế - xã hội khác như thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh các vùng ngoại thành để thu hút người dân giãn ra như xây dựng các trường dạy nghề, các trường đại học, các bệnh viện đặc trị các bệnh mãn tính, các khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ đầu mối, khu dân cư phải kèm theo ký túc xá, nhà trọ, chợ, trường học, các phương tiện giao thông an toàn và tiện ích – tức là phải đồng bộ.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tiếp lời: “Người ta chỉ đến Hà Nội để tìm kế sinh nhai, theo quy luật như chị Khá nói "lúa thóc đi đâu nhà kho tới đó". Nếu chúng ta kiên quyết không cho xây dựng những tòa nhà cao tầng làm chung cư, văn phòng cho thuê, không mở rộng mà kiên quyết di dời những cơ sở sản xuất, các bệnh viện lớn và các trường đại học ra ngoại thành thì chúng ta sẽ giải quyết được bài toán này tốt hơn”.

ĐB Minh dẫn chứng, gần 70.000 sinh viên chúng ta di dời tất cả ra ngoại thành thì cũng kéo theo lượng người ít nhất cũng 3 lần để đi theo các trường này cũng vài triệu người, chúng ta giải quyết được bài toán dân cư, ùn tắc giao thông và nhiều việc.

Ở khía cạnh khác, ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) nêu, trước khi có Luật cư trú thì đã có một thời gian dài chúng ta dùng biện pháp hành chính, nhằm hạn chế di dân tự do vào các TP lớn trong đó có Thủ đô Hà Nội, nhưng trên thực tế các biện pháp này không đem lại hiệu quả. Vì vậy, theo ĐB Vinh, không nên dùng biện pháp hành chính để điều chỉnh quản lý dân cư.

Tuy nhiên, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) lại tán bày tỏ sự nhất trí với dự thảo Luật và cho rằng chế độ về quản lý dân cư trong dự thảo luật vẫn bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. ĐB Hà đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ căn cứ yêu cầu của quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư nội thành của Thủ đô Hà Nội để ban hành quy định điều kiện cư trú ở nội thành như trong dự thảo Luật đã đề cập.

ĐB Hà cũng đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để phát triển hạ tầng của Hà Nội, không cho phép xây mới, mở rộng hoặc tăng quy mô các bệnh viện, trường chuyên nghiệp và đại học trong nội thành Hà Nội. Đẩy mạnh các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Hà Nội như Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam...

ĐBQH Trần Du Lịch (Ảnh: TTXVN) 
Cũng góp ý cho dự Luật Thủ đô, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đưa ra giải pháp, để có một thủ đô tương xứng chúng ta đặt trong tổng thể chắc chắn phải sửa các quy định của Hiến pháp. Nếu đặt ra phải có Luật về đô thị và cái chung của đô thị, quản lý theo đô thị, quy mô đô thị, 1 triệu dân như thế nào, siêu đô thị thế nào, đại đô thị thế nào... trong khuôn khổ đó quy định những đặc thù, nếu cần thiết có một luật về thủ đô trên nền tảng Luật đô thị tạo đặc thù thì phù hợp.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) cho rằng, để chúng ta biến Hà Nội thành một nơi như mong muốn của nhân dân cả nước và chúng ta xây dựng Luật đô thị, bởi vì có Luật đô thị thì sẽ khái quát chung từ đô thị đặc biệt đến các đô thị khác.

“Cho nên Hà Nội chuẩn bị cho một Thủ đô văn minh thanh lịch, đề nghị sửa Pháp lệnh Thủ đô thôi, chưa thông qua Luật trong dịp này” – ĐB Dũng đề nghị.

Làm rõ hơn về nội dung quy định về kiểm soát chặt hơn nhập khẩu vào nội thành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng nêu rõ, trong mấy năm thi hành Luật cư trú, một năm có 176.000 người nhập cư vào nội thành, vào các quận cũ, huyện cũ của Hà Nội. Vì vậy dự Luật Thủ đô quy định vấn đề hạn chế và kiểm soát chặt hơn việc nhập cư vào nội thành, nội thành chứ không phải tất cả các huyện của Hà Nội.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh, vừa qua ngày 24/05 Chính phủ phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 để hướng dẫn thi hành Luật cư trú, cũng đã thắt lại một phần đối với các TP trực thuộc trung ương và riêng đối với Hà Nội, TP Hồ Chính Minh, nhưng cái thắt lại đó vẫn phải trên cơ sở Luật cư trú. Theo đó, trong dự án luật này Chính phủ muốn xin một cơ chế nữa để kiểm soát chặt hơn.

“Rất đồng tình với đại biểu là phải có biện pháp xã hội, biện pháp kinh tế... trong dự án luật này đã có quy định như vậy. Nhưng biện pháp trước mắt vẫn phải có hành chính” – Bộ trưởng Cường khẳng định.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn