ĐTVN: Thua Philippines mà không phải thua Philippines

Thể thaoThứ Hai, 06/12/2010 01:44:00 +07:00

(VTC News) - ĐTVN thua Philippines chỉ được coi là bất ngờ nếu xét về lịch sử. Còn hiện tại, ĐTQG lâu đời nhất châu Á đã trỗi dậy nhờ ngoại binh hùng hậu.

(VTC News) - ĐTVN đã lại khiến người hâm mộ bất an sau thất bại 0-2 trước đội bóng được cho là dưới cơ Philippines. Đó có phải là một bất ngờ? Cũng giống như Indonesia, sự trỗi dậy của đội bóng “em út” này cũng có sự góp sức lớn từ lực lượng ngoại binh chất lượng.

Thậm chí, có thể nói rằng chính sách sử dụng ngoại binh nhập tịch của Phillippines còn hơn hẳn Indonesia về mặt số lượng cũng như chất lượng.

Trong số 22 người được ông thầy người Anh Simon McMenemy triệu tập lần này có tới 10 cầu thủ được sinh ra ở ngoài lãnh thổ Philippines và 7 người trong đó mang 2 quốc tịch, chủ yếu là quốc tịch Anh. Lực lượng này có mặt ở cả 4 tuyến: tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ và thủ môn. Hơn nữa, tuyệt đại đa số các ngoại binh đều được xếp vào đội hình xuất phát của Phillippines.

ĐTVN có phải đã thua một Philippines "chính hiệu", khi mà trên bức ảnh này, tất cả Neil Etheridge (1), Rob Gier (2), Anton del Rosario (4 ), Roel Gener (6) đều là “ngoại binh”? (Ảnh: Quang Minh)


Ở hàng thủ, Philippines có 5 cái tên sinh ra tại nước ngoài. Trong số đó đáng kể nhất là thủ thành 20 tuổi Neil Etheridge, người đang là thủ môn số 3 của Fulham tại Premier League. Etheridge có mẹ là người Philippines và bắt đầu sự nghiệp khi gia nhập học viện đào tạo trẻ của Chelsea cách đây 7 năm. Tại đây anh cùng đánh bạn với anh em nhà Younghusband, những người hiện đang là đồng đội trong màu áo ĐTQG Philippines. Ngạc nhiên là, vị trí ban đầu của Etheridge là tiền đạo cho đến khi HLV yêu cầu anh chuyển sang vị trí mới.

Rob Gier (Anh) và Ray Anthony Jonsson (Iceland) đều là những cầu thủ được lên tuyển trong khoảng 1 năm trở lại đây, trong khi hậu vệ phải Anton del Rosario và trung vệ đội trưởng Alexander Borromeo đều được sinh ra tại California, Mỹ nhưng đã bỏ quốc tịch Mỹ và hiện đang thi đấu tại CLB Kaya của giải VĐQG Philippines.

Tấn Tài nhỏ con bị kẹp giữa 2 cầu thủ “ngoại binh” to con Ray Anthony Pepito Jonsson (trái) và Alexander Charles Luis Borromeo (phải). (Ảnh: Quang Minh)


Hàng tiền vệ có 4 ngoại binh nhập tịch và tất cả đều mang 2 quốc tịch. Trong đó James Younghusband có 10 năm học việc ở đội trẻ Chelsea, Jason de Jong đang chơi ở giải hạng 2 Hà Lan, Mark Drinkuth thi đấu ở Bundesliga B (hạng 2 Đức), còn người mở tỷ số vào lưới ĐTVN Christopher Greatwich cũng sinh ra tại Anh và hiện đang chơi bóng ở Mỹ.

Philippines có thêm 1 tiền đạo ngoại nhập, đó là em trai của James Younghusband, Phil Younghusband. Phil cũng từng thi đấu cho các đội trẻ của Chelsea từ năm lên 9 cho đến khi hết hợp đồng vào năm 2008. Giống với người anh James, hiện tại Phil không thi đấu chuyên nghiệp cho bất kỳ CLB nào, nghề nghiệp hiện tại của anh là... diễn viên và người mẫu.

10 trong số 22 tuyển thủ Philippines sinh ra tại nước ngoài.

Phần lớn trong số các ngoại binh có mặt trong thành phần tham dự AFF Suzuki Cup 2010 của Philippines sinh ra tại Anh (7 người) chủ yếu nhờ sự ưu tiên của HLV Simon McMenemy, người từng là trợ lý HLV khi còn làm việc ở Anh. Đây là cơ sở để xây dựng lối chơi bóng bổng kiểu Anh đặc trưng, khi các cầu thủ nhập tịch có chiều cao trung bình 1m80, rất lợi thế trong các pha không chiến so với vóc dáng của các cầu thủ Đông Nam Á nói chung.

Đáng nói là không ít cầu thủ trong số này đã đến với ĐTQG thông qua những đặc phái viên bí mật của liên đoàn bóng đá nước này, những người có mặt ở rất nhiều nước để theo dõi các cầu thủ có dòng máu Philippines đang thi đấu. Trường hợp của anh em nhà Younghusband là một ví dụ, họ được phát hiện vào năm 2005 và ngay lập tức nhận được triệu tập để tham dự SEA Games 23 tại Philippines. Cách làm này đã được thực hiện trong gần 10 năm qua và đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt.

Thất bại có vẻ bất ngờ của ĐTVN thực ra hoàn toàn có thể lý giải.

Bất chấp việc là nước có ĐTQG ra đời sớm nhất trong lịch sử bóng đá châu Á, Philippines đã trải qua một giai đoạn chìm trong bóng tối do không giành được bất cứ kết quả khả quan nào ở đấu trường quốc tế và có lúc suýt văng ra khỏi top 200 trên BXH FIFA. Nhưng biết đâu Philippines sẽ sớm trở thành một thế lực mạnh ở Đông Nam Á nhờ vào lực lượng "lính lê dương" của mình?

Có lẽ không nên trách các cầu thủ của chúng ta quá nhiều sau trận thua được coi là bất ngờ vừa rồi. Đơn giản là họ đã gặp phải những đối thủ to lớn hơn rất nhiều và được đào tạo bài bản từ những quốc gia có nền bóng đá phát triển hơn chứ không phải một Philippines "chính gốc".

Chính thầy Tô cũng từng nói trong buổi họp báo trước giải, “cầu thủ Việt Nam nhỏ con quá”.

Bởi vậy, có thể nói, ĐTVN thua Philippines mà không phải thua Philippines, bởi cái đội bóng chỉ toàn thua ĐTVN cho tới trước ngày 5/12/2010 nay đã lột xác hoàn toàn nhờ đón nhận những luồng gió mới. Đó cũng là một vấn đề đáng suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam, khi mà chúng ta hoàn toàn không sử dụng một cầu thủ nhập tịch nào tại giải đấu lần này.

Hoàng Quân
Bình luận
vtcnews.vn