Đi chung xe – giải pháp đi lại thông minh

Sản phẩmThứ Sáu, 26/05/2017 17:34:00 +07:00

Năm 2013, chàng trai 8x Nguyễn Thành Nam cùng những người cộng sự của mình đã thành lập công ty cổ phần Đi chung với các dịch vụ: đi chung xe taxi, đi chung xe cá nhân và đi chung đi du lịch, phát triển dựa trên nền tảng trực tuyến và di động.

Hinh anh

 Anh Nguyễn Thành Nam – CEO công ty Đi chung (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đi chung xe – tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường

Đi chung xe là giải pháp đi lại đã được áp dụng từ lâu trên thế giới, phát triển mạnh ở khu vực Châu Âu. Đi chung xe có 3 lợi ích chính là giảm lưu lượng xe tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí đi lại cho khách hàng và giảm thiểu khi CO2 thải ra cho môi trường.

Chia sẻ với VTC News, anh Thành Nam cho biết, website dichung.vn là một thị trường trực tuyến nơi mọi người chia sẻ hoặc mua bán những chỗ còn trống trên phương tiện. Những người tham gia giao thông có chung điểm đi, điểm đến, thời gian giống hoặc gần giống nhau có thể đi chung với nhau bằng cách chia sẻ những chỗ còn trống đó.

Anh Nam kể, “Ý tưởng của mình là tạo ra một hình thức đi lại thứ ba, tích hợp giữa hình thức phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng – tức là vừa có giá thành rẻ, vừa tạo được sự thoải mái cho người sử dụng.”

Ý tưởng này đến trong những lần anh và các cộng sự của mình đi xe khách để về quê vào mỗi dịp cuối tuần. Cứ mỗi dịp lễ tết, các chuyến xe khách đều ở trong tình trạng quá tải, nhồi nhét hành khách, khiến ai cũng mệt mỏi khó chịu.

Đồng thời, anh nhận thấy việc không phải phương tiện nào cũng sử dụng hết chỗ trống thiết kế sẵn có trên xe. Những câu hỏi liên tiếp xuất hiện: “Vì lý do gì mà chúng ta lại lãng phí chỗ trống như vậy?”, “Nếu tận dụng được tất cả chỗ trống thì việc tắc đường được giải quyết đúng không?”, … hơn nữa, còn giảm chi phí.

“Vậy tại sao không tạo một công cụ nào đấy để mọi người có thể chia sẻ chỗ trống trên xe với nhau?” Xuất phát từ câu hỏi đó, anh và những người đồng sự của mình đã đi tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng mô hình đi chung xe vào Việt Nam. Từ đó, những người sáng lập của Đi chung họp nhau lại và quyết định bắt đầu với sản phẩm dichung.vn.

Anh Nam cũng cho biết, đối tượng mà anh hướng đến là những khách hàng ở độ tuổi từ 18 đến 35, thích kết bạn, có thói quen tiết kiệm, sử dụng internet thường xuyên, hay đi lại, thích đi du lịch và quan tâm đến môi trường.

Khi cần đi lại, nghĩ đến đi chung

Theo anh Nam, thị trường của các dịch vụ đi chung xe vô cùng lớn. Hàng ngày, có khoảng 50,000 lượt đi lại bằng taxi trên các sân bay của Việt Nam, 700,000 lượt đi lại trên các tuyến từ thành phố lớn sang các tỉnh lân cận và khoảng 1,000,000 lượt đi lại bằng taxi trong các thành phố.

Hinh anh

Anh Nguyễn Thành Nam (giữa) và nhóm cộng sự của mình tại công ty Đi chung (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đánh giá về tiềm năng của mô hình dịch vụ đi chung xe, anh Nam cho hay “Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi càng cao về dịch vụ (giá rẻ nhưng phải thuận tiện, thân thiện với môi trường..) thì các dịch vụ đi chung xe sẽ ngày càng được ưa chuộng. Bởi vì đi chung xe vừa có tính thuận tiện và thoải mái như xe cá nhân trong khi lại vẫn có tính tiết kiệm phù hợp với khả năng chi trả có hạn.”

Mặc dù mang lại nhiều ích lợi cho người sử dụng, cộng đồng và môi trường là vậy, nhưng việc ứng dụng mô hình đi chung xe lại gặp nhiều trở ngại.

Theo anh Nam, tại thời điểm năm 2013, khi anh bắt đầu triển khai dịch vụ dichung.vn, hầu như mọi người chưa có khái niệm gì về đi chung xe. Việc tạo lập thị trường là nhiệm vụ rất thách thức đối với một dự án khởi nghiệp có nguồn lực hạn chế như Đi chung vào thời điểm lúc bấy giờ.

Video: Vì sao dân chặn xe trên quốc lộ 38, gây ách tắc nghiêm trọng?

Ban đầu, anh Nam và các cộng sự của mình đã tập trung phát triển các tính năng sản phẩm giúp cho mọi người vượt qua trở ngại về an toàn khi đi chung với người lạ. Tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, thách thức lớn nhất đặt ra cho anh là sự sẵn có chứ không phải là tính an toàn của dịch vụ đi chung xe. Vì vậy, anh quyết định chuyển hướng sang đặt xe trực tuyến kết nối khách hàng với các hãng taxi và nhà xe với nhau, thành lập trang dichungtaxi.com.

Giải pháp này ngay lập tức phát huy hiệu quả, giải quyết được cả hai vấn đề đặt ra bởi taxi là ngành dịch vụ đã tạo được niềm tin với người dùng. Anh hồ hởi cho biết, sau gần 5 năm hoạt động, dichungtaxi.com đã thực hiện thành công khoảng 500.000 chuyến đi, tiết kiệm gần 13 tỷ đồng cho khách hàng và giảm hơn 1.000 tấn CO2 thải ra môi trường, hợp tác với hơn 10.000 tài xế trên khắp cả nước, tăng doanh thu cho tài xế lên 20-30%.

Hiện nay dịch vụ chính mà công ty cung cấp đến cho khách hàng là đi chung xe taxi, xe hợp đồng đưa đón sân bay và đường dài khắp cả nước được cung cấp trên trang dichungtaxi.com. Anh Nam và các cộng sự đã tập trung tất cả nguồn lực của công ty để phát triển dịch vụ này trên toàn lãnh thổ Việt Nam: tính đến đầu năm 2017, dichungtaxi.com đã phủ sóng trên 20 sân bay và 40 thành phố trên toàn quốc…

Nói về dự định trong tương lai, anh Nam cho biết, công ty đang nghiên cứu và tạo dựng thêm những dịch vụ mới dựa trên mô hình đi chung xe: đi chung đi du lịch và đi chung xe trong phố. Ngoài ra, anh cùng những cộng sự của mình đã lên kế hoạch tiếp tục mở rộng mảng hoạt động đi chơi chung và vẫn duy trì sản phẩm dichung.vn phục vụ miễn phí cho cộng đồng.

Công ty cổ phần Đi chung là một doanh nghiệp xã hội thành lập từ 2013 bởi CEO Nguyễn Thành Nam. Theo đó, Đi chung tập trung phát triển các giải pháp và dịch vụ đi chung xe khác nhau trên nền tảng trực tuyến và di động bao gồm đi chung xe cá nhân, đi chung xe chuyên nghiệp.

Trải qua gần 5 năm hoạt động, đến nay, Đi chung đã giành được một số thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2012, Đi chung được chọn là một trong 5 doanh nghiệp xã hội được hỗ trợ bởi Trung tâm hỗ trợ các sáng kiến Xã hội ở Việt nam (CSIP). Năm 2013, Đi Chung là một trong những DNXH Việt Nam đầu tiên được giải thưởng SEED Award vì phát triển bền vững do Liên hợp quốc trao tặng. Tới năm 2016: Đi Chung được vinh danh là 1 trong 19 doanh nghiệp "Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu" do Vietnam Climate Innovation Center (VCIC) tổ chức với sự tài trợ của World Bank.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn