VFF và “một vòng tiều tụy”

Thể thaoThứ Ba, 27/12/2011 12:45:00 +07:00

(VTC News) - Chả hiểu cái đứa nảo đứa nào hàm ý gì mà đặt tên vui cho ông Falko Goetz, HLV trưởng ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam là “Phắn Không Chết”.

(VTC News) - Chả hiểu cái đứa nảo đứa nào hàm ý gì mà đặt tên vui cho ông Falko Goetz, HLV trưởng ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam là “Phắn Không Chết”. Thật đấy, “Phắn Không Chết” còn được bôi đậm, ngay sau tên thật của ông, đăng tải hẳn trên Wikipedia.

1. Trước đó, tôi đã vài lần vào trang Bách khoa toàn thư mở này khi search tên ông trên google mà chả thấy cái tên vui “Phắn Không Chết” kia đâu. Đùng một cái, sau SEA Games 26, nó bỗng dưng xuất hiện lù lù.

Chính xác hơn “Phắn Không Chết” được “khai sinh” sau quyết định không sa thải ông của VFF. Và người nào đó có vẻ không lấy làm ưng lòng cho lắm đã chỉ mặt đặt tên mới cho ông. Cứ theo cái kiểu gọi ấy, hẳn người đặt tên muốn ông “phắn” lắm! Nhưng khổ nỗi, phận một người hâm mộ bóng đá ở Việt Nam bấy lâu nay, có bao nhiêu tiếng nói cũng chỉ là tiếng rơm trước quyền đá.

Đến thời thầy nội lên ngôi ? (Ảnh: Quang Minh)

Hôm qua ngồi search google cái tên Falko Goetz, một lần nữa dẫn vào Wikipedia. Kỳ lạ thay, “Phắn Không Chết” đã bị xóa. Dễ hiểu thôi, cái tên này không lấy gì làm lịch lãm cho lắm, quản trị trang có thể đã delete. Duyên đặng ở chỗ, nó bị loại ra khỏi Wikipedia đúng thời điểm “mạng” ông “Phắn không chết” được lệnh “khai từ” khỏi bóng đá Việt Nam.

2. Ông “Phắn Không Chết” ban đầu lỗi nhỏ như hạt cát trong thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games, bất ngờ cái lỗi phình to ú ụ đến mức phải sa thải.

Vẫn là chuyện ban đầu, lỗi to theo VFF, thuộc về cái “ông” có tên: V.League chứ không phải ông Phắn không chết”. Mà ô hay! Khi làm V.League cứ bảo mình là số 1 Đông Nam Á, rồi đến lúc vác quân ra Đông Nam Á thua bẽ mặt thì quay về đổ lỗi cho V.League. Nói thế, nhận mình số 1 có phải là sằng không?

Rồi thực tình có lý gì cho can kiểu lý giải, rằng: V.League đá bóng dài, có mấy anh Tây cao to không chiến tốt. Đội tuyển không có anh Tây nên không thể đá bóng như V.League, buộc phải đá bóng ngắn theo cách của Đội tuyển. Thế là thua!?

Một vòng tiều tụy (Ảnh: Quang Minh)

Nghe “mổ bệnh”, hay nói đúng hơn là đổ lỗi sao cứ thấy giông giống gậy ông đập lưng ông thế nào ý. Và một khi đã đổ tội cho V.League sao không dám nói thẳng, nó thật, nói nhiều hơn nữa đi. Nhân nào quả ấy. Chỉ mỗi chuyện anh Tây mà sinh ra đối lập bóng dài - bóng ngắn đâu có đủ.
 
Phải kể thêm là: Một V.League rối rắm với hàng trăm thứ bệnh sẽ sinh ra một Đội tuyển rối rắm mang nguyên triệu chứng của V.League. Một V.League với chất lượng chuyên môn đi xuống sẽ sinh ra một Đội tuyển có chất lượng đi xuống. Một V.League cải lương với hàng tá nghi ngờ nhường nhịn sẽ sinh ra một Đội tuyển cải lương cũng bị nghi ngờ bán độ. Một V.League chưa đủ công bằng, chưa đậm màu danh dự CLB để hình thành tính cách bảo vệ đến cùng sẽ sinh ra một tinh thần Đội tuyển buông áo như đá với U23 Myanmar. Một V.League hứng lên là thưởng, không thưởng không đá sẽ sinh ra một đội tuyển cũng hứng lên là thưởng, không thưởng khó đá. Một V.League được coi là miếng bánh béo thơm khó lòng buông nhả, bất chấp nó đầy sạn và tai tiếng sẽ sinh ra một Đội tuyển được coi là miếng danh để cố vị…

Ôi, đến đây thì thương cho ông “Phắn Không Chết” bởi lỗi của ông đúng là nhỏ quá và ông còn đáng ngồi lại hơn khối người.

À, nhắc chuyện “ngồi lại” còn có chuyện mới toanh. Chuyện ông Tổng thư ký VFF với cái lá đơn xin từ chức. VFF hôm 22/12 hội nghị và không chấp thuận lá đơn của ông, quyết giữ ông ở lại, thay vào đó là “trảm” ông “Phắn không chết”. Chuyện đến tai dư luận, dư luận “ném đá” ầm ầm. Cuối cùng phải chấp nhận cho ông Tổng thư ký toại nguyện.

3. Tiếp hứng cái chuyện nhân quả đang nói dở ở trên, chợt nhớ SEA Games 25 bên Lào, một đồng nghiệp được tòa soạn giao mỗi ngày viết một lá thư tâm sự về cuộc sống của người Viêng Chăn bên lề SEA Games. Một hôm, đêm nằm anh để ý, nghe mãi chả thấy tiếng con chó Lào nào sủa. Thế là sớm dậy, anh chắp bút ngay lá thư. Đại loại anh nêu, chó bên Lào ít sủa hơn chó ở Việt Nam.

Giới truyền thông đã chỉ ra rất nhiều sai lầm của VFF nhưng cái mà họ nhận được chỉ là thái độ bao che, trốn tránh (Ảnh: Quang Minh)

Ban đầu nghe thấy thế, nhiều người cứ phản đối lá thứ của anh. Nhưng rồi cuối cùng tất cả phải gật đầu tán đồng trước lý giải: Con chó được nuôi trong nhà, nó chịu ảnh hưởng rất lớn từ bầu không khí sinh hoạt nơi nó sống. Viêng Chăn không ồn ào, náo nhiệt như ở Hà Nội, Sài Gòn nên tiếng chó sủa cũng vãn hơn là vậy.

Đấy, không quan hệ nhân quả thì là gì? Phản ánh không khí yên ắng của một nơi không bắt đầu từ lắng nghe thì từ đâu?

Đôi khi biết lắng nghe có thể nhận ra nhiều giá trị. Đằng này ở bóng đá Việt, có nhiều người cứ giả mù giải điếc, đổ lỗi loanh quanh. Bóng đá ta bao năm qua có nhiều căn bệnh, trong đó bệnh đổ lỗi đã thành kinh niên. Biết là chẳng chết ai nhưng thực tình nguy hiểm. Nó giống như một đứa trẻ ngã, song bà mẹ lại đánh chừa chỗ đất làm con mình ngã; một đứa trẻ học dốt bố mẹ nghĩ thầy cô không nâng đỡ, khiến đứa con đinh ninh mình vô tội...

Các nhà tâm lý học, giáo dục học chỉ ra rằng, con người chỉ tiến bộ khi sau mỗi vụ việc biết nhận ra một phần hay hoàn toàn trách nhiệm ở bản thân để có thể cố gắng khắc phục, vươn lên. Khi nào con người còn chưa nhận ra, chưa chịu nhận ra giá trị đích thực và dũng cảm thừa nhận sai lầm đã mắc phải, khi ấy mẹ thành công còn tìm khướt!

4. Cuối năm mệt mỏi cùng bóng đá Việt và ngoảnh nhìn càng thêm mỏi mệt. Vừa tìm cách dừng lại để ru lòng trong “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn thì bắt gặp ngay những ca từ được viết lên trên nền cảm hứng trở về sau những cuộc ra đi ngỡ đã trăm năm. Đâu đó tôi như thấy bóng dáng người nghệ sĩ gầy gò, đeo cặp kính gọng tròn to thuở nào, khổ não nhận ra mình vừa đi đúng một vòng loanh quanh, mỏi mệt.

Giả sử bây giờ, người nghệ sĩ ấy chưa mất và đi lạc vào bóng đá Việt Nam, chứng kiến tất cả những gì đã diễn ra, có lẽ ông vẫn phải ngân lên câu hát quen: “Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy. Một bờ cỏ non, một bờ mộng mị, ngày xưa…”

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn