Thống đốc: Nhiều hệ quả dồn lại khiến nợ xấu tăng

Kinh tếThứ Ba, 13/11/2012 02:12:00 +07:00

(VTC News) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, hệ quả tồn tại trước đây dồn lại làm nợ xấu tăng liên tục.

(VTC News) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình,hệ quả tồn tại trước đây dồn lại làm nợ xấu tăng liên tục, nợ xấu không tăng trong giai đoạn ngắn mà tăng trong cả cả thời kỳ khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Hôm nay, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đăng đàn để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh thị trường vàng, vấn đề nợ xấu, tăng trưởng tín dụng và "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng được đai biểu quan tâm.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nhận định, nợ xấu đang là vấn đề rất được dư luận quan tâm. Nợ xấu nếu không được giải quyết sẽ gây hiệu ứng không tốt, gây nhiều hệ lụy. Đại biểu yêu cầu Thống đốc cho biết thực trạng và giải pháp của nợ xấu.

Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) hỏi Thống đốc nguyên nhân nợ xấu là gì tại sao nợ xấu quá lớn và lỗi tại ai

Nợ xấu đang là 8,82%

Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sớm thấy nguy cơ của nợ xấu từ tháng 8/2011 và nhanh chóng chóng xây dựng đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong đó có phần quan trọng là thực trạng nợ xấu. Theo Thống đốc, ngay từ đó Ngân hàng nhà nước đã có được các giải pháp tổng thể căn cơ giải quyết.

Thống đốc đánh giá nợ xấu có ảnh hưởng sâu rộng, có thể ảnh hưởng tới 15 năm như Nhật Bản. Còn với nước Mỹ, năm 2008 bất động sản đổ vỡ gây nợ xấu. Mỹ đã chi rất nhiều tiền nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. 

Hiện nay có 3 loại số liệu về nợ xấu nhưng Thống đốc khẳng định số liệu đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước có ý nghĩa thực tiễn và chính xác nhất. Hệ thống ngân hàng báo cáo tính đến ngày 30/9, nợ xấu là 4,93% nhưng theo đánh giá Ngân hàng nhà nước, nợ xấu là 8,82%. Nợ xấu có tốc độ gia tăng nhanh chóng từ năm 2009. Năm 2009, nợ xấu tăng 27%, 2010 tăng 41%, 2011 tăng 64%, từ đầu năm đến nay tăng khoảng 66%.

Hệ quả tồn tại trước đây dồn lại làm nợ xấu tăng liên tục. Nợ xấu không tăng trong giai đoạn ngắn mà tăng trong cả cả thời kỳ khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình. 
Muốn xử lý nợ xấu cần phải biết nguyên nhân gây nên nợ xấu. Theo Thống đốc, nếu nói về nguyên nhân có 5 nhóm: tại các tổ chức tín dụng cho vay vốn, tại chính các doanh nghiệp vay vốn, cơ chế chính sách trong đó có vĩ mô và phát triển ngành, điều kiện trong và ngoài nước; do công tác thanh tra giám sát.

Thống đốc cho biết cần mổ xẻ điều kiện trong từng nguyên nhân, thấy rõ nhóm nguyên nhân để có nhóm giải pháp thích hợp.

Về phía ngân hàng, ngân hàng thương mại có trách nhiệm trước và lớn nhất. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm về cơ chế chính sách và thanh tra giám sát.

Thế giới đánh giá Việt Nam có 5 bong bóng, trong đó có bong bóng tín dụng. Chất lượng tín dụng không tốt nên khi môi trường kinh doanh trở nên xấu thì sinh ra nợ xấu. Để xử lý, phải dùng nhiều biện pháp quyết liệt.

Thứ nhất các ngân hàng cần cơ cấu lại nợ, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra hệ thống ngân hàng phải phối hợp với các Bộ ngành để có được các giải pháp toàn diện.
 

Trước đây, tỷ lệ sử dụng vốn trong ngân hàng cao hơn 100%. Nghĩa là có 100 đồng thì dùng hơn 100 đồng. Nay tỷ lệ này đã được cải thiện.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
 
Thanh khoản ngân hàng mỏng


Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận thanh khoản của hệ thống ngân hàng mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn đang hết sức mỏng và bấp bênh. Trước đây, tỷ lệ sử dụng vốn trong ngân hàng cao hơn 100%. Nghĩa là có 100 đồng thì dùng hơn 100 đồng. Việc này có thể dẫn đến đổ vỡ.
 
Hiện nay, tỷ lệ này được cải thiện, tỷ lệ sử dụng vốn dao động từ 93 - 96%, tuy nhiên là chưa chắc chắn. Trong khi đó, thông lệ quốc tế, tỷ lệ sử dụng vốn chỉ khoảng 60 - 70%, còn 30 - 40% còn lại sẽ dùng để đầu tư vào công cụ có thanh khoản cao, trong khi các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đầu tư vào tín dụng. Trong tổng số hơn 100 tổ chức tín dụng thì có đến 50 tổ chức tín dụng thường xuyên (hàng ngày) có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn huy động, dẫn đến lãi suất bị đẩy lên cao.

Tăng trưởng tín dụng hết sức khó khăn

Thống đốc cho biết dù đưa lạm phát xuống dưới 8% nhưng lạm phát vẫn rình rập quay trở lại, gây áp lực lên lãi suất. Chính vì thế, lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng hấp thụ của doanh nghiệp, song thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp giảm lãi suất thêm nữa, trong đó có việc phải kiểm soát được lạm phát.

Về tăng trưởng tín dụng thấp, theo Thống đốc khẳng định, tình trạng này đã được lường trước ngay từ những tháng đầu của năm 2012. Nhưng Thống đốc cũng thẳng thắn rằng nhìn vào tăng trưởng tín dụng cần nhìn 2 mặt. Trước đây Việt Nam đã tăng trưởng tín dụng quá dễ dãi và hậu quả phải trả là nợ xấu tăng cao như hiện nay và rủi ro nhiều ngân hàng phải đổ vỡ.

Do vậy với ngân hàng, một đồng vốn đưa ra, họ đảm bảo phải thu lại được. Đối với ngân hàng, tăng trưởng tín dụng phải đi liền với an toàn. Bên cạnh đó doanh nghiệp sau nhiều năm vất vả, tình hình tài chính khó khăn nên hai bên khó gặp nhau.

Thống đốc khẳng định, không nhất thiết tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng là phải “chảy” trực tiếp vào các doanh nghiệp. Do đó, sau rất nhiều năm phát hành trái phiếu không thành công năm nay đã phát hành thành công với khối lượng lớn. Riêng hệ thống ngân hàng đã mua 183.000 tỷ đồng trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh phát hành, tương đương với khoảng 6-7% của tăng trưởng tín dụng.

Theo số liệu mới nhất đến ngày 30/6/2012 của Ngân hàng nhà nước, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là khoảng 3,36%, từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ đạt được 5%. Nếu xét cả 2 góc độ này, hệ thống ngân hàng đầu tư cho nền kinh tế khoảng 5% từ tăng trưởng tín dụng và 5% từ đầu tư gián tiếp thông qua trái phiếu và tổng cộng vẫn đạt xấp xỉ 10%.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn