Thí điểm xe hợp đồng điện tử: Nên thích ứng thay vì cấm đoán

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Bảy, 22/04/2017 22:20:00 +07:00

Chúng ta cần đưa ra giải pháp chứ không thể không quản lý được thì cấm và điều quan trọng hiện nay là phải đưa họ vào loại nào, để vừa giúp họ phát triển, vừa đáo ứng yêu cầu quản lý.

Hoạt động của Uber thời gian qua đáp ứng được nhu cầu người dân và thể hiện được ưu điểm trước taxi truyền thống. Chính việc cho phép các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe tham gia chương trình thí điểm sẽ tạo tiền đề hành lang pháp lý để quản lý tốt hơn các đơn vị này.

Đó là quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trước các luồng quan điểm đa chiều từ phía đại diện một số cơ quan Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và quan điểm của người tiêu dùng trong suốt thời gian qua.

Hinh anh Thi diem xe hop dong dien tu: Nen thich ung thay vi cam doan

 Nên chăng cần tìm cách thích ứng thay vì cấm đoán những loại hình dịch vụ như Uber.

Ngày 16/4, Bộ Giao thông Vận tải đã ra quyết định tạm dừng đăng kí mới các hợp đồng xe điện tử đối với Uber và Grab trước sức ép dư luận từ phía đại diện hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lập trường và quan điểm của Bộ vẫn khá thống nhất và rõ ràng: ủng hộ việc thực hiện các đề án thí điểm dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ, người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp khác, từ đó tạo ra cơ sở để cân nhắc hình thức quản lý phù hợp nhất.

Bàn về việc Bộ Giao thông Vận tải thông qua đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử của Uber cũng như các công ty công nghệ khác, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà nội cho biết: “Hiện nay chúng tôi không thể kiểm soát nổi xe hợp đồng bằng điện tử dưới chín chỗ theo dạng taxi nên số lượng này tăng một cách chóng mặt… Vì vậy, chúng tôi đề nghị cho phép dừng mở rộng thí điểm trên địa bàn TP Hà nội, không bổ sung thêm các đơn vị và phương tiện tham gia thực hiện thí điểm. Đồng thời, xem xét rút ngắn thời gian thí điểm trong năm 2017 để đánh giá kết quả…”.

Cũng cùng quan điểm “không quản được” số lượng xe hợp đồng dưới chín chỗ tại TP.HCM, đại diện Sở GTVT TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP.HCM, cũng kiến nghị “xin ngừng” cấp phù hiệu và giấy phép đăng ký kinh doanh loại hình này “cho đến khi cơ quan chức năng ban hành quy hoạch về số lượng phương tiện để làm căn cứ thực hiện theo đúng số lượng quy hoạch trên địa bàn thì thực hiện”.  

Một câu hỏi đặt ra là Sở GTVT hiện đang quản lý các xe hợp đồng thông qua việc cấp phù hiệu hợp đồng, vậy việc số lượng phù hiệu xe hợp đồng được cấp vượt quá quy hoạch liệu có phải là trách nhiệm của doanh nghiệp hay của cơ quan quản lý?

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải, Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư Pháp) cho rằng, loại hình Uber và Grab có rất nhiều tiện lợi như giá rẻ, nhanh, an toàn và đặc biệt loại hình gọi xe này đã được xã hội thừa nhận. Như vậy, nếu cơ quan nhà nước tìm cách cấm cũng không được. Vấn đề ở đây là tìm các quản lý loại hình này về mọi mặt một cách hiệu quả để đảm bảo sự bình đẳng, không thất thu thuế và quyền lợi của hành khách.

“Các doanh nghiệp truyền thống hiện nay thường bảo mình “gánh” tới 13 điều kiện kinh doanh như: doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe.” Tuy nhiên, thực tế hiện nay có các doanh nghiệp taxi vẫn sử dụng hình thức góp xe và ông chủ chỉ là người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, từ câu chuyện của chúng ta về loại hình taxi truyền thống mà nói ông Uber, Grab phải có sở hữu xe là không đúng nữa” – ông Hải nói.

Chủ trì hội nghị sơ kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý và kết nối vận tải là một xu thế tất yếu đã được chấp nhận toàn cầu và là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Hội nhập kinh tế thế giới là cần thiết. Việt Nam đã và đang tham gia đầy đủ vào các công ước và hiệp ước quốc tế. Khi hội nhập thì tất yếu sẽ nảy sinh áp lực cạnh tranh, nên nếu chúng ta không tự đổi mới thì sẽ bị tụt hậu và bị loại ra khỏi cuộc chơi”, ông nói.  

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng việc các Sở GTVT không kiểm soát được hoạt động của các loại hình vận tải này cũng một phần xuất phát từ sự yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đồng ý tạm thời chưa cấp thêm cho đơn vị tham gia thí điểm. Nhưng trước mắt sau buổi họp này, các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm cần đánh giá tổng thể hoạt động của các loại xe hợp đồng và đề ra các giải pháp để từ đó Bộ GTVT có cơ sở để xem xét.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Chúng ta phải đưa ra giải pháp chứ không thể không quản lý được thì cấm. Hoạt động của Grab và Uber thời gian qua đáp ứng được nhu cầu người dân và thể hiện được ưu điểm trước taxi truyền thống. Chúng tôi ủng hộ ứng dụng công nghệ vào vận tải nhưng đề nghị các hãng phải đảm bảo minh bạch trong các nghĩa vụ thuế, đảm bảo cạnh tranh công bằng".

Bình luận
vtcnews.vn