Thi THPT Quốc gia 2017: Số liệu thí sinh đăng ký cho kết quả bất ngờ

Giáo dụcThứ Bảy, 22/04/2017 06:12:00 +07:00

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ về số liệu thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017.

Tính đến hết ngày 20/4, công tác đăng ký dự thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã hoàn tất. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay chiếm tới 75% thí sinh đăng ký dự thi.

Hinh anh Bo Giao duc va Dao tao chia se bi quyet on thi ky thi THPT Quoc gia 2017

 Thí sinh dự thi kỳ thi THPT. (Ảnh minh họa)

75% thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH

Năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 cùng lúc với đăng ký dự thi nên các trường ĐH đã công bố cụ thể đề án tuyển sinh của mình 10 ngày trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký. Do thông tin về kỳ thi được cung cấp đầy đủ từ sớm nên ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận đăng ký dự thi đã có khá nhiều thí sinh nộp hồ sơ.

Các sở GD-ĐT cũng đã nhập dữ liệu ngay từ đầu nên không xảy ra tình trạng dồn ứ dữ liệu vào những ngày cuối. Trong những ngày gần kết thúc thời gian đăng ký vừa rồi, có lúc lưu lượng nhập dữ liệu tăng cao, nhưng bộ phận công nghệ thông tin đã có phương án máy chủ dự phòng để tăng cường lúc cao điểm.

Trong thời gian đăng ký, hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, thông suốt. Các sở GD-ĐT cũng đã phân tán việc nhập dữ liệu về các trường THPT nên không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.

Nhiều sở GD-ĐT đã kết thúc nhập dữ liệu lên hệ thống sớm hơn dự kiến. Thống kê dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh thi để lấy kết xét tuyển vào ĐH chiếm khoảng 75%, cao hơn năm ngoái khoảng 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Video: Vì sao nhiều thí sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017?

Chọn bài thi Khoa học Xã hội tăng “đột biến”

Các năm trước, chủ yếu thí sinh chỉ chọn môn ưu thế trùng với môn đã chuẩn bị để đăng ký xét tuyển ĐH. Do tổ hợp truyền thống toán - lý - hoá (khối A cũ) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp văn - sử -  địa (khối C cũ), nên số thí sinh đăng ký dự thi các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia cao vượt trội so với các môn khoa học xã hội.

Tuy nhiên, với phương án thi năm 2017 có xuất hiện các bài thi tổ hợp, quy chế cho phép thí sinh được lựa chọn một trong hai bài thi, nhưng cũng có thể chọn lựa cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp. Với quy định như vậy, bên cạnh việc lựa chọn bài thi để xét tuyển vào ĐH, thí sinh cũng cân nhắc chọn bài thi phù hợp để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp.

Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng máy móc cũng giúp cho thí sinh ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn.

Ngoài ra, năm nay các trường cũng đề ra các tổ hợp xét tuyển mới trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội cũng tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển hơn.

Đó chính là những lý do số lượng thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội tăng lên nhiều (trong khi thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên vẫn giữ ổn định như các năm trước).

Mỗi thí sinh lựa chọn 4-5 nguyện vọng xét tuyển

Việc cho phép thi sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn giúp cho thí sinh chọn được ngành mình yêu thích ở các trường có mức điểm trúng tuyển khác nhau.

Những năm trước, trong đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký vào 2 trường với 4 nguyện vọng. Do đó thí sinh không thể đăng ký cả 4 nguyện vọng này cùng một ngành được. Đối với các trường thì khi cho phép thi sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì số thí sinh ảo sẽ tăng nên việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp hơn.

Bộ cũng đã lường trước được việc này nên đã có giải pháp hỗ trợ các trường trong lọc ảo. Bộ sẽ cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất.

Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên cổng tuyển sinh của Bộ. Phần mềm thống kê nguyện vọng sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển nhiều nguyện vọng để đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất (nếu có) trong tất cả các danh sách mà các trường gửi lên.

Để xử lý vấn đề thí sinh ảo hiệu quả, các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển như nhóm GX năm ngoái do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh thì chỉ còn lọc những thí sinh trúng tuyển ngoài nhóm. Khi tham gia nhóm, các trường có thể ngồi lại với nhau để xác định điểm chuẩn phù hợp. Khi không có nhóm, các trường phải tự phán đoán nên việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy dù năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhưng thí sinh cũng không đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Phần đông thí sinh chỉ chọn lựa 4-5 nguyện vọng xét tuyển. Thậm chí có đến 13% thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng xét tuyển duy nhất, 30% thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng.

Điều này cho thấy thí sinh rất có bản lĩnh, xác định được ngành nghề mình yêu thích và quyết tâm theo đuổi. Đồng thời, thí sinh cũng đã biết phân tích, tính toán phương án đăng ký xét tuyển một cách khoa học để không cần phải điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

Qua phân tích dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy đa số thí sinh đã có suy nghĩ kỹ càng khi thực hiện đăng ký, đó là đăng ký một vài nguyện vọng cao hơn kết quả thi dự kiến, một vài nguyện vọng sát với kết quả dự kiến và một vài nguyện vọng thấp hơn kết quả dự kiến. Tổng số nguyện vọng vì thế khoảng 4-5.

Với cách thức đăng ký xét tuyển mà các em đã thực hiện như vậy thì sau khi có kết quả thi sẽ có ít thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, trừ những thí sinh có kết quả thi lệch xa xa với kết quả mà các em dự kiến.

Video: Nữ sinh xinh đẹp trong ngày hội tư vấn tuyển sinh 2017

> > > Đọc thêm: Thủ khoa 30 điểm của Học viện An ninh chỉ lỗi sai thí sinh thường mắc

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn