"Bầu" Đức đi kiện: Kém cỏi hay thông minh?

Kinh tếThứ Ba, 12/10/2010 01:15:00 +07:00

(VTC News) – Có DN cho rằng việc "bầu" Đức đi kiện Sở Tài chính Lâm Đồng là yếu kém về đối ngoại; nhưng lại có ý kiến khẳng định làm vậy là thông minh.

(VTC News) - Theo nhận định của một số doanh nghiệp, việc ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) kiện Sở Tài chính Lâm Đồng là hành động không hay, có thể ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Ngược lại, có doanh nghiệp cho rằng nếu xác định mình đúng, trong trường hợp tương tự thì họ cũng sẽ kiện.

Ngày 13/9 vừa qua, Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch đã chính thức nộp đơn lên Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khởi kiện Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng - cơ quan thay mặt UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết hợp đồng kinh tế với HAGL.

Lý do khởi kiện, theo người đứng đầu tập đoàn HAGL, là Sở Tài chính đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng thuê tài sản trên đất đã ký với doanh nghiệp này, gây tổn hại uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Một trong những khu biệt thự của "bầu" Đức.

Nhìn nhận về vấn đề này, trong cuộc trao đổi với phóng viên VTC News, ông Vũ Dương Bình - Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Công ty cổ phần tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình nói: “Một doanh nghiệp nếu muốn phát triển thì rất cần đến sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương. Việc HAGL kiện Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng theo tôi là hành động không được hay, và có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp. Những địa phương khác cũng sẽ ngần ngại khi triển khai dự án với HAGL".

"Sự việc này dù bên nào sai thì phần thua thiệt vẫn là doanh nghiệp. Do vậy, theo tôi, ngay từ đầu nên tránh đưa vụ việc ra dư luận. Tốt nhất hai bên nên ngồi thương lượng, đàm phán theo hướng cả 2 cùng có lợi. Tôi tin HAGL không thể có sự phát triển như ngày nay nếu không có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Vậy thì, trước khi đưa ra kiện cáo, sao doanh nghiệp không cân nhắc những cái được và cái mất nếu vụ việc rùm beng"?

"Quan điểm của tôi là doanh nghiệp nên hết sức thận trọng để có quyết định chính xác và nỗ lực thực hiện khi dự án được cấp phép. Chỉ đến khi không thể thương lượng mới phải đưa vụ việc đến tòa án” - ông Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Vũ Dương Bình, ông Nguyễn Duy Khoa - GĐ Công ty TNHH Bắc Hà- cho rằng, trường hợp của “bầu” Đức là trường hợp xấu đối với doanh nghiệp.

“Một doanh nghiệp lớn, có thương hiệu như HAGL mà để xảy ra chuyện ầm ĩ với chính quyền sở tại như vậy cho thấy doanh nghiệp kém về mặt đối ngoại. Với một doanh nghiệp như HAGL, một vài tỷ đồng là con số quá nhỏ. Do vậy, dù muốn hay không muốn thì việc va chạm với cấp quản lý địa phương là không nên. Kể cả trong trường hợp UBND tỉnh Lâm Đồng sai thì “bầu” Đức cũng không nên làm ầm ĩ".

"Đối với các doanh nghiệp lớn, tối kị chuyện kiện cáo, đặc biệt là kiện cáo cơ quan quản lý. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp cân nhắc hơn, thiệt, được, mất thì không bao giờ ứng xử như thế mà nên có một kênh giải quyết êm thấm chứ không phải là đưa vụ việc ra dư luận".

"Việc chủ doanh nghiệp cung cấp thông tin tới phóng viên của các hãng thông tấn như vừa qua sẽ khiến hình ảnh doanh nghiệp trở nên xấu đi. Có hay chăng thì chỉ những thành phần kinh tế nhỏ mới thể hiện như vậy. Chưa kể, việc ông Đoàn Nguyên Đức trực tiếp đứng ra giải quyết sẽ làm tiếng tăm, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường bị ảnh hưởng", ông Khoa phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Vinh, giám đốc Công ty I3S, lại khẳng định: “Nếu ở địa vị giám đốc doanh nghiệp HAGL, khi xác định tôi đúng, thì tôi sẽ kiện".

Bầu Đức đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan"?

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, kiện Sở Tài chính Lâm Đồng là vụ việc khá phức tạp.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 

Ông Huỳnh cho rằng, việc ông Đoàn Nguyên Đức đi kiện có thể cho thấy ông Đức đang ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

"Cũng phải đến bức đường cùng, không thể thỏa thuận với UBND tỉnh Lâm Đồng mới khiến ông Đức có động thái đó", ông Huỳnh nhận định. "Tất nhiên việc kiện cáo, đặc biệt là kiện các cơ quan chính quyền thì không ai mong muốn cả, nhất là đối với doanh nghiệp. Nhưng khi không thể thỏa thuận được thì buộc họ phải kiện".

"Tôi biết cũng đã có một số doanh nghiệp kiện các cấp quản lý. Đây cũng là một tình trạng đáng báo động và đòi hỏi Tòa án nhân dân phải đảm bảo tính công bằng,sự nghiêm minh trong việc xét xử", ông Huỳnh nói.

Theo ông Huỳnh, trong vụ kiện của "bầu" Đức có thể là do hợp đồng giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng không chặt chẽ. Nếu vậy, sẽ căn cứ vào hợp đồng để xem xét lỗi thuộc bên nào. Trong trường hợp này có thể loại vấn đề bất khả kháng. Vấn đề còn lại là có hay không có vi phạm của các bên và nếu có vi phạm thì xác định bên nào làm cho bên kia vi phạm để thực hiện không đúng tiến độ theo quy định của pháp luật, quy định của hợp đồng.

"Như vậy, cần xem xét trong hợp đồng có quy định cụ thể không? Giấy phép đầu tư thế nào? Trên cơ sở đó được cụ thể hóa vào hợp đồng ra sao? Những gì trong giấy phép được cụ thể hóa trong hợp đồng và những gì còn lại trong giấy phép nói đến mà hợp đồng không nói đến…", ông Huỳnh phân tích.

Trước một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp kiện các cơ quan quản lý chỉ như "kiến kiện củ khoai", luật sư Nguyễn Văn Tú - phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư Bắc Giang, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - lại không nghĩ vậy.

Theo Luật sư Tú, đây là một quan niệm sai lầm: "Nói như vậy là không đúng. Nhà nước ta có hẳn một luật là Luật Bồi thường nhà nước, một hệ thống tòa án hành chính chuyên xét xử các vụ án hành chính. Vậy, việc dân hay doanh nghiệp kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính là chuyện bình thường, được pháp luật bảo vệ".

"Việc ông Đức kiện Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và cá nhân "bầu" Đức hay không? Nói thẳng là có ảnh hưởng. Nhưng đó là ảnh hưởng tốt. Khi hai bên có tranh chấp mà không thương thảo được thì việc nhờ cậy đến phán quyết của pháp luật là rất đúng đắn và thông minh”, luật sư Tú nói.

Cũng theo Luật sư Tú, việc “bầu” Đức đi kiện dù “thắng” hay “thua” cũng không phải là vấn đề. “Theo tôi, khi theo kiện, “bầu” Đức hiểu được rằng mình đã nghĩ đúng hay nghĩ sai theo pháp luật. Có trường hợp sau khi kiện cáo, doanh nghiệp sẽ gặp “khó, dễ” trong công việc kinh doanh nhưng thực tế không phải tất cả đều như vậy”, luật sư Tú khẳng định.

Từ chuyện “Bầu” Đức đi kiện đến bài học cho doanh nghiệp

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng: Từ câu chuyện "bầu" Đức đi kiện có thể “nhìn” ra nhiều câu chuyện khác: Đó là việc kêu gọi đầu tư đối với các cấp chính quyền địa phương trước đây, hiện nay và sau này. Những khía cạnh ông Huỳnh nêu ra như:

Là một việc rất đáng khuyến khích nhưng về phía chính quyền phải chú ý kêu gọi đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển của quốc gia, vùng, ngành địa phương mình. Đồng thời cũng phải tính hết được các rủi ro có thể xảy ra.
Phải đánh giá hết rủi ro, đánh giá đúng đối tác, tuyệt đối không nên chạy theo nhiệm kỳ (cố gắng để đạt cho được GDP bằng mọi cách), chạy theo tăng trưởng một cách không bền vững (không gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, công bằng, xóa đói giảm nghèo, phát triển khoa học công nghệ…).

Không được coi những dự án hay đầu tư của doanh nghiệp là việc đơn giản. Chỉ cấp giấy phép đầu tư để thu hút dự án nhưng không hỗ trợ doanh nghiệp để làm. Hoặc khi doanh nghiệp thực hiện dự án thì lại gây khó khăn dẫn đến “ông chẳng bà chuộc”, quy định đầu tư không chặt chẽ, các hợp đồng ký dễ dàng. Chưa kể những địa phương thay đổi lãnh đạo, người sau không thực hiện cam kết của người trước …

Phải thường xuyên theo dõi, khi có hợp đồng cụ thể rồi thì phải coi các nhà đầu tư như “thành công của bạn là trách nhiệm của chúng tôi”, “khó khăn của bạn là khó khăn của chính quyền chúng tôi”. Hợp đồng có chặt chẽ đến mấy nhưng vẫn luôn luôn có chỗ trống. Do vậy, khi xảy ra sự cố phải cùng nhau giải quyết theo tinh thần thân thiện và thông cảm lẫn nhau.

Loại bỏ những nhà đầu tư lợi dụng dự án để buôn bán lại hoặc ko đủ năng lực. Những nhà đầu tư đích thực phải thông cảm với chính quyền địa phương và cam kết nỗ lực thực hiện dự án. Phải tôn trọng hệ thống chính quyền ở địa phương để hạn chế tối đa rủi ro, tránh dựa vào quan hệ với một vài cá nhân nào đó…

Thu Hiền

Bình luận
vtcnews.vn