'Thử làm dân thường vài giờ sẽ thấy tính mạng dễ bị xâm phạm thế nào'

Thời sựThứ Ba, 29/03/2016 12:18:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ hiện nay tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân dễ bị xâm phạm

(VTC News) - Đại biểu Quốc hội thẳng thắn bày tỏ hiện nay tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân dễ bị xâm phạm và dễ bị xúc phạm và thậm chí kém an toàn hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ sự lo lắng về tình hình thi hành pháp luật hiện nay. Tuy Quốc hội là cơ quan làm luật, Chính phủ là cơ quan thi hành luật, nhưng Quốc hội cũng phải có trách nhiệm trong việc thi hành pháp luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Ông Nghĩa cho rằng tình hình phạm pháp hiện nay cần phải được báo động. Pháp luật bị vi phạm ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương, mọi cấp độ. Những người đã học luật và đã công tác pháp luật đều biết một quy luật là pháp luật càng chặt chẽ, hoạt động phòng, chống tội phạm càng hiệu quả thì tội phạm càng tinh vi.

Do đó, pháp luật càng phải hoàn thiện hơn và việc phòng, chống tội phạm càng tiến bộ hơn. Đây là một cuộc rượt đuổi mang tính chất quy luật, pháp luật phải nhanh hơn, phải cao hơn, phải mạnh hơn tội phạm thì mới bảo vệ được con người, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ nhà nước.

“Ở nước ta, tôi thấy tội phạm không cần tinh vi, rất trắng trợn, rất công khai kéo dài”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

 

Nếu như chúng ta làm dân thường một vài ngày, một vài giờ chúng ta sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân dễ bị xâm phạm và dễ bị xúc phạm như thế nào
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
 
Ông Nghĩa ví dụ vấn đề khai thác cát, phá rừng không phải là chuyện qua đêm, xây những tòa nhà này, tòa nhà kia, xây những khu biệt thự mấy chục căn, tầng suất rất thường xuyên và quy mô ngày càng lớn.

Đây là tình hình đi ngược lại với nhiều quốc gia và khiến tất cả mọi người phải suy nghĩ nguyên nhân nó nằm ở chỗ nào.

“Chúng tôi cho rằng công tác phòng, chống tội phạm vừa rồi của chúng ta phải xem lại. Người ta vi phạm pháp luật, người ta không còn sợ”, vị đại biểu TP.HCM nhận định.

Bây giờ, chúng ta cứ nhìn lòng, lề đường ở mọi thành phố, trong đó 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, người đi bộ phải bước xuống lòng đường để đi, đi trên lề đường lơ mơ những người buôn bán mắng, thậm chí cho người đánh. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội phải suy nghĩ.

“Thực sự tôi phản ánh điều này rất thực và nếu như chúng ta làm dân thường một vài ngày, một vài giờ chúng ta sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm, tài sản của người dân dễ bị xâm phạm và dễ bị xúc phạm như thế nào. Hiện nay, đất nước ta kém an toàn hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây”, ông Nghĩa nói.

Vì vậy, nhiệm vụ của Quốc hội không chỉ làm luật mà còn giám sát thi hành pháp luật. Do đó, ông Nghĩa đề nghị Quốc hội khóa XIV phải tăng gấp đôi hoạt động giám sát thi hành pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự hạnh phúc và sự an toàn của người dân.


Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa)


Nguồn
: VTV


Ngoài ra, chức năng làm luật là chức năng cơ bản của Quốc hội. Thông thường không hoàn thành nhiệm vụ đã quy định trong nghị quyết đó là khuyết điểm, nhưng có trường hợp xin hoãn nhiều lần, đến cuối nhiệm kỳ vẫn không hoàn thành, phải chuyển sang nhiệm kỳ sau, như vậy được coi là không hoàn thành nhiệm vụ.

“Ví dụ như Luật lập hội và Luật biểu tình. Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị từ năm 2005 yêu cầu phải làm 2 luật này, Quốc hội khóa XIII đầu nhiệm kỳ đưa vào, nhưng bị hoãn nhiều lần. Cuối cùng, nghị quyết chỉ yêu cầu trình ra kỳ họp 11 để cho ý kiến, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thẩm tra rồi nhưng vẫn không đưa ra được”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Vị đại biểu TP.HCM cũng đề nghị sắp tới có những việc ta không đưa vào nghị quyết, nếu đã đưa vào phải tuân thủ hiệu lực, không hoàn thành phải có chế tài.

Có trường hợp nhân dân có cảm giác cơ quan hành pháp hình như có quyền lực cao hơn cơ quan lập pháp. Nếu như vậy cử tri sẽ nghĩ gì sắp tới đây họ đi bầu cử Quốc hội, là cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân.

Có những trường hợp do không giám sát kỹ nên trong một số luật đã có kẽ hở, những vùng xám rất tiện lợi cho sự tùy tiện, nhũng nhiễu của các cán bộ công chức quản lý hành chính, gây cho nhân dân, cho doanh nghiệp nhiều bất bình và bức xúc.

Có những trường hợp, sau khi Quốc hội thảo luận ở Hội trường đã nhất trí, lẽ ra chỉ cần chỉnh sửa về ngữ pháp, chính tả, nhưng khi đưa ra bấm nút thì lại thấy có những thay đổi về ý tứ và nội dung.

Điều này, đại biểu Nghĩa cho rằng không thể chấp nhận được.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, các Ủy ban và các đại biểu phải đầu tư nhiều công sức hơn trong quá trình làm luật, không để sự len lỏi của những lợi ích nhóm, hoặc những lợi ích ngành.

Cuối cùng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh, qua tiếp xúc cử tri phản ứng của Quốc hội đối với tình hình Biển Đông vừa rồi, người dân cho rằng chưa đúng tính chất và mức độ quyết liệt như tình hình đòi hỏi.

“Do đó, chúng tôi đề nghị Quốc hội khóa XIV lưu ý tình hình này”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kết thúc chia sẻ.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn