Nghệ thuật đối phó quyền lực đen phòng thay đồ

Thể thaoThứ Năm, 15/12/2011 12:05:00 +07:00

(VTC News)-Vụ việc HLV Martin Jol công khai đối đầu với nhóm cầu thủ cộm cán ở Fulham khiến nhiều người thắc mắc về thứ gọi là ‘quyền lực đen’ phòng thay đồ.

(VTC News)-Vụ việc HLV Martin Jol công khai đối đầu với nhóm cầu thủ cộm cán ở Fulham một lần nữa khiến nhiều người thắc mắc về thứ gọi là ‘quyền lực đen’ trong phòng thay đồ.


 
Zamora là một trong số trụ cột bị 'đì' tại Fulham

Craven Cottage, sân vận động nhỏ bé nằm bên bờ sông Thames hiền hòa, đang bị đe dọa bởi những cơn sóng ngầm… 15 điểm sau 15 trận tại Premier League, cách nhóm ‘cầm đèn đỏ’ khoảng cách đúng bằng một trận thắng - chưa bao giờ kể từ sau triều đại Roy Hodgson, Fulham lại lâm vào tình cảnh khốn đốn như vậy. Nhưng đó chỉ là kết quả phản ánh bề nổi sự hỗn loạn và mất phương hướng của đội bóng thủ đô mùa giải năm nay. Rắc rối thực sự nằm bên trong phòng thay đồ.

Thông tin HLV trưởng Martin Jol không được lòng ‘nhóm quyền lực đen’ đã bị các cầu thủ âm thầm rỉ tai nhau sau những câu chuyện ngoài giờ tập. Cách chiến lược gia người Hà Lan siết quân luật hòng tạo dựng một triều đại mới được cho là thiếu khôn ngoan. Ông đày hai công thần Danny Murphy và Bobby Zamora lên băng ghế dự bị với lý do ‘xoay vòng lực lượng’ rồi sẵn sàng ‘trảm’ Andy Johnson khi tiền đạo này tịt ngòi một hai trận. Sự ngột ngạt càng tăng cao khi Jol biến Fulham trở thành một trại lính với một loạt quy định về giờ giấc ăn ngủ, tập luyện nghiêm ngặt.


Việc bằng mặt mà không bằng lòng giữa thầy trò Martin Jol lên đến đỉnh điểm khi ông đăng đàn nắn gân các cầu thủ: ‘một vài trụ cột không ưa gì tôi nhưng tôi sẽ không thay đổi quan điểm cũng như cách đối xử với họ’. Phát súng tuyên chiến của vị HLV 55 tuổi là rất rõ ràng: ‘chống lại ông chỉ có một kết cục!’.

Lịch sử không đứng về phía Jol

Nhìn lại những vụ lùm xùm trong phòng thay đồ giữa HLV và các cầu thủ xứ sương mù, Martin Jol có lý do để lo ngại. Hầu hết những ông thầy hiếu chiến muốn ‘một mình chống lại tất cả’ đều gặp thất bại thảm hại. Nhẹ thì đệ đơn từ chức, nặng thì nhận trát sa thải và bị ‘đá’ bay khỏi CLB.

Chẳng đâu xa, Roy Hodgson, người tiền nhiệm của Martin Jol, là tấm gương điển hình. Sau khi đưa Fulham lọt vào chung kết Europa League 2009-10, Hodgson hân hoan cập bến Liverpool với biết bao dự định và tham vọng. Tuy nhiên, đến thành phố cảng giữa lúc giao thời (The Kop chuyển quyền sở hữu và thay đổi chính sách phát triển) lại phạm sai lầm chết người khi ‘bơ’ Gerrard, Carragher, Hodgson nhanh chóng xếp hành lý khăn gói rời Anfield nhường chỗ cho Kenny Daglish.

Về nghệ thuật đắc nhân tâm, Jol phải học Jose nhiều!

Bảng thành tích ấn tượng hơn cả Hodgson, Juan de Ramos tới Tottenham năm 2007 với hy vọng tiếp nối thành công tại Sevilla (vô địch UEFA Cup 2 năm liền). Thế nhưng khởi đầu tệ hại nhất lịch sử ‘gà trống’ mùa 2008-09 – giành 2 điểm sau 8 trận – đã xóa nhòa công lao giúp đội bóng trụ hạng và giành League Cup của Ramos. Những nguồn tin rò rỉ sau khi Ramos bị chủ tịch Levy sa thải cho hay: HLV người Tây Ban Nha đã bị các học trò phản bội. Nhóm cầu thủ do Ledley King, Robbie Keane cầm đầu tỏ ra ‘ngứa mắt’ Ramos vì ông nhất quyết bảo lưu ý định bán Berbatov sang MU. Họ một mặt cố ý đá dưới sức một mặt gây sức ép với ban lãnh đạo đòi ‘trảm tướng’. Cho tới giờ, Ramos vẫn chưa hết sốc vì bị ‘đâm sau lưng’.

Đau xót nhất phải kể tới Felipe Scolari. Một năm làm việc tại Chelsea đã thực sự chôn vùi danh tiếng của HLV từng vô địch World Cup 2002. Không thể quản nổi những cá tính mạnh trong phòng thay đồ, Big Phil bị Ballack và các đồng đội đồng lòng ‘hất’ khỏi Stamford Bridge. Không những vậy, sự kính trọng dành cho ông bị suy giảm đáng kể với biệt danh ‘kẻ hám tiền thành London’…

Cứ nhìn Alex mà học


Để quản lý và dung hòa một tập thể với những cá tính lớn trong một đội bóng là điều không đơn giản. Biện pháp cứng rắn chỉ thực sự thu được hiệu quả ở những môi trường nhất định và tùy tình hình cụ thể. Nổi nóng như Sir Alex - người từng thẳng tay trừng trị thói ngôi sao của những David Beckham, Roy Keane, Nistelrooy - cũng có lúc phải xuống nước thuyết phục C.Ronaldo rồi Rooney ở lại MU. Và ngược lại, mềm mỏng tới mức dung túng như Wenger vẫn phải sử dụng đòn roi với các trường hợp ‘kiêu binh’ Samir Nasri hay Emanuel Adebayor.

Trong suốt thời gian nắm quyền, Wenger và Ferguson luôn biết cân bằng giữa đức trị và pháp trị.

Nhiều người sẽ tự hỏi tại sao Scolari và Mourinho cùng áp dụng kỷ luật thép tại Chelsea mà hình ảnh ra đi của họ trái ngược nhau đến thế. Sau lời từ biệt của Mou là tiếng khóc nức của Drogba, ánh mắt buồn bã của Lampard. Sau gương mặt thất thần cúi gằm từ Big Phil là điệu cười khẩy của Ballack, cái nháy mắt hả dạ của Terry.

Suy cho cùng, để kiến lập một triều đại lâu bền cỡ Alex Ferguson ở MU (25 năm) hay Arsene Wenger ở Arsenal (15 năm), hay ít ra nhận được sự nể phục như Mourinho, những nhà cầm quân cần sự kết hợp hài hòa giữa đức trị và pháp trị. Không phải ngẫu nhiên, Beckham, C.Ronaldo hay Nasri, Fabregas sau khi rời Old Trafford và Emirates đều gọi những người thầy của mình là ‘cha già’.

Nhiều người có thể yêu, có thể ghét Ferguson, Mourinho cũng như Wenger nhưng không ai dám coi thường họ. Đằng sau đó là nhân cách, tài năng, lối sống và nghệ thuật đắc nhân tâm. Ở điểm này, Martin Jol, Scolari, Hodgson… còn phải học nhiều và rất lâu nữa.

Hoài Thu

Bình luận
vtcnews.vn