Thư giãn cuối tuần dung tục: NSƯT Trần Hạnh trải lòng

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 14/07/2012 05:00:00 +07:00

(VTC News) - Quanh những ý kiến cho rằng tiểu phẩm hài của Thư giãn cuối tuần số 92 quá dung tục, NSƯT Trần Hạnh: "Tôi nghĩ nó cũng không quá nghiêm trọng".

(VTC News)  - Quanh những ý kiến cho rằng tiểu phẩm hài của Thư giãn cuối tuần số 92 quá dung tục, NSƯT Trần Hạnh cho biết: "Chỉ là chuyện đùa tếu thôi, không có gì nghiêm trọng cả vì quan trọng là thông điệp truyền tải đến người xem".

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận ngôn ngữ trong tiểu phẩm này nói riêng và trong hài nói chung hiện nay nhiều chỗ quá đà.

Phóng viên VTC News có cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Hạnh nhân sự kiện dư luận nóng xung quanh tiểu phẩm hài trên Thư giãn cuối tuần có sự góp mặt của ông.

NSƯT Trần Hạnh 

Nếu biết là hài tôi đã không nhận vai...

- Mấy ngày gần đây dư luận tỏ ra khá bức xúc khi tiểu phẩm ở mục “Copy và Bơm vá” của chương trình số 92 Thư giãn cuối tuần có tình huống con đánh bố rất phản cảm, mà NSƯT Trần Hạnh lại vào vai người bố đó, tại sao nghệ sĩ lại đồng ý nhận vai diễn này?

- Trước hết về tiểu phẩm này tôi hoàn toàn không biết về kịch bản, chỉ khi anh em gọi lên tới trường quay tôi mới đọc, thì cũng có thắc mắc nhưng nghĩ nó cũng không quá nghiêm trọng vì quan trọng là thông điệp truyền tải đến người xem. Làm diễn viên thì phải chấp nhận pháp lệnh thôi, kịch bản là pháp lệnh mà (cười).

Nếu như biết đó là kịch bản hài thì không bao giờ tôi nhận cả, vì khuôn mặt tôi sinh ra không phải để đóng hài. Trước kia tôi làm ở đoàn kịch, sau này đi đóng phim, nhưng suốt mấy chục năm tôi chỉ có khoảng 3, 4 vai diễn hài thôi, mà chẳng vai nào tôi ưng ý.

Chỉ có vai ông nông dân nào, vai cán bộ khổ khổ về hưu... thì tôi tham gia ngay, tôi vui vẻ nhận. Còn ai mời diễn hài thì thôi, không bao giờ tôi nhận cả.

Chắc khán giả tỏ ra bức xúc tôi khi vào vai diễn có vẻ ngược đời đó, nhưng chuyện này là chuyện vui đùa tếu thôi chứ không có ý gì cả, chứ giờ chắc cũng không có chuyện bố nằm cho con đánh đâu. Câu chuyện là để truyền tải một thông điệp khác, truyền tải cái việc giờ trẻ con nó cứ nói bừa ra, ngôn ngữ nó không thuần nữa mà tạp nham nhiều thứ rồi, chứ tác giả kịch bản cũng không có ý gì cả.

- Vậy còn ngôn ngữ trong tiểu phẩm được cho là dung tục?

- Đúng là nhiều khi nó cũng hơi quá thật, khiến người xem bức xúc, khó chịu. Tối qua tôi có xem một tiểu phẩm hài trên tivi, cũng thấy dung tục quá.

Chưa bao giờ tôi đóng phim vì tiền


- Người ta nói nhiều về một NSƯT Trần Hạnh mang khuôn mặt hiền từ khắc khổ ngồi bán hàng ở ga Hàng Cỏ đã đi qua những năm tháng vất vả của cuộc đời, hình như những vai diễn trong phim đã vận vào đời ông?

- Có khi đời của tôi vận vào phim chứ không phải phim vận vào đời (cười), có khi đời tôi còn khổ hơn trong phim ấy chứ.

- Nhưng đúng là NSƯT Trần Hạnh vào những vai nông dân rất ngọt, không chê vào đâu được?


- Ai cũng nói tôi là người Hà Nội gốc mà lại vào những vai người nông dân rất ngọt, mà toàn những vai khổ hạnh chứ chẳng có vai nào được sướng. Tôi thấy mình vác cái cày hay cái cuốc nó cứ nhẹ như không. Thì hồi bé đi theo kháng chiến, ra nông thôn làm nhiều chứ, năm 1954 quay về Hà Nội, năm 1959 vào đoàn kịch, năm 1989 về hưu, về hưu rồi đi làm phim, thế thôi.

Người nghệ sĩ hài bán hàng ở ga Hà Nội 

- Có khi nào ông rớt nước mắt vì vai diễn nào trong phim giống mình ngoài đời quá không?


- Đó là vai ông già trong phim Cuốn sổ ghi đời. Vai diễn kể về ông già nhà chật quá không có chỗ lấy vợ cho con trai, ông đi nhặt vỏ bia, thuốc lá với hy vọng kiếm tiền mua nhà cho con trai, nhưng sau đó ông ấy chết mà vẫn chưa mua được nhà. Đó là vai tôi rất thích, nó có chút gì đó giống tôi ngoài đời.

Nói thế thôi chứ ông trời cho như thế này là nhiều lắm rồi, qua ba cuộc chiến tranh, đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Tàu mà vẫn khỏe mạnh, vẫn được đóng phim, thế là vui lắm rồi.

- Đã có khi nào NSƯT Trần Hạnh ân hận vì nhận lời đóng vai nào đó chưa?


- Đó là mấy vai diễn hài đó, tôi sợ lắm, vì mình đóng không được, lần này là vì tôi trót nhận lời nên mới tham gia.

- Ông có bao giờ mong muốn đạo diễn giao cho mình những vai phản diện, khác hẳn cái dáng vẻ hiền lành và hình ảnh người nông dân Trần Hạnh trên màn ảnh?

- Có chứ, đó là điều tôi mong ước suốt bao nhiêu năm nay. Tôi mong ước như thế mà không được vì cái mặt tôi sinh ra là để đóng những vai hiền lành, vai nông dân, vai khổ rồi... Chẳng có đạo diễn nào lại dũng cảm đi mời tôi  vào những vai phản diện, phản trắc cả. Trừ khi đó là Trương Nghệ Mưu thì may ra... (cười).

 

- Tuổi 84, đã là cái tuổi xưa nay hiếm mà vẫn mong làm mới mình trên màn ảnh, thế mới biết nghệ sĩ yêu cái nghề diễn đến như thế nào?


- Đúng là ở cái tuổi này rồi nhưng tôi vẫn khao khát được vào vai nào mới mẻ lắm. Tôi muốn có được một vai khác hẳn những vai trước đây, chứ không phải cứ thấy cái mặt tôi thò ra là người ta lại bảo đấy, lại ông Trần Hạnh chuyên đóng những vai khổ ơi là khổ. Ước mong có một vai ngược lại mà không có.

Tôi còn nhớ lần duy nhất được vào vai phản diện là ở bộ phim của đạo diễn Vương Đức, tôi vào một vai buôn bán người trên Lạng Sơn, ông này đánh xe lên cửa khẩu để buôn bán phụ nữ, nhưng vai đó cũng chưa tới như mình mong muốn.

Còn yêu nghề diễn thì biết nói thế nào nhỉ, nó ngấm vào máu tôi mất rồi. Tôi chưa bao giờ đi đóng phim vì tiền, tiền thì ai cũng cần thật đấy, không có tiền lấy gì mà sống, nhưng nó vừa phải, phiên phiến thôi. Tôi đi đóng phim vì thích, vì mê đóng phim, không bao giờ tôi hỏi đóng phim này được bao nhiêu tiền, vai kia trả cho tôi bao nhiêu, thấy nó cứ ngượng ngượng.

Ngày ngày tôi đi đóng phim bằng xe máy, đóng xong rồi về, nhà sản xuất trả cho bao nhiêu thì trả.

- Ở tuổi 84, sau một chặng đường dài theo nghề diễn, ông chiêm nghiệm điều gì? 

- Nghề diễn vất vả lắm, không hào nhoáng như mọi người thấy trên tivi đâu. Chỉ có người nào thực sự yêu nghề, thực sự đam mê và xác định nghiêm túc với nó thì mới theo được đến cùng.

Tôi nhớ có một lần xuống Thái Bình, trong cảnh quay giữa cánh đồng vào buổi trưa nắng, cái nắng gay gắt tháng 5, có khoảng 20 vai quần chúng, các ông các bà đội nón ra, nhưng đạo diễn bảo bỏ hết nón ra, không ai đội nón cả, thế là họ trả nón, trả tiền họ bảo thôi chúng tôi không đóng nữa. Họ bảo “chúng tôi đi làm ruộng còn được đội nón, chứ đóng phim lại không được đội nón, nắng chúng tôi không chịu được” thế là họ bỏ họ về hết (cười).

- Ông có kỉ niệm nào đáng nhớ sau những tháng năm theo nghề diễn?

- Vai diễn tôi nhớ nhất là trong phim Thần làng xổ số,đó là vai diễn đầu tiên, bao nhiêu tâm huyết, sôi nổi, nhiệt tình tôi trút cả vào đó nên đến bây giờ vẫn thấy nhớ nhung.

Tôi còn nhớ khi đi làm phim Mường Động, năm đó trời rét kinh khủng, mà vai diễn lại không cho phép mặc áo bông hay áo ấm, chỉ được mặc cái áo nâu thôi, ngồi bên bờ suối, cứ quay được 5, 10 phút lại phải lên ngồi sưởi ấm. Đó là những kỉ niệm khó quên trong tôi.

Còn nói thật là tôi chẳng hoàn toàn ưng ý với bất cứ vai diễn nào của mình cả, vai nào thấy cũng bình thường.

- Tham gia vào nhiều bộ phim thời gian gần đây, làm việc với lớp diễn viên trẻ, ông đánh giá như thế nào về lớp diễn viên trẻ bây giờ?


- Cả đạo diễn, cả diễn viên trẻ giờ có rất nhiều cái hay, họ được học hành tử tế, đàng hoàng nên thông minh và sáng tạo. Nhưng có điều nó hơi tạp, các đạo diễn, nhà sản xuất cứ thấy đẹp đẹp xinh xinh là mời về đóng vai nọ vai kia, hay đang đi làm ca sĩ, người mẫu cũng nhảy sang đóng phim, nên thành ra hơi thiếu chuyên nghiệp.

- Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện.


An Yên (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn