Thời của con gái

Tổng hợpThứ Tư, 02/03/2011 05:13:00 +07:00

Trên chuyến xe đò vào Đà Nẵng, có một cặp hành khách làm em chú ý nhiều. Người đàn ông đứng tuổi ngồi bên cô gái trẻ. Người đàn ông tóc đã muối tiêu nhưng...

Cô Vũ Dung kể:

"Trên chuyến xe đò vào Đà Nẵng, có một cặp hành khách làm em chú ý nhiều. Người đàn ông đứng tuổi ngồi bên cô gái trẻ. Người đàn ông tóc đã muối tiêu nhưng gương mặt còn phong độ, chững chạc, nói năng hoặc giảng giải với cô gái trẻ từ tốn. Thỉnh thoảng, có một câu nói hóm gì đó làm cô gái cười khúc khích. Còn cô gái trẻ thì thơ ngây, đáp chuyện rất tự nhiên, có phần thân thiết. Lúc đầu, ngỡ là hai cha con. Nghe lõm bõm vài chuyện, mới biết họ mới quen nhau trong chuyến đi này. Cả hai cùng vào Đà Nẵng.

 

Họ chuyện với nhau âu yếm gần gặn đến nỗi, một hành khách nữ luống tuổi có thể là ghen tỵ ghé vào tai em: "Lại bồ nhí".

Người đàn ông như nhà truyền giáo. Cô gái trẻ như con chiên ngoan đạo, đón nhận từng lời của người đàn ông. Xe đến gần thành phố thì giao lộ bị nghẽn. Phải dừng. Giờ, em mới nghe được trọn vẹn mấy câu thoại.

Người đàn ông:

- Ra trường đã hai năm, sao cháu bảo mới làm ở báo này có 5 tháng?

Cô gái trẻ:

- Cháu đã làm việc cho một tờ "nét". Được gần năm. Nhưng người trưởng biên tập ở đây không đàng hoàng. Cháu bỏ.

Người đàn ông:

- Sự trả giá đầu tiên!

Im lặng. Người đàn ông hỏi tiếp:

- Cháu có bạn trai chưa?

Cô gái trẻ:

- Có. Nhưng đã bỏ. Anh ta phản đối quyết liệt cháu chọn nghề báo!

Người đàn ông:

- Sự trả giá thứ hai!

Một lúc sau:

- Thu nhập của cháu thời kỳ này thế nào?

Cô gái trẻ:

- Cháu thuê nhà trọ cùng sống với hai đứa em đang học đại học ở Hà Nội. Bố mẹ cháu chỉ chu cấp tiền học phí. Chúng cháu phải làm thêm nhiều việc có thể.

Người đàn ông điềm tĩnh như không có gì là lạ cả:

- Sự trả giá thứ ba. Phải Không? Lập nghiệp nghề báo không dễ dàng gì. Biết đâu sau này có chồng, chồng cháu lại phản đối quyết liệt những chuyến đi công tác dài ngày qua đêm như cháu bây giờ?

Cả hai cùng cười. Cô gái cười to hơn.

Chia tay, người đàn ông siết chặt cô gái trẻ. Cô gái trẻ ngoan ngoãn nép mình vào người đàn ông, lủng liểng sau lưng nào ba lô, chai nước khoáng, máy ảnh, và láp - tốp.

- Chúc cháu thành công. Chờ đọc "Chanchu" của cháu!

Cô Vũ Dung, là giáo viên dạy văn, rất thích săn chuyện về các nhà báo, và từng viết những mẩu chuyện hậu trường nhà báo. Kể rồi, cô hỏi tôi:

- Anh đã phải trả giá bao nhiêu lần trong đời làm báo rồi?

Tôi cười:

- Không nhớ nữa! Cô định viết "chuyện làng báo" à?


ại Hà Nội, một tháng sau, tôi đọc trên Tạp chí Nhà báo Thủ đô số tháng … năm …, bỗng gặp một cái "tít" cực hót: "Thu Hương dặm trường thân gái", tưởng như viết về ca - ve. Lướt lên tiêu đề mục: "Gương mặt phóng viên trẻ". Lướt xuống tên tác giả: Giang Lân, một nhà báo có tên tuổi.

Đây là những dòng ông viết: "Đọc xong thiên phóng sự và 7 bức ảnh in kín 2 trang báo Tuổi trẻ Thủ đô với tiêu đề "Đại tang trên đất biển miền Trung" của phóng viên Thu Hương truyền từ Đà Nẵng, về hậu quả của cơn bão Chanchu, người ta không nghĩ rằng tác giả của phóng sự lại là một em gái trẻ mới có… năm tháng tuổi nghề kể cả thời gian tập việc.

 

Qua phóng sự, tôi hình dung: Em đáp xe đò "thân gái trẻ dặm trường" từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Chọn một nhà nghỉ giá phải chăng qua đêm. 5 giờ sáng hôm sau có mặt tại cửa cảng sông Hàn. Trời lạnh ngắt và gió lạnh buốt. 6 giờ, người nhà nạn nhân kéo đến đông nghịt để đón những chiếc tàu cứu nạn từ biển cập bến. 10 giờ, oi bức, ngột ngạt bởi những tiếng khóc tiếng than và cả gào thét chen lấn. Họ chờ ở đây để nhận dạng và đón thi hài người thân. Hoặc chờ tin người thân còn hay mất. Em len lỏi giữa đám đông, gặp gỡ người này người nọ, hỏi han gia cảnh họ, ghi ghi chép chép và chụp ảnh họ. Quá trưa, em nhai vội mẩu bánh mì uống vài ngụm nước khoáng. Trời nắng chang chang. Đã có người trong đám đông lả đi. 13giờ 30, có thông báo hai tàu cứu hộ sắp cập bến. Người nào cũng nhao nhao tìm chỗ tốt nhất để nhìn thấy người thân. Nhanh hơn họ, em len lách vào sát mép cảng, chọn chỗ thuận lợi tiếp cận với sự kiện để còn chụp ảnh.

14 giờ kém 10, tàu cứu hộ chở các thi hài nạn nhân cập bến. 15 phút sau, tàu cứu hộ chở những người còn sống cập bến. Tất cả đều diễn ra trong náo nhiệt và khẩn trương. Các phóng viên tranh nhau bấm máy. Cơn mê nghề giờ mới làm em sực tỉnh nhận ra "mình thấp bé hơn các đồng nghiệp". Một cảnh sát đã dúi vào chân em một chiếc ghế nhựa để em nâng máy cao hơn tầm vai các tay máy đứng trước. Em lựa những khuôn hình tốt nhất bấm máy. Em cũng không quên đếm từng thi hài được chuyển lên, những người còn sống được dìu lên: 15 và 33. Em bật khóc cùng người thân của họ. Hình như nghề nghiệp lôi cuốn, em tham gia cùng họ đưa nạn nhân còn sống vào bệnh viện. Vừa chứng kiến vừa khai thác tài liệu tại đây. Rồi em lại trở lại cửa sông Hàn theo dõi tiếp khung cảnh nhận dạng các thi thể. 18 giờ, em rời bám sự kiện để còn viết bài. Tôi không biết em viết bài ở đâu? Ở một ghế đá công viên hay một quán giải khát nào đó. Chỉ biết rằng báo Tuổi trẻ Thủ đô phát hành sáng hôm sau tại Hà Nội đã in thiên phóng sự của em cùng những bức ảnh xúc động lòng người từ Đà Nẵng truyền ra.

Em quan sát tinh tường, lấy tài liệu kĩ lưỡng, bố cục phóng sự chặt chẽ. Mô tả sự kiện và khai thác nội tâm chi tiết và giàu cảm xúc. Đặc biệt là những bức ảnh em chụp rất ấn tượng, nó cộng hưởng tối đa cùng bài viết. Bức ảnh được rút to lên trang bìa là bức ảnh tiêu biểu của loại ảnh báo chí: Gương mặt đau thương của người vợ nạn nhân

bão Chanchu. Đau đớn không khóc được nữa, hoặc đã khóc hết nước mắt rồi. Tố chất đáng khuyến khích nhất ở Thu Hương là ham đi, đi xa và đi tới điểm nóng…"

Nhà báo Giang Lân chưa dừng ở đó. Ông truy sâu tính cách của nữ phóng viên gái trẻ này:

"Một số đồng nghiệp trẻ của Thu Hương cũng nhận xét phẩm chất quý của em là "xông xáo và ham đi". Còn nói thêm, là vì bạn ấy còn trẻ và chưa vướng bận gia đình. Tôi không nghĩ thế. Tôi phôn cho em trao đổi về nhận xét này. Em lại đang dong duổi ở Quảng Ninh với một vụ sập lò. Từ đầu dây xa xôi, em cười trả lời: "Đã có lần chú nói với cháu là nhà báo phải biết mười để viết cho một. Đúng không? Cháu ham đi là để cố gắng biết được mười".

Đặt tờ tạp chí xuống mặt bàn. Tôi cứ băn khoăn, có lẽ nào người đàn ông và cô gái trẻ mà cô Vũ Dung gặp trên chuyến xe đò Hà Nội - Đà Nẵng lại là nhà báo Giang Lân và phóng viên trẻ Thu Hương? Chuyến xe ấy vào Đà Nẵng đúng thời điểm có bão Chanchu. Người đàn ông ấy có nói "Chờ đọc Chanchu của cháu!"

Con gái thứ hai của tôi đang làm phóng viên tập sự ở một Đài truyền hình. Hơn tôi, nó được đào tạo chu đáo trước khi vào nghề báo. Một thời gian dài tôi đinh ninh là chính mình sẽ dạy dỗ con mình trở thành một nhà báo giỏi giang như mình. Tôi đã lầm. Sự nghiệp của mình đối với nó chỉ là tiền đề.. Trường đời và trường học trước đó đã cho nó tri thức và trải nghiệm để hướng tới một cách tu nghiệp theo cách riêng của nó. Không bắt chước ai, không giống một ai kể cả bố nó. Và tôi cảm nhận nghề nghiệp của nó đã vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà báo già này. Là phóng viên thời sự chính trị nó làm việc như điên, luôn phải tiếp cận và cập nhật sự kiện. Kè kè bên mình một láp - tốp, một máy ảnh kỹ thuật số, một máy ghi âm kỹ thuật số, vài thỏi USB…cứ thế bươn chải cùng quay phim ở các điểm nóng. Làm phim ở hiện trường xong là tức tốc lao về đài "lặn" vào một ca – bin mét rưỡi vuông, tự dựng hình, viết lời bình, thậm chí tự đọc và dẫn chương trình. Có ngày "chạy sô" tới ba điểm. Về nhà trễ muộn chỉ kịp lùa vội bữa tối và chuyện dăm câu ba điều tầm phào với bố. Sau tách "cà phê tan" là lướt luôn vào internet. Cứ như thế này hẳn nó sẽ quên…lấy chồng. Những ngày này nó phải sản xuất sẵn phim tết. Chuẩn bị các phóng sự, clip cho cầu truyền hình giao thừa. Vậy mà nó vẫn còn "đánh quả" bài tết cho các báo. Tuần trước đi mấy ngày ở miền trung, về, nó viết luôn một sê-ri bài tết. Tôi hỏi: "Thánh nữ của bố ơi làm gì mà gớm ghê thế?" Nó cười như nắc nẻ: "Con đi là lấy cảm hứng. Còn tư liệu về những nơi đó có đủ đầy trên internet. Bố cứ vào Google mà kiếm tìm!"


ết, chẳng có gì lớn lao, tôi tặng con gái tôi bài báo "Thu Hương dặm trường thân gái" của nhà báo Giang Lân - một món quà bé mọn. Và kể cho nó nghe câu chuyện trên chuyến xe đò do cô Vũ Dung kể, để con gái tôi liên tưởng xem có gì trùng nhau cùng là một nhà báo Giang Lân? Đọc xong, con gái tôi cười rú, chẳng chút quan tâm tới sự trùng nhau của hai sự kiện, mà hỏi lại tôi:

- Vậy thì đầu năm, bố tiên lượng xem, đời làm báo tương lai của con gái bố có phải trả giá nhiều hơn ba lần cô gái trẻ trên chuyến xe đò không?

Tôi giật mình. Hà hừm. Bố cũng chẳng biết nữa!

Nhắm mắt lại, những hình ảnh mờ ảo bỗng hiện lên trong trí não tôi: Một anh trưởng biên tập không đường hoàng. Một chàng trai yêu si mê nhưng ích kỷ và ghen tuông. Một cô gái đồng nghiệp tì hiềm thiếu độ lượng. Cùng những vụng dại chết người của thời con gái … Vừa không thể lại vừa có thể. Khó lường lắm!

Truyện ngắn của Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn