‘Thích’ đâm máy bay, chim trời khiến hàng ngàn người hoảng sợ

Kinh tếThứ Năm, 01/10/2015 11:55:00 +07:00

May bay VietJet Air - Không ít lần chim trời đâm vào máy bay đang bay, nhiều đàn chim trời trên đất Việt cũng như trên thế giới khiến hàng ngàn người hoảng sợ

(VTC News) – Không ít lần đâm vào máy bay đang bay trên trời, nhiều đàn chim trên đất Việt cũng như trên thế giới khiến hàng ngàn người hoảng sợ.

Chim đâm máy bay trên đất Việt

Tối 30/9/2015, nhiều hành khách của Vietjet Air được phen thót tim khi chiếc máy bay A320 của VietJet Air số hiệu VN-A650 từ Buôn Ma Thuột về Hà Nội bị chim trời đâm vào gây móp phần đầu tàu bay. Hãng phải dừng khai thác tàu bay để sửa chữa phần đầu bị móp.

Do phải đổi máy bay bị hư hỏng nên chuyến VJ183 từ Hà Nội đi TP HCM sau đó chậm 30 phút. Việc này cũng làm ảnh hưởng dây chuyền một số chuyến bay ngày tiếp theo.

Theo đại diện Vietjet Air, gần đây số lần chim trời đâm vào máy bay có chiều hướng gia tăng. Vietjet Air là một trong những hãng bay hay gặp phải sự cố va vào chim.
Máy bay của Vietjet vừa bị chim đâm móp đầu.
Máy bay của Vietjet vừa bị chim đâm móp đầu.
Ngày 6/1/2015, một máy bay của Vietjet Air phải dừng một chuyến bay để kiểm tra và bảo dưỡng kỹ thuật. Nguyên nhân cũng là do máy bay va phải chim trời. Cú va chạm này khiến nhiều chuyến bay phải đổi lịch bay.
Vietjet Air không phải hãng hàng không duy nhất là nạn nhân của chim. Tối 20/7/2014, chuyến bay mang số hiệu BL522 từ TP HCM đi Vinh (Nghệ An) chuẩn bị hạ cánh xuống đường băng thì bị chim va trời đâm vào máy bay.

Chuyến bay hạ cánh an toàn  nhưng theo quy định, máy bay phải nằm lại sân bay để kiểm tra kỹ lưỡng nhằm bảo đảm an toàn cho chuyến bay tiếp theo.

Trước đó, ngày 16/7, một máy bay khác cũng của Jetstar đang lăn bánh từ sân đỗ ra đường băng để rời TP HCM đi Hà Nội thì hệ thống máy tính báo hiệu có khói trong khoang chứa hàng. Máy bay phải lập tức quay lại, hành khách được sơ tán. Nguyên nhân sau đó là do chiếc lông chim.

Trước đó, ngày 7/5, một chuyến bay của Jetstar Pacific gặp phải sự cố tương tự. Ngay trong đêm cùng ngày, hãng này đã thông báo sự cố bất khả kháng kể trên cho hành khách, đồng thời bố trí thêm nhân sự phục vụ khách chưa nhận được thông báo, giải quyết vấn đề phát sinh khác tại sân bay như thu xếp suất ăn, nước uống cho khách bị ảnh hưởng.

Tại các sân bay, các cơ quan chức năng cũng sử dụng các biện pháp đuổi chim nhưng các vụ va chạm vẫn xảy ra, nhiều chuyến bay bị chậm hủy do bắt buộc phải kiểm tra máy bay sau mỗi vụ va chạm để bảo đảm an toàn.

Theo một chuyên gia trong ngành hàng không chia sẻ trên Dân trí, sở dĩ chim là mối hoạ thường trực với ngành hàng không là bởi sự chênh lệch tốc độ giữa máy bay phản lực với chim trời. Các loài chim, dù lớn hay nhỏ, khi va chạm sẽ tạo ra một lực phá ghê gớm.

Phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay ở gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh. Va chạm giữa chim trời và "chim sắt" có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu các con chim lớn bị hút vào động cơ phản lực.

Kết cấu bên trong động cơ phản lực rất tinh vi, khi chim va đập, dù cho các chi tiết của động cơ không bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng quá trình làm việc của động cơ sẽ bị ảnh hưởng nặng, thậm chí buộc phải ngừng làm việc, kết quả là máy bay có thể rơi.

Chim trời khiến máy bay rơi

Các vụ chim trời đâm vào máy bay ở Việt Nam đã gây thiệt hại không nhỏ cho cả hãng bay và hành khách. Nhưng trên thế giới, mức thiệt hại thậm chí còn lớn hơn vì không ít lần chim trời đã khiến máy bay rơi.

Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) ước tính tai nạn do máy bay va chạm với chim khiến Mỹ thiệt hại 400 triệu USD hàng năm (gồm chi phí sửa chữa và những khoản lỗ do máy bay hư không thể tiếp tục hoạt động), khiến hơn 200 người thiệt mạng kể từ năm 1988. Tính trên toàn thế giới, con số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Ngày 20/1/1995, một chiếc Dassault Falcon 20 rơi tại sân bay ở thủ đô Paris, Pháp, lúc cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Nguyên nhân sự cố do một đàn chim đã bay vào động cơ máy bay gây hư hại động cơ và tạo ra một đám cháy ở thân máy bay. Tất cả 10 người trên phi cơ đều thiệt mạng sau vụ tai nạn.

 Một trực thăng Black Hawk hư hại do đâm phải một con sếu
Ngày 22/9/1995, một chiếc Boeing E-3 Sentry AWACS của Không quân Mỹ số hiệu 77-0354 rơi không lâu sau khi cất cánh từ căn cứ. Một vài con ngỗng đã bay vào động cơ gây hư hại nghiêm trọng. Máy bay rơi ở vị trí cách đường băng khoảng 3 km khiến toàn bộ 24 người trên phi cơ thiệt mạng.

Ngày 4/10/1960, chiếc máy bay tua bin phản lực chở khách của Mỹ sau khi cất cánh từ Boston không lâu thì đột nhiên 3 trong số 4 động cơ bị hỏng, phi cơ mất thăng bằng, đâm đầu xuống một hồ nước gần sân bay. 62 người tử nạn. Tai nạn thảm khốc bắt đầu từ một đàn chim sáo.

Bên cạnh rất nhiều tai nạn thảm khốc, nhiều đàn chim đã khiến hàng ngàn hành khách thót tim. Một trong những vụ tai nạn hàng không liên quan tới chim “kinh điển” nhất chính là cú hạ cánh ngoạn mục của chuyến bay số hiệu 1549 của hãng US Airways trên sông Hudson hồi tháng 1/2009.

Cú hạ cánh này đi vào lịch sử hàng không khi 150 hành khách và thành viên phi hành đoàn bình an vô sự sau sự cố. Tuy nhiên, không nhiều người biết thủ phạm gây ra tai nạn chính là một đàn ngỗng. Khoảng 3 phút sau khi phi cơ cất cánh, một đàn ngỗng bay ngang qua máy bay và một số con lao vào cả 2 bên động cơ gây hư hại.

Trong những năm gần đây, những vụ va chạm giữa chim với máy bay đang tăng lên đáng kể. Đầu tháng 6 năm nay, máy bay Boeing của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ bị móp mũi và cánh khi đang hạ cánh xuống đường băng thì bị đàn chim đâm trúng.

Đầu tháng 3 năm nay, máy bay mang số hiệu 1320 của hãng hàng không American Airlines vừa cất cánh khỏi sân bay JFK ở TP New York (Mỹ), phi công đã liên lạc với trạm kiểm soát không lưu để thông báo máy bay va chạm với đàn ngỗng.

Có thể thấy, rất nhiều vụ chim đâm máy bay đã diễn ra nhưng ngành hàng không thế giới dường như vẫn chưa tìm ra được biện pháp khắc phục.

Thanh Hà (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn