Cơ hội lớn giải quyết hậu quả dioxin ở Việt Nam

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 17/07/2010 02:20:00 +07:00

Trước chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhận được thông tin về Chương trình hành động giai đoạn 2010-2019.

Chuyến thăm Việt Nam tuần tới của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là cơ hội lớn để làm mới và tăng cường sự phản hồi của chính phủ nước này đối với việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đến Việt Nam trong tuần tới. 

Đây là nhận định của ông David Devlin-Foltz, quan chức cấp cao của Viện nghiên cứu Aspen, đưa ra tại buổi họp báo về đề tài này do tổ chức "Sáng kiến Thông tin về chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam" tiến hành ở thủ đô Washington ngày 15/7.

Ông Foltz cho biết trước chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhận được thông tin về Chương trình hành động giai đoạn 2010-2019, do Nhóm đối thoại Mỹ-Việt về chất độc da cam/dioxin xây dựng, với mục tiêu cơ bản là cải tạo những vùng đất bị ô nhiễm và tái phục hồi môi sinh bị hủy hoại, mở rộng dịch vụ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ.

Chương trình hành động cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ đóng vai trò chính trong việc đáp ứng chi phí (ước tính 300 triệu USD), nhằm khắc phục các hậu quả của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam trong khoảng 10 năm.

Nhà nghiên cứu Foltz hy vọng đoàn quan chức của Mỹ thăm Việt Nam lần này sẽ thảo luận vấn đề chất độc da cam/dioxin với quan chức Chính phủ Việt Nam.

Ông cũng bày tỏ mong muốn Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ khuyến khích Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa khu vực công và khu vực tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp, các quỹ và các chính phủ khác, nhằm tăng cường chuyên môn và nguồn lực cần thiết để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Hiện các quỹ lớn như Quỹ Ford, Quỹ Bill and Melinda Gates và Quỹ Atlantic Philanthropies và một số doanh nghiệp Mỹ đã góp phần quan trọng và chi những khoản tiền mang tính chất trách nhiệm xã hội để giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Ngoài ra, ông  Foltz cho rằng trong nhiều năm qua vấn đề chất độc da cam/dioxin đã gây cản trở mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam, song theo ông, đã đến lúc hai bên cần đầu tư có chiều sâu cho vấn đề này vì đây là vấn đề nhân đạo và "có nhiều cơ hội thực sự để làm điều gì đó có ích" cho người dân Việt Nam.

Ông Foltz cho biết các thành viên thuộc Nhóm đối thoại Mỹ-Việt về chất độc da cam/dioxin đều ý thức được rằng có nhiều cơ hội thực sự để hai nước cùng làm việc một cách hiệu quả, kiềm chế sự lan rộng của dioxin; ngăn không cho dioxin ảnh hưởng đến hệ thống thực phẩm cũng như khôi phục những cánh đồng đã bị hủy hoại và mở rộng mạng lưới cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng cho những người tàn tật tại Việt Nam.

Cũng tại buổi họp báo, cựu Hạ nghị sĩ Bob Edgar, hiện là Chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Common Cause của Mỹ, khẳng định việc một số thượng nghị sĩ như Thượng nghị sĩ Tom Harkin, người vừa thăm Việt Nam, Thượng nghị sĩ Pat Leahy và Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, cam kết ủng hộ Việt Nam là điều rất quan trọng.

Ông khẳng định những cam kết này vừa góp phần mở rộng quan hệ đối tác với Chính phủ Việt Nam, vừa tăng cường sự hợp tác giữa hai nước trong giải quyết các vấn đề liên quan tới chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Theo(TTXVN/Vietnam+)

 

Bình luận
vtcnews.vn