Góc Premier League: Camera và những bàn thắng "ma"

Bóng đá AnhChủ Nhật, 01/05/2011 09:59:00 +07:00

(VTC News)- Một bàn thắng "ma" trị giá 30 triệu Bảng đã đủ để nói lên tính cấp thiết của việc áp dụng công nghệ vào các trận đấu?

(VTC News)- Một bàn thắng "ma" trị giá 30 triệu Bảng đã đủ để nói lên tính cấp thiết của việc áp dụng công nghệ vào các trận đấu?

Trận đấu tại Stamford Bridge hôm thứ Bảy vừa qua, các trọng tài đã đưa ra những quyết định gây tranh cãi về 2 tình huống Chelsea ghi bàn. Nếu họ được hỗ trợ bởi máy móc, chắc hẳn Tottenham sẽ chẳng tức điên lên như vậy, và Chelsea đã chẳng tràn trề cơ hội bắt kịp MU trong cuộc đua tới ngôi vô địch Premier League.

Ở cú sút san bằng tỉ số 1-1 của Frank Lampard, rõ ràng qua truyền hình, khán giả có thể thấy bóng chưa hoàn toàn vượt qua vạch cầu môn. Trọng tài chính Marriner‎ đã tỏ ra lưỡng lự song trợ lý của ông thì cho rằng đó là một bàn thắng. "Bất cứ ai hiểu biết về bóng đá cũng nhận ra công nghệ cần được sử dụng để phân biệt một bàn thắng hợp lệ hay không. Chỉ mất có 5 giây để ra một quyết định chính xác. Nhiều người cho rằng những sai lầm tạo ra sự thú vị của bóng đá, nhưng thú vị ở chỗ nào chứ! Là một bàn thắng mà không phải bàn thắng?", Redknapp tỏ ra bức xúc.

Ở góc quay này, quả bóng vẫn chưa hoàn toàn lăn qua vạch cầu môn của Tottenham.

Còn với bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 cho chủ nhà ở phút 89 của Kalou, cũng có khá nhiều ý kiến không đồng ý với các trọng tài. Nhiều nhận định cho rằng tiền đạo Bờ Biển Ngà đã rơi vào thế việt vị trước khi sút bóng. "Nạn nhân" trực tiếp, Tottenham, vì thế có lý do để ấm ức bởi rất có thể bàn thua này sẽ cướp đi của họ 30 triệu bảng vì không thể tham dự Champions League mùa tới (hiện đã kém đội xếp thứ 4 là Man City 7 điểm).

Những quyết định sai lầm của các trọng tài như vậy không phải là hiếm. Còn nhớ tại World Cup ở Nam Phi cách đây 1 năm, khi tuyển Anh gặp tuyển Đức ở vòng 1/16, chính Lampard đã từng bị từ chối một bàn thắng mười mươi vào khung thành của Neuer. Khi ấy, "Tam sư" đang bị dẫn 1-2 và nếu bàn thắng của "số 8" được công nhận, trận đấu sẽ diễn ra theo một chiều hướng rất khác (chung cuộc Đức thắng 4-1). Hay như tình huống Pedro Mendes bị từ chối bàn thắng trong trận Tottenham gặp MU năm 2005. Pha quay chậm lại cho thấy bóng đã nằm bên trong khung thành của Roy Caroll. FA và các trọng tài đã bị chỉ trích dữ dội sau tình huống rõ như ban ngày ấy.

Trong vòng 1 năm, Lampard là nhân vật trung tâm của hai tranh cãi lớn. Anh được công nhận một bàn thắng không hợp lệ vào lưới Tottenham và cũng từng không được công nhận một bàn thắng hợp lệ vào lưới đội tuyển Đức.

Sự xuất hiện của ngày càng nhiều những bàn thắng "ma", những pha đóng kịch đã làm thay đổi số phận của các đội bóng theo những cách khác nhau. Đã tới lúc các nhà làm bóng đá phải có hành động cụ thể để minh bạch những quyết định của giới cầm cân nảy mực. Tennis, cricket, rugby và nhiều môn thể thao khác ở Mỹ đã được áp dụng công nghệ điện tử "mắt diều hâu" và đã rất thành công.

Nếu lo ngại về chi phí đội lên, gợi ý của Redknapp là rất đáng suy ngẫm: "Trợ lý Mike Cairns chỉ phán đoán thôi. Không ai có thể nhìn rõ tình huống ấy ở khoảng cách hơn 20 mét. Ông ấy đã đoán và đoán sai. Nhưng vấn đề là tại sao nó xảy ra liên tục? Tại sao trọng tài thứ tư không nhìn vào màn hình ti vi để quyết định đó có là bàn thắng hay không thay vì yêu cầu bạn trở về vị trí ngồi của mình? Điều này chỉ mất chưa đầy 5 giây".

Cách đây khoảng 5 năm, sau khi bàn thắng hợp lệ của tiền vệ Tottenham Pedro Mendes vào lưới MU bị từ chối đầy oan uổng, giới báo chí đã mở một chiến dịch vận động các nhà làm bóng đá ở xứ sở sương mù cho trình chiếu ngay những pha quay chậm lại trên các tấm bảng điện tử lớn ở sân bóng. Tuy nhiên, FA đã không cho phép điều này diễn ra vì không muốn làm phật ý giới trọng tài.

Một số giải pháp đã được UEFA đưa ra:

1. Camera: Những chiếc camera nhỏ sẽ được lắp đặt ở các góc cầu môn. Chúng sẽ cung cấp những hình ảnh quay chậm độ phân giải cao -thậm chí là 3D- chỉ trong vài giây sau tình huống. Hoặc "mắt diều hâu" cũng là một giải pháp khả dĩ.

2. Bóng gắn chíp: Adidas, hãng sản xuất quả bóng gây tranh cãi Jabulani, đã gắn một con chíp vào bên trong bóng để xác định vị trí của quả bóng đã qua vạch vôi hay chưa.

3. Thêm trọng tài: UEFA đã thêm một trọng tài đứng ngang và sát vạch cầu môn ở tất cả các trận đấu trong khuôn khổ Europa League để hỗ trợ các tình huống penalty hay bàn thắng gây tranh cãi.

Phá Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn