Chàng trai sáng chế công cụ tính điểm giúp sinh viên Huế bớt vất vả

Sản phẩmThứ Bảy, 15/07/2017 16:00:00 +07:00

Mê Lịch sử nhưng lại chọn công nghệ thông tin làm nghề nghiệp, chàng sinh viên Huế từng bước gặt hái được nhiều thành công.

Đó là câu chuyện của chàng sinh viên Phạm Như Ngọc Tuấn (Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế).

Lập ra công cụ tính điểm tích lũy

Chia sẻ về ý tưởng lập công cụ tính điểm, Tuấn cho biết: “Mình thấy bạn bè thường hỏi mình công thức tính điểm, vả lại nhiều lúc mình cần tính điểm tổng kết ngay sau khi có điểm để tiện theo dõi điểm tích lũy, nhằm cố gắng nỗ lực cho từng học kì. Ngoài ra, nhiều bạn sinh viên tính toán điểm khá vất vả khi trang tín chỉ của trường không hỗ trợ nên mình nghiên cứu và tạo ra công cụ tính điểm này”.

Theo Tuấn, bạn đã lên ý tưởng trong một ngày và thực hiện viết code trong vòng 2 tuần. Trong quá trình đó, bạn ấy đã tiến hành thử nghiệm khá nhiều lần nhưng thất bại cũng khá nhiều và tốc độ cũng cần phải tối ưu sao cho nhanh nhất.

Theo tìm hiểu, Tuấn đã lấy mẫu Excel của trang tín chỉ, sau đó tìm hiểu cơ chế hoạt động của Excel và bắt tay vào xây dựng thư viện xử lý và viết thành công. Sau gần 3 tuần thì thành công. Đến tháng 7/2016, công cụ tính điểm tích luỹ này chính thức được ra mắt với website “www.cnttk37d.com”.

Sau 2 tuần công khai, có gần 2.000 sinh viên sử dụng công cụ này và phản hồi khá tích cực khiến “chủ nhân” công cụ này rất vui mừng.

Tính đến nay, công cụ đã được gần 20.000 lượt Submit lên hệ thống và ngày một tăng. Người sử dụng đa số là sinh viên của các trường thuộc Đại học Huế như ĐH Khoa học, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Y dược…

1498372981-1

 Giao diện công cụ tính điểm giúp nhiều sinh viên bớt vất vả

Theo đó, để sử dụng công cụ này, sinh viên vào trang tín chỉ và đăng nhập. Sau đó vào kết quả học tập để tải file Excel kết quả về máy tính. Tiếp theo, người dùng upload file excel đã tải vào công cụ bên dưới và chờ kết quả.

Tuấn cho biết thêm, ưu điểm của công cụ là giúp ích được nhiều sinh viên, tiết kiệm được nhiều thời gian, nhất là các bạn sinh viên năm cuối.

Hiện tại, công cụ này đã tích hợp vào trang web tuyển sinh của trường (đây cũng chính là đề tài khoa học cấp trường của Tuấn - PV). Sắp tới, Tuấn có dự định viết trên nền tảng Android để sinh viên tiện tra cứu và sử dụng hơn.

Ngoài ra, nhận thấy nỗi vất vả của sinh viên khi mỗi mùa thi cử đến, Tuấn dự định sẽ cho ra mắt ngân hàng đề thi của trường, vì bạn ấy. Cụ thể, Tuấn sẽ làm một Website tổng hợp đề thi cho tất cả các ngành nhiều năm để sinh viên có thể tra cứu và gửi đề thi lên đó. Sinh viên có thể không cần tài khoản, sẽ có bộ phận lọc tự động hoặc kiểm duyệt từ ban quản trị.

Dùng công cụ tính điểm được nhiều lần, bạn Lê Văn Phúc, sinh viên trường Đại học Khoa học Huế chia sẻ: “Mình biết công cụ tính điểm tích lũy này thông qua bạn bè giới thiệu. Những học kỳ vừa qua mình đã dùng công cụ này thay vì ngồi mất thời gian tính từng môn. Mình thấy đây là một công cụ rất hữu ích đối với sinh viên, nhanh chóng và chính xác”.

Chàng trai của những trang Web phục vụ cộng đồng

Với niềm đam mê công nghệ thông tin, không chỉ tạo ra công cụ tính điểm giải quyết “nỗi khổ” của nhiều sinh viên, Tuấn còn thiết kế nhiều trang Web khác có lượt truy cập cao.

Tuấn cho biết: “Mình đã thiết kế nhiều trang web bao gồm thương mại điện tử, tin tức, diễn đàn... nhưng chủ yếu là phục vụ cộng đồng. Với mình, sống là phải biết cống hiến và giúp đỡ mọi người”.

Nêu ra một trang mà mình đã và đang phục vụ cho cộng đồng, Tuấn cho hay, mình làm một dự án diễn đàn hỏi đáp về SEO, Makerting - vì người dùng hay có thói quen search Google nhưng đa phần tìm không có kết quả phù hợp và chính xác, dẫn đến tình trạng spam nhiều. Vậy nên, mình đã làm một diễn đàn có gần 6 năm tuổi để phục vụ cộng đồng, hiện nay diễn đàn đang đứng trong top số lượng người Việt Nam tham gia.

Chia sẻ về động lực giúp mình vừa học giỏi, vừa thực hành tốt, Tuấn cho biết: “Mẹ và gia đình là nguồn động lực không ngừng thôi thúc mình học tập. Buổi sáng mình đi học ở trường, chiều mình lên công ty làm việc kiếm tiền trang trải thêm cuộc sống và tối đến mình phải làm việc và học để theo kịp bài vở”.

Thời học trung học cơ sở, Tuấn rất đam mê với môn Lịch sử. Tuấn học khá tốt, từng đạt giải Nhất thi huyện vàt giải Ba cấp tỉnh.

Năm lớp 10, thấu hiểu tinh thần ham học của cậu học sinh nghèo, một thầy giáo đã tặng cho Tuấn bộ máy tính để bàn. Có lẽ đó cũng là nguồn cơn nuôi dưỡng niềm đam mê với công nghệ thông tin trong Tuấn.

Cuối lớp 12, Tuấn lại chọn thi ngành Công nghệ thông tin ở Huế trong sự ngỡ ngàng của thầy cô, gia đình và cả bạn bè.

“Nhiều người nói mình có vấn đề, học khối C 12 năm nhưng lại thi khối A. Bởi mình nhận ra giữa đam mê và thực tế quá khác xa nhau. Hơn nữa, mình thấy nhu cầu cuộc sống luôn cần sự thay đổi và phát triển. Vì thế, mình chọn công nghệ thông tin với ước mơ trở thành lập trình viên giỏi”, Tuấn tiết lộ lý do chọn công nghệ thông tin.

1498373004-2

 Chàng sinh viên đam mê Công nghệ thông tin

Mồ côi cha từ nhỏ, ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, từ khi bước chân vào giảng đường đại học, Tuấn đã chọn công việc làm thêm phù hợp với bản thân, đó là nhận gia công phần mềm, lập trình website và cả SEO (tối ưu hoá công cụ tìm kiếm) mà không đi làm thêm tay chân như những bạn sinh viên khác, bởi Tuấn nhận thấy mình sức khỏe mình không tốt.

Thời sinh viên, dù không có bằng cấp, chỉ dựa vào năng lực của mình và ý chí ham học hỏi, Tuấn đã chứng minh được khả năng của mình và được chọn vào làm ở một công ty truyền thông ở TP. Huế.

Vừa học vừa làm, thế nhưng nhìn vào thành tích trong học tập của Tuấn, hầu hết bạn bè trong khoa phải ngưỡng mộ: Sinh viên xuất sắc nhất năm học 2015 - 2016, sinh viên 5 tốt cấp trường, học bổng FPT dành cho SV xuất sắc nhất, học bổng Văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, học bổng Nguyễn Trường Tộ, học bổng của báo Tuổi Trẻ...

Hiện tại, công việc của Tuấn là lập trình viên back-end cho một công ty startup nước ngoài. Chàng sinh viên công nghệ thông tin này cũng đang thực hiện một dự án cho cộng đồng người Việt Nam, có thể rất cần với nhiều bạn sinh viên trong cả nước.

“Mình muốn học hỏi nhiều kinh nghiệm từ công ty, đồng nghiệp, va chạm nhiều môi trường khác nhau trong lĩnh vực và xa hơn, mình sẽ phục vụ cho Huế, giúp Huế vực dậy và phát triển ngành công nghệ thông tin”, Tuấn chia sẻ về mục tiêu sắp tới.

Nhận xét về học trò của mình, thầy Lê Văn Tường Lân – Phó khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Khoa học Huế) khen ngợi: “Ngọc Tuấn là sinh viên giỏi, em đã làm được những việc mà các bạn cùng trang lứa chưa làm được, nhất là công cụ tính điểm tích lũy. Công cụ này đã và đang rất hữu ích đối với sinh viên, giảng viên của trường và Đại học Huế”.          

(Nguồn: Khám phá)
Bình luận
vtcnews.vn