Việt Nam sẽ có "đám cưới"... 2000 tỷ ?

Thể thaoThứ Ba, 06/03/2012 09:00:00 +07:00

Chi phí cho “đám cưới” ASIAD 2019 được dự trù là 120 triệu USD, tương đương 2.400 tỷ. Số tiền này chỉ bằng 1/10 kinh phí tổ chức ASIAD 16 mà Trung Quốc tổ chức

Câu chuyện về “siêu đám cưới” của con trai một đại gia ở Hà Tĩnh ngốn 50 tỷ tiền tổ chức cho đến giờ vẫn còn gây ra cơn sóng ồn ào. Thậm chí, nó còn được đẩy lên một bước nữa là người ta đã kịp thông tin: đôi vợ chồng trẻ sẽ ở căn biệt thự có giá 130 tỷ. Tính cả nhà và kinh phí cho đám cưới tương đương 10 triệu USD. Đúng là đáng nể.

Người thì cho rằng, đó là chuyện bình thường. Khi có tiền thì người ta có quyền, đơn giản vậy thôi. Hơn nữa còn đem lại niềm vui nho nhỏ cho những người dân ở Hương Sơn- Hà Tĩnh là được tận mắt chứng tiến những Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Quang Lê…hát trực tiếp.

Kẻ thì nói lãng phí, phô trương trong lúc đời sống nói chung còn nhiều khó khăn.

Cũng tùy vào quan điểm từng người.

Có vẻ như, người dân Việt Nam chuẩn bị được chứng kiến một “siêu đám cưới” khác. Đó là kế hoạch chuẩn bị đăng cai Đại hội thể thao Châu Á- ASIAD năm 2019. Gọi là “đám cưới” vì suy cho cùng cũng là những ngày hội, vui vẻ.

Chi phí cho “đám cưới” ASIAD 2019 được dự trù là 120 triệu USD, tương đương 2.400 tỷ. Số tiền này được cho là rẻ, ước tính chỉ bằng 1/10 kinh phí tổ chức ASIAD 16 mà Trung Quốc tổ chức năm 2010 ở Quảng Châu.

Thế thì đúng là rẻ thật, cũng chỉ gấp hơn 10 lần siêu đám cưới ở Hà Tĩnh vừa rồi, gấp 20 lần căn biệt thự mà đôi vợ chồng trẻ kia ở mà được đăng cai cái Đại hội to đùng.

Khác ở chỗ, nếu đám cưới ở Hà Tĩnh được tổ chức bằng tiền cá nhân thì chuyện “đám cưới” ASIAD có phần từ ngân sách, tức là dính đến thuế của dân ở đó.

Điều quan trọng nhất là nó có mang lại hạnh phúc hay không.

Niềm hạnh phúc hiếm hoi của thể thao Việt Nam ở đấu trường châu lục

Thể thao Việt Nam đã từng có đám cưới nhỏ hơn, là lần tổ chức SEA Games 22 năm 2002 hay Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà năm 2009. Kết quả là ở SEA Games 22, thể thao Việt Nam đứng nhất khu vực nhưng ở những lần sau đó, trở về đúng nguyên trạng của mình, là cố gắng cũng chỉ Top 3. 10 năm sau SEA Games 23, chưa có ai đánh giá lại giá trị sử dụng của các công trình thể thao phục vụ Đại hội có giá trị cả ngàn tỷ có thật sự mang lại lợi ích hay không.

Hay ở Indoor Games 2009, công trình quan trọng nhất là Cung điền kinh trong nhà ngốn hơn 500 tỷ- thực tế có thể hơn- nhưng rồi lại …để đó không hề được tổ chức thêm bất kỳ giải thi đấu nào. Thậm chí bây giờ đường chạy điền kinh được dỡ ra, thay vào đó người ta làm những sân quần vợt để…cho thuê.

120 triệu USD (mới chỉ là dự trù) cho ASIAD 2019 có thể là rẻ và một nửa trong số ấy sẽ dùng vào việc sân bóng bầu dục, bóng chày, hockey…những môn thể thao mà phần đông người Việt còn chưa hiểu là sẽ chơi thế nào? Nhiều khả năng phải phát triển các môn này thật rộng rãi để sau năm 2019, những công trình “triệu đô” có người chơi, chứ chẳng nhẽ xây xong chỉ dùng một lần rồi biến thành…bảo tàng?

Cũng may là chưa có dự án nào về việc đăng cai Olympic mùa đông, cho hoành tráng luôn một thể.

Thực ra, đăng cai ASIAD 2019 cũng có cái hay, chứ không phải đều dở.

Sẽ là tuyệt hay nếu vào cái năm ấy, kinh tế Việt Nam cũng là một đại gia, khoảng cách về giàu nghèo so với các nước trong khu vực được đo đúng bằng khoảng cách giàu nghèo của nữ đại gia họ Nguyễn với mặt bằng chung ở Hương Sơn- Hà Tĩnh.

Chứ bây giờ, tâm lý chung là …sợ đám cưới, cả người tổ chức lẫn người được mời, chứ nói gì đến “siêu đám cưới” 120 triệu USD!

Thái Hoàng (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn