Mourinho - Ferguson: Ai dụng binh tài hơn?

Thể thaoThứ Năm, 03/06/2010 08:13:00 +07:00

(VTC News) - Thật khó để nói Mourinho và Ferguson, ai xuất sắc hơn. Cần phải so sánh trên nhiều tiêu chí, đầu tiên là ở cách dụng binh của 2 chiến lược gia này.

(VTC News) - Sẽ thật khó để đưa ra một kết luận chuẩn xác, rằng giữa Mourinho và Ferguson, ai là HLV xuất sắc hơn. Bởi vậy, cần phải so sánh trên nhiều tiêu chí, đầu tiên là ở cách dụng binh của 2 chiến lược gia lão luyện này.

Trước khi làm HLV cho các CLB lớn, cả Jose Mourinho và Alex Ferguson đã có quãng thời gian làm việc tại các đội bóng ít danh tiếng ở quê nhà, như East Stirlingshire, St.Mirren với Fergie hay U.D. Leiria với Mou. Nhưng chính những nơi này đã “ươm mầm” cho triết lý bóng đá, mô hình chiến thuật cùng cách “dụng binh” của Mourinho và Ferguson.

Từ triết lý bóng đá…

Thời Xuân Thu - Chiến quốc, Mạnh Tử đúc kết: “Nhân chi sơ tính bản thiện” (con người sinh ra đã bản chất lương thiện). Ngược lại, Tuân Tử nhấn mạnh: “Nhân chi sơ tính bản ác” (con người sinh ra đã là ác). Đến nay câu trả lời vẫn bỏ ngỏ. Song có thể khẳng định mỗi con người luôn có một đặc tính riêng không thể pha lẫn với người khác.

Mourinho - Ferguson đại cho hai triết lý bóng đá khác nhau.

Vận vào đó, đồng thời xâu chuỗi lại các trận đấu kể từ khi Mourinho và Ferguson bắt đầu khởi nghiệp huấn luyện cho đến nay có thể đưa ra kết luận: triết lý bóng đá của hai con người vĩ đại này gần như hoàn toàn đối lập nhau.

Mourinho - Ferguson: Ai là người xuất sắc nhất?


“Người đặc biệt” đề cao tính thực dụng, lấy phòng thủ làm cốt lõi. Hay nói theo quan điểm của những người yêu bóng đá vị nghệ thuật, triết lý bóng đá của chiến lược gia người Bồ chủ yếu coi trọng phá bóng hơn là chơi bóng. Nó còn được hiểu nôm na với cụm từ phản bóng đá.Trong khi đó, “Ông già gân” lại lấy lối đá cống hiến mang đậm phong cách truyền thống của bóng đá Anh làm “kim chỉ nam” cho mọi hành động.

Dĩ nhiên, trước sự biến động của thời gian và từng thời điểm của một trận đấu, cả Ferguson và Mourinho đều có thể chuyển hóa rất linh hoạt giữa hai yếu tố thủ và công. Nhưng họ vẫn giữ được cái bản sắc riêng trong triết lý bóng đá của mình. Có “chết” họ cũng chẳng thay đổi, kể cả điểm mạnh hay điểm yếu như tuyên bố đầy hùng hồn của Jose Mourino khi vừa đặt chân đến Real Madrid cách đây vài hôm.

Tuy vậy, dù triết lý bóng đá có thâm hậu, có hay đến mấy nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây, cả Ferguson và Mourinho có thể bị liệt vào danh sách những vị HLV “cáo già trên lý thuyết, gà tơ trong thực tế”. Vì thế, muốn làm nên những điều lớn lao họ buộc phải mạo hiểm vận dụng triết lý bóng đá của mình vào từng trận đấu, từng giải đấu. Nói một cách khác, triết lý bóng đá của hai chiến lược gia vị đại này sẽ được biểu hiện rõ nhất ở chiến thuật và cách tổ chức con người vào trận đấu.

… Chiến thuật

Giống như trong đánh trận, chiến thuật bóng đá có thể hiểu là nghệ thuật tổ chức trận đấu để hướng đến mục tiêu chung nhất: chiến thắng. Vậy nên mới sinh ra cái gọi là sơ đồ chiến thuật hay đội hình thi đấu 4-4-2, 4-3-3, 4-5-1, 4-2-3-1, v.v… Trên những cái khung chiến thuật ấy, Mourinho và Ferguson bắt đầu chuyển hóa triết lý bóng đá của mình vào để biến cái bị gọi là lý thuyết thành thực tế sinh động trên sân cỏ.

"Muốn chiến thắng phải biết gây áp lực lên đối thủ".

Phương châm bước vào trận đấu của Jose Mourinho là “chiến thắng đâu cần phải bắn phá và làm khổ khung thành đối phương”. Cho nên: "Để chiến thắng, cần tạo nhiều áp lực lên đối thủ, đồng phải kiểm soát được mọi tình huống có thể diễn ra, chiếm lĩnh khoảng trống cũng như kiểm soát chính bản thân ở trên sân". Còn khi đội nhà phải chịu lép vế: “Một đội bóng tạo ra áp lực đối với bạn, tốt nhất hãy giăng ra một ma trận để chơi lại họ”.

Với Alex Ferguson, trước giờ xung trận, ông có thể nói rất nhiều về chuyện trọng tài, thậm chí chỉ trích rất cay nghiệt HLV của đối phương. Song “máy sấy tóc” ít khi nói về việc cầu thủ phải đá thế nào, tấn công ra sao. Đơn giản vì kiểu đá “chạy và sút” theo sơ đồ chiến thuật 4-4-2 đã ngấm vào não tư duy của ông.
Vấn đề còn lại ở chỗ các cầu thủ sẽ thực hiện triết lý bóng đá và chiến thuật của HLV như thế nào trên sân bóng. Chính ở công đoạn này, tài dùng người của Mourinho và Ferguson mới bắt đầu bộc lộ rõ nhất.

… Đến “một bàn thắng, ba điểm, thế là đủ” của Mourinho

Vì đề cao lối đá phòng thủ phản công nên những cầu thủ có thể lực sung mãn, có sức càn lướt, không ngại va chạm trong các pha đấu tay đôi luôn được Jose Mourinho tin dùng. Còn những ai thích đi bộ và thi đấu vật vờ trên sân thì xin mời lên băng ghế dự bị hoặc bị bán tống bán tháo khỏi CLB.

Thời ở Porto Mourinho đã rất thành công với Machine, Costinha, Derlei và Mc Cathy. Những cầu thủ này không nổi trội về mặt kỹ thuật, nhưng bù lại họ có tinh thần chiến đấu máu lửa để vừa giúp Porto giữ vững được thế trận, đồng thời gây được áp lực khó chịu lên đối phương, đặc biệt khi đội nhà đã dẫn bàn.

Đến Chelsea và Inter Milan, chiến lược gia người Bồ lại có trong tay những cầu thủ đẳng cấp thế giới như Makelele, Essien, Lampard, Drogba, Thiago Motta, Zanetti, Maicon, Milito, Cambiasso. Và dưới sự “nhào nặn” tài ba của ông các cầu thủ này luôn thi đấu như những chiến binh thực thụ. Họ chính là biểu hiện tập trung nhất cho độ lỳ, độ quoái cùng phẩm chất và bản lĩnh của một đội bóng lớn ở vào những thời điểm khó khăn.

Lampard, Milito,những chiến binh thực thụ của Mourinho.

Bên cạnh đó, một điểm đặc biệt khác trong cách “dụng binh” của Mourinho mà nhiều người có thể nhận ra, đó là việc ông luôn tìm cách liên lạc với các cầu thủ trong khi họ đang thi đấu. Hồi còn ở Chelsea, mỗi khi trọng tài ngưng trận đấu, Jose Mourinho thường đưa cho John Terry một mẫu giấy nhỏ trong đó có ghi nội dung chỉ đạo phải thi đấu như thế nào để phù hợp với các phút tiếp theo cho đến khi hết trận.

Thậm chí, kể cả khi phải ngồi trên khán đài, thông qua người trợ lý, Jose Mourinho vẫn có thể tác động đến tâm lý thi đấu của các học trò. Hãy xem những dòng tin nhắn thời “Người đặc biệt” còn dẫn dắt Porto sẽ rõ. “Nói với Deco ngay là tôi đang xem anh ta thi đấu. Cậu ấy nên bớt đá rờm rà đi. Câu giờ bằng cách gây áp lực trọng tài biên. Cho người ra khởi động để để gây ra sự mất tập trung của đối phương. Nhanh.”

Chỉ chừng ấy thôi đã đủ chứng minh cách dụng binh của Mourinho có độ tinh quoái đến mức nào. Ấy vậy nên, nhiều người không quá bất ngờ khi đội bóng của Mourinho đang thắng thì lập tức trên sân có một số cầu thủ bỗng dưng nằm lăn lóc, ôm đầu, ôm chân trông rất đau đớn. Còn đối phương điên tiết lên vì thời gian của trận đấu đang trôi về những phút cuối.

… Tinh thần hiệp sĩ và chiếc khiên vững của Ngài Ferguson

Trái ngược với Mourinho, Ferguson thường ưa sử dụng những cầu thủ có kỹ thuật tốt, có lối chơi ngẫu hứng, có tốc độ cực cao để tấn công đối phương ở hai biên. Ở hàng tiền đạo, “máy sấy tóc” tin dùng mẫu cầu thủ có khả năng chớp thời cơ, và tất nhiên là phải chơi đầu cực tốt để phù hợp phong cách của bóng đá Anh truyền thống.

Vì thế, MU luôn chơi cống hiến theo đúng tinh thần hiệp sĩ để đưa đến cho khán giả nhiều trận cầu đẹp mắt, và cả tính hiệu quả ở số bàn thắng mà Quỷ Đỏ ghi được ở mỗi trận đấu. Nó trái hẳn với triết lý của Mourinho: “một bàn thắng, ba điểm, thế là đủ”.

Ferguson, con người của những danh hiệu.

Tuy nhiên, với lối đá đó, MU chỉ thực sự làm mưa làm gió ở Premier League trong quảng thời gian 1992-1997, chứ ra đấu trường Champions League, khi gặp phải những đội bóng có lối đá thực dụng như Borussia Dortmund hay Juventus, đội bóng của “máy sấy tóc” vẫn như một anh học việc, dù trong đội hình luôn có những hảo thủ như Cantona, Kanchelskis, Mark Hughes, Roy Keane.

Tình hình buộc ngài Alex Ferguson phải thay đổi tư duy bóng đá. Mùa Hè năm 1998, “ông già gân” quyết định làm cuộc cách mạng ở hàng thủ khi tung ra gần 11 triệu bảng để biến Jaap Stam của PSV Eindhoven trở thành hậu vệ có giá trị chuyển nhượng đắt nhất trong lịch sử bóng đá Hà Lan.

Không lâu sau khi gia nhập Quỷ Đỏ, Stam trở thành “hòn đá tảng” vững chắc che chắn cho khung gỗ của MU, tạo điều kiện để tuyến trên an tâm “nhảy múa”. Và cùng với thế hệ vàng Beckham, Scholes, Giggs, anh em nhà Neville, MU đã làm nên “cú ăn ba” lịch sử mùa bóng 1998/99.

Từ thời điểm này, ngài Alex Ferguson đã bắt đầu có cái nhìn sâu hơn về vai trò của hàng thủ trong sự gắn kết với các tuyến. Năm 2002, ông tiếp tục bỏ ra 33 triệu bảng để chiêu mộ trung vệ Rio Ferdinand từ Leeds United. Tiếp đó các “máy cày” lần lượt xuất hiện tại Old Trafford sau khi Roy Keane ra đi.

Vì thế, cách dụng binh của Alex Ferguson trong những năm đầu của thế kỷ 21 không còn đơn thuần theo tinh thần hiệp sĩ như trước, thay vào đó đã bắt đầu có yếu tố thực dụng len lỏi vào như người hiệp sĩ cần phải có thêm chiếc khiên vững chắc trong quá trình tìm kiếm đối thủ xứng tầm.

Cantona, cầu thủ giúp Ferguson thực hiện triết lý bóng đá tấn công.

Đỉnh cao nhất của sự kết hợp này có lẽ là ở mùa bóng 2007/08 khi MU lần lượt vượt qua Barcelona và Chelsea để lên ngôi vô địch Champions League.

Điểm tương đồng và những cuộc đối đầu trực tiếp

Điểm tương đồng giữa Mourinho và Ferguson trong cách “điều binh khiển tướng” có lẽ là họ rất thuần thục trong việc sử dụng “cây gậy và củ cà rốt” đối với các cầu thủ. Cả hai đều rất chiều cầu thủ nhưng một khi cần “thiết quân luật” thì họ làm đến cùng, bất kể ai. Vì thế, trong não tư duy của Mourinho và Ferguson không có cầu thủ không bị thay thế. Tất cả đều có chỗ ở băng ghế dự bị nếu HLV thấy cần thiết phải làm thế.

Thế nên, Beckham phải ngậm ngùi trời Old Trafford với vết rách trên mí mắt bắt nguồn từ chính chiếc giày của Ferguson. Trước đó, Jaap Stam bị đẩy sang Italia vì cái tội dám đối đầu với Ferguson trong cuốn tự truyện có nhân đề “Đối đầu”. Trong khi Mourinho sẵn sàng đày ải Shevchenko lên băng ghế dự bị, cho dù tiền đạo người Ukraina là “cục cưng” của ngài Abramvovich. Còn mới đây, “Người đặc biệt” đã trị ải da “nghịch tử” Balotelli.

Trong quá khứ, mỗi lần Mourinho và Ferguson đối đầu trực tiếp với nhau luôn đưa lại nhiều cung bậc cảm xúc cho giới túc cầu. Tính trên tất cả các mặt trận, Mourinho và Ferguson đã giáp mặt nhau tổng cộng 14 lần, trong đó “máy sấy tóc” chỉ thắng được 3 trận, còn lại hòa 6 và bại 5.

Như vậy, nếu dựa vào con số thông kê đã chỉ ra thì cán cân đo lường tài dụng binh đang nghiêng về phía Jose Mourinho. Nhưng đó không phải là tất cả để nói lên ai mới là số 1, bởi để đánh giá một đội bóng hay một HLV vĩ đại cần dựa trên nhiều chỉ tiêu tổng hợp khác.

Song Mai

* Đón đọc Kỳ 3: Mourinho - Ferguson: Ai mới là người bản lĩnh hơn?

Mời các bạn cùng gửi bình luận cho VTC News để tiếp tục bàn về chủ đề: Ferguson xuất sắc hơn hay Mourinho vĩ đại hơn. Hãy nêu ý kiến của bạn bằng cách gửi phản hồi qua hộp thảo luận cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu)! Trân trọng!


Bình luận
vtcnews.vn