Thịt lợn và bóng đá: Cái gì lên, cái gì xuống?

Thể thaoThứ Tư, 20/07/2011 09:53:00 +07:00

Ngồi cafe sáng, có ông bạn buông một câu: “Thời buổi giá vàng tăng cao quá, nhưng suy cho cùng chỉ người có vàng hoặc định có vàng quan tâm...

Ngồi cafe sáng, có ông bạn buông một câu: “Thời buổi giá vàng tăng cao quá, nhưng suy cho cùng chỉ người có vàng hoặc định có vàng quan tâm. Cái lo ngại là chuyện thịt lợn tăng kia kìa...”.

Thịt lợn, thứ thịt ăn hàng ngày đúng là có ảnh hưởng kinh thật. Cỡ hơn 20 năm trước, họa chăng Tết mới cảm nhận được hương vị thật là thịt lợn. Con lợn ngả ra, cả khu tập thể nháo nhác, rồi cũng có tí thịt, tí xương thậm chí có cả tí lòng.

Rồi khá hơn, thịt lợn trở thành bình thường cho đến khi nó bắt đầu... tăng giá!

Đúng là thịt lợn quan trọng hơn vàng, vua Midas chạm đâu cũng biến thành vàng cuối cùng cũng phải chết nhăn răng vì đói.

Thế mới thấy nhu cầu để tồn tại trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cao hơn nhu cầu hưởng thụ.

Thực tế có thể thấy ngay trong bóng đá, một giải đấu có 14 đội nhưng cùng lắm cũng chỉ có 1-2 đội hô quyết tâm... lấy vàng. Còn tất cả trụ lại và tồn tại là được rồi.

"Tướng" Dũng một lần nữa phải rời đất Cảng (Ảnh: Quang Minh)

Có vẻ là nghịch lý nhưng trong môi trường bóng đá phức tạp, ham vàng bỏ... bạn thì có thể mùa sau chẳng có cháo mà ăn. Bây giờ không có cái gọi là bán mua nhưng vẫn tồn tại những giao dịch ngầm mang tên quan hệ hay tình cảm.

Bóng đá Việt Nam chưa và có thể không bao giờ hết những thứ đó. Vì vậy cuộc đua trụ hạng lúc nào cũng căng thẳng ngoắt nghéo hơn việc đoạt chức vô địch.

Chuyện ông Hải ông Dũng “văng” khỏi ghế cho thấy sự tan nhẫn của bóng đá nhưng có thể nó chỉ là một trang với cả ngàn con tính. Thanh Hóa đã trụ hạng, với họ thế là đủ. V.Hải Phòng đang lâm nguy nhưng họ cần một lời giải khác với tính cách của ông Dũng, tức là cần một người không thực sự quá hay về chuyên môn nhưng có thể “xuyên tường”.

Thời buổi này đem chuyện thịt lợn so sánh với bóng đá, nhiều người cho rằng làm thế xúc phạm... thịt lợn.

Bởi suy cho cùng, V.League còn phải làm nhiều hơn nữa để NHM cảm thấy cần như một thứ thiết yếu đối với cuộc sống thay vì những trận đấu ma, với rất nhiều dấu hỏi như đuổi khách.

Cái giá của bóng đá không phải việc các ông chủ đổ vào đó bao nhiêu tiền mà chính là nó tác động đến mỗi NHM đến đâu.

Bây giờ lại hỏi “thịt lợn lên – cái gì xuống?” thì mỗi người đã có cho mình một câu trả lời.

Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn