Thi môn Toán, Lý, Anh để học ngành CNTT?

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 21/03/2011 08:35:00 +07:00

(VTC News) – T.S Nguyễn Văn Phát, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa đã đưa ra ý kiến về việc nên thi môn Toán, Lý, Anh để học ngành CNTT.

(VTC News) – T.S Nguyễn Văn Phát, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa đã đưa ra ý kiến về việc nên thi môn Toán, Lý, Anh để học ngành CNTT.

Hội nghị “Các cơ sở giáo dục về CNTT với nhiệm vụ triển khai đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT” vừa diễn ra trong ngày 18/3 tại Hà Nội. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trần Đức Lai đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cần tập trung vào lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành CNTT.

Nhu cầu về nhân lực CNTT tại Việt Nam trong tương lai là rất lớn


Dựa trên bản báo cáo đề án nước mạnh về CNTT, Thứ trưởng Trần Đức Lai có nhấn mạnh đến việc số lượng các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành CNTT đang tăng theo từng năm, cụ thể năm 2006 là 192 trường nhưng đến năm 2009 đã là 271 trường.

Với quy mô như hiện nay, thì đến năm 2012, tất các cơ sở đào tạo CNTT mới có thể cho ra trường được khoảng 273.000 sinh viên thuộc các hệ đại học và cao đẳng. Con số này còn quá thấp so với nhu cầu thực tiễn.

Thứ trưởng Trần Đức Lai chỉ đạo cần phải tập trung đào tạo nhân lực ngành CNTT 

Bên cạnh đó, chất lượng sinh viên ra trường hiện nay còn chưa đáp ứng hoàn toàn được nhu cầu đòi hỏi từ các doanh nghiệp. Qua khảo sát từ các doanh nghiệp thì có thể thấy sinh viên ngành CNTT mới ra trường đa phần đều có khả năng giao tiếp ở mức trung bình. Ngoài ra thì kỹ năng thuyết trình và tư duy độc lập khi làm việc còn yếu.

Thống kê của Bộ TT-TT cho thấy năm 2008 có khoảng 200.000 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam. Đến năm 2009, con số này đã tăng lên thành 226.300 người. Dự báo đến năm 2015, nhu cầu về nhân lực ngành CNTT có thể lên đến 554.000 lao động.

Như vậy, rõ ràng từ nay đến năm 2015, các cơ sở đào tạo sẽ cần bổ sung cho các doanh nghiệp lĩnh vực CNTT khoảng 344.000 người. Đây sẽ là áp lực rất lớn buộc các trường đại học, cao đẳng dạy nghề cần phải có chiến lược rõ ràng trong việc tăng cường đầu tư cho ngành CNTT.

Không chỉ ở trong nước, ngay trên toàn thế giới, nhu cầu về nhân lực ngành CNTT cũng là rất lớn. Theo số liệu của International IT Education Conference, năm 2010 thế giới thiếu khoảng 3 triệu lao động đạt trình độ đại học về CNTT. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên thành 10 triệu người.

Như vậy, việc thế giới đang rất thiếu nhân lực ngành CNTT cũng là cơ hội cho Việt Nam tham gia vào thị trường lao động CNTT quốc tế. Và vấn đề đầu ra cho 1 triệu lao động ngành CNTT là rất rõ nét nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đào tạo CNTT tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

Đâu sẽ là lời giải cho bài toán nhân lực ngành CNTT?

Thứ trưởng Trần Đức Lai chỉ đạo tại hội nghị: “Cần xã hội hóa ngành CNTT cũng như tăng cường đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT, góp phần nâng cao dân trí”.

Ngoài ra thì việc khuyến khích giảng dạy bằng tiếng Anh đối với các sinh viên CNTT tại các trường đại học, cao đẳng cũng sẽ được Bộ TT-TT hết sức ủng hộ.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, cần mở rộng thêm những loại hình đào tạo trực tuyến trên cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ngành CNTT.
Ông Phí Đắc Hải yêu cầu các cơ sở đào tạo CNTT cần phải cập nhật các tài liệu, giáo trình thường xuyên 

Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường đại học FPT gợi ý việc cần đưa ra những ưu đãi tài chính đối với người theo học CNTT nhằm giúp thu hút sự quan tâm và chú ý của nhân lực đối với ngành học này.

Ông Phí Đắc Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng CNTT Việt – Hàn cho biết “Chương trình đạo tạo CNTT cần phải được cập nhật thường xuyên và đáp ứng yêu cầu về khoa học công nghệ. Ngoài ra Bộ TT-TT cần tạo điều kiện liên kết giữa các trường, cụm trường theo khu vực trong lĩnh vực CNTT nhằm thực hiện mô hình đào tạo tập trung đối với sinh viên trong ngành”.

Đến với hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, ĐHQG-HCM cũng đưa ra ý kiến về việc các cơ sở đào tạo nên tạo điều kiện cho sinh viên ngành CNTT có cơ hội được học liên thông hoặc học song song nhiều chuyên ngành từ thấp đến cao. Ngoài ra thì đa phần sinh viên hiện nay khi mới ra trường đều rất bỡ ngỡ, các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề cũng cần tăng cường thêm những khóa huấn luyện kỹ năng mềm và có thêm nhiều những chương trình hướng nghiệp .

Là một người rất tâm huyết với ngành CNTT, tiến sỹ Nguyễn Văn Phát, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa đã đưa ra ý kiến về việc nên thành lập thêm một khối thi dành riêng cho thí sinh ngành CNTT. Theo đó, các môn dự thi có thể là Toán, Lý, Anh nhằm tạo định hướng tốt và giúp sinh viên có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình thi đầu vào. Khi học ngành CNTT, vốn tiếng Anh rất cần thiết để hòa nhập với nền công nghệ thế giới.

Trong phần kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp đã đánh giá rất cao thế mạnh của Việt Nam trong việc phát triển ngành CNTT-TT. Do vậy việc tập trung đào tạo nhân lực ngành CNTT là rất cần thiết bên cạnh việc gấp rút thành lập hiệp hội CNTT-TT.

Bài, ảnh: Hoàng Việt


Bình luận
vtcnews.vn