Thu nhập từ bản quyền truyền hình: 'Choáng' với Ngoại hạng Anh, buồn cho La Liga

Thể thaoThứ Năm, 08/06/2017 07:15:00 +07:00

Các đội bóng Tây Ban Nha thống trị châu Âu trong nhiều năm qua, song La Liga ở thời điểm này lại thua thiệt hơn so với Ngoại hạng Anh trên khía cạnh hấp dẫn và tiền bạc.

Bản quyền truyền hình là vấn đề đáng quan tâm với mọi nền bóng đá. "Bầu sữa" từ các nhà đài, đơn vị tài trợ là nguồn thu chủ yếu nuôi sống mọi đội bóng, bên cạnh tiền bán vé, vật phẩm lưu niệm, cổ phiếu hay tiền thưởng từ các giải đấu tham gia,...

Bản quyền truyền hình tạo nền tảng thu nhập. Xét trên khía cạnh này, Ngoại hạng Anh đang ở đẳng cấp cao hơn so với La Liga, dù trong nhiều năm trở lại đây, các đội bóng Anh lép vế hoàn toàn trước sự bành trướng của Tây Ban Nha ở cả Champions League lẫn Europa League.

d1

 Real Madrid vừa chinh phục danh hiệu Champions League.

Tương quan giải đấu và bản quyền truyền hình có mối liên hệ chặt chẽ ra sao, 5 cây bút nổi tiếng của The Guardian (Paolo Bandini, Sid Lowe, Paul Wilson, Andy Brassell và Julien Laurens) đã phân tích trong một bài viết rất dài.

VTC News tham khảo và ghi lại những chi tiết đáng chú ý để mang tới cho độc giả cái nhìn tổng quan về "góc khuất" từ 2 giải đấu hùng mạnh bậc nhất châu Âu hiện tại.

La Liga - mạnh nhưng không giàu

Ai đó nghi ngờ về sự thống trị của La Liga, hãy nhìn vào bảng thành tích của những đội bóng Tây Ban Nha tại cúp châu Âu trong 4 mùa giải gần nhất. Real Madrid vô địch Champions League 3 lần (danh hiệu còn lại thuộc về Barcelona), Sevilla 3 lần liên tiếp đoạt Europa League. Siêu cúp châu Âu - dĩ nhiên thuộc về người Tây Ban Nha. Đó là chưa kể kỷ nguyên thống trị của Barcelona cùng Pep Guardiola với cú ăn 6 đã đi vào sử sách.

La Liga rất mạnh, không chỉ vì có Real Madrid hay Barcelona. Nên nhớ, Atletico Madrid đã vào đến 2 trận chung kết Champions League. Sevilla làm mưa làm gió tại Europa League, Villarreal, Valencia, Athletic Bilbao để lại những dấu ấn nhất định. Thậm chí, Celta Vigo - đội bóng đứng thứ 13 tại La Liga, suýt khiến Manchester United "muối mặt" ngay trên sân nhà.

d2

 Celta Vigo (áo đen) khiến Man Utd chật vật tại Old Trafford.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa hiện tượng nhất thời và quyền lực bền vững. Kể từ khi nắm quyền tại sân Vicente Calderon, huấn luyện viên (HLV) Diego Simeone đã đưa Atletico đến với chức vô địch Europa League, La Liga, Copa del Rey và chỉ thiếu một chút may mắn để xưng vương tại Champions League.

Để rồi, nửa đỏ - trắng thành Madrid đã đi đến cuối chu kỳ thành công. Atletico Madrid bị đánh bật khỏi cuộc đua vô địch, thua tan nát trước Real ở bán kết Champions League và trắng tay khi mùa giải kết thúc.

Sevilla kết thúc giai đoạn thăng hoa bằng trận thua trước... Leicester City ở đấu trường danh giá nhất châu Âu. Ở Tây Ban Nha, quyền lực tối thượng chỉ thuộc về Real và Barca. 18 đội bóng còn lại chỉ dừng ở mức thách thức.

Cũng như Juventus (6 lần liên tiếp vô địch Serie A) hay Bayern Munich (5 lần liên tiếp vô địch Bundesliga), La Liga chỉ là câu chuyện của riêng 1 hay 2 đội bóng. Những hiện tượng mau chóng bị vùi dập, các đội bóng yếu có không quá 5% hy vọng tạo nên bất ngờ. Bên cạnh truyền thống, còn là nguyên nhân mà ai cũng biết: Tiền.

Ở Tây Ban Nha, gói bản quyền truyền hình được ăn chia theo cách thuận lợi nhất cho Real cùng Barca. 2 gã khổng lồ của La Liga đang hướng tới doanh thu trị giá 140 triệu euro, trong khi những đội bóng thuộc nhóm cuối chỉ hy vọng nhận được 42 triệu euro - con số chưa bằng 1/3. Đó còn là sự khích lệ lớn, so với khoảng tiền 15 triệu euro mà những đội này phải nhận ở mùa giải trước.

d3 3

 Các đội bóng khác tại La Liga không được hưởng lợi quá nhiều từ bản quyền truyền hình.

Chênh lệch khủng khiếp về mức bản quyền truyền hình có tương tác hai chiều với sức mạnh của Real và Barca so với phần còn lại. Những đội bóng nhóm cuối ở La Liga không yếu. Sporting Gijon khiến Real mướt mồ hôi, Deportivo quật ngã Barca đang thăng hoa sau chiến thắng lịch sử, hay những Leganes, Las Palmas đều gây ra ít nhiều bất ngờ.

Dẫu vậy, tính cạnh tranh ở La Liga không cao khi các đội bóng có quá ít tiền thưởng, cũng như động lực chiến đấu khi mùa giải gần hạ màn.

Thế mới có chuyện, luôn có văn hóa "vali tiền" (các đội bóng lớn dùng tiền hay quà cáp để khích lệ các đội nhỏ đánh bại đối thủ cạnh tranh với mình). Theo The Guardian, cần phải có sự phân chia lại bản quyền truyền hình để "ánh sáng" của những đồng euro rọi nhiều hơn tới các đội bóng khác. Họ xứng đáng được hưởng sự công bằng.

Ngoại hạng Anh - giàu, và sẽ mạnh

Tiền chảy nhỏ giọt vào Tây Ban Nha, song lại chảy như thác vào "đảo quốc sương mù". Ngoại hạng Anh đã nhận gói bản quyền với mức giá 5.136 tỉ bảng trong 3 năm - con số không giải đấu nào ở châu Âu sánh kịp. Các đội bóng Anh rất giàu, và quan trọng hơn, tiền bản quyền được chia chác rất hợp lý cho các đội bóng từ vô địch đến... xuống hạng.

d4 4

 Các đội bóng Anh kiếm bộn tiền từ bản quyền truyền hình.

Sunderland - đội bóng đứng thứ 20 mùa này nhận được trên dưới 100 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình, con số đủ giúp "Mèo đen" chi trả quỹ lương và bổ sung lực lượng nhằm trở lại Ngoại hạng Anh. Giải đấu cao nhất nước Anh quá giỏi trong việc thu hút đầu tư, chiều lòng người hâm mộ. Và nhờ có gói bản quyền truyền hình kếch xù, các đội bóng cũng xóa được nỗi "cơm áo gạo tiền" để tập trung thi đấu.

Crystal Palace quật ngã Chelsea, Watford đè bẹp Manchester United hay Everton cho Manchester City "nếm mùi" đau khổ chỉ là những dư chấn rất bình thường. Ở Anh, các đội bóng liên tục hoàn thiện để rút ngắn khoảng cách, và bất ngờ xảy ra như cơm bữa. Nếu cuộc đua vô địch ở Italia, Đức, Tây Ban Nha chỉ có 1 đến 2 ứng viên, cuộc đua ở Anh có đến 6 ứng viên. Không đội bóng nào bảo vệ thành công chức vô địch trong 6 mùa giải gần nhất.

Video: Chelsea 1-2 Crystal Palace

 

Dù danh hiệu cao quý khó thoát khỏi thay "Big Six" (Chelsea, Man Utd, Man City, Tottenham, Arsenal, Liverpool), Ngoại hạng Anh vẫn có sức hấp dẫn hơn cả nhờ tính giải trí và sự cạnh tranh gần như không có giới hạn. Nhờ có nguồn tiền cực lớn, các đội bóng Anh có thể "phá giá" chuyển nhượng (với hợp đồng dành cho Paul Pogba, Bernardo Silva, Leroy Sane) mà không sợ ảnh hưởng từ luật công bằng tài chính, trang bị lực lượng để đòi lại vị thế thống trị ở Champions League mùa tới.

Và cũng tuyệt nhiên, các đội bóng Anh không có văn hóa "vali tiền". Bản quyền truyền hình tại Anh khó tăng lên trong vài năm tới (con số hiện tại đã quá khủng), nhưng như vậy là đủ để họ rủng rỉnh túi tiền.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn