Bóng đá Anh 2010: Mịt mù như... sương mù

Thể thaoThứ Bảy, 01/01/2011 07:36:00 +07:00

(VTC News) – 2010 là một năm mà bóng đá xứ sương mù mịt mù như những làn sương mù.

(VTC News) - 2010 là một năm mà bóng đá Anh mù mịt như những làn sương mù đang bao phủ khắp nước này. Người Anh không có điểm nhấn gì đột phá giữa bức tranh chung của bóng đá châu Âu và thế giới, thậm chí có thể gọi là một năm thất bại của họ.

“Big Six” và sự nhàm chán của các trận derby

Chelsea với sức mạnh vượt trội đã đoạt cú đúp mùa giải trước, nhưng đó không phải là điều đáng chú ý nhất. Việc Liverpool sa sút thảm hại và Tottenham đoạt vé đi Champions League mùa 2010/11 đã, một cách không chính thức, xóa bỏ khái niệm “Big Four” tồn tại trong rất nhiều năm qua. Premier League đã xuất hiện 2 thế lực mới.

Làm được như Man City và Tottenham là bởi họ đi theo 2 công thức thành công khác nhau. Nửa xanh thành Manchester được sự chống lưng về tài chính của các tỷ phú theo Hồi giáo, trong khi Tottenham áp dụng chính sách nuôi “gà” để có được một lực lượng khá ổn định như ngày nay, với những sản phẩm thành công như Defoe, Lennon, Dawson, cộng thêm những sự bổ sung từ bên ngoài của Modric, Van der Vaart hay Bale.

Tottenham đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt tại Champions League.

Trong khi đó, những thế lực cũ không có nhiều sự thay đổi để làm mới sức mạnh của mình. Chelsea vẫn với dàn sao dày dạn kinh nghiệm đi đến ngôi vô địch, nhưng khi chuyển sang lớp trẻ họ ngay lập tức gặp vấn đề. Arsenal vẫn đang tìm kiếm danh hiệu từ lứa măng non đã bắt đầu đến tuổi trưởng thành. Còn MU đang ở vào giai đoạn chuyển giao sau khi Cris Ronaldo ra đi, các lão tướng của thế hệ vàng 1999 thì đã quá già.

Chính những biến đổi đó đã khiến cục diện Premier League trở nên khó lường hơn. Các cuộc chạm trán giữa những đội bóng này được đón chờ hơn, nhưng nó cũng đồng thời khiến các trận derby trở nên bớt “nóng”.

Man City thì gây ấn tượng nhờ số tiền đầu tư khổng lồ.

Một số ví dụ điển hình là derby thành Manchester mùa này cũng như trận MU - Arsenal. 2 trận đấu này đã được tăng nhiệt độ đến cực điểm trước giờ G, các HLV và cầu thủ đăng đàn chế giễu, chỉ trích đối phương về đủ các mặt, thế nhưng cuối cùng diễn biến lại khá tẻ, nhất là derby Manchester (hòa 0 bàn thắng).

Việc có quá nhiều đối thủ cạnh tranh khiến các nhà cầm quân không còn quan trọng hóa việc giữ gìn lực lượng để tung ra trong những trận đánh quyết định nữa. Theo như lời cựu danh thủ Roy Keane, giờ đây các cầu thủ không còn biết xài những đòn tâm lý chiến như trước, khiến kết quả trận đấu đơn thuần chỉ được quyết định qua sự chênh lệch đẳng cấp và phong độ của mỗi đội.

Thời của Roy Keane, những trận MU - Arsenal luôn cực "nóng".

Thế nên những trận derby truyền thống mang tính địa phương hay lịch sử như “derby Đỏ” (MU - Liverpool) hay derby Bắc London (Arsenal - Tottenham) mới thực sự là những trận đấu đáng xem tới tận phút cuối (cùng có tỷ số 3-2).

Thất vọng Nam Phi

Năm này qua năm khác, ĐT Anh đến dự các giải đấu lớn với sự kỳ vọng rộng rãi từ trong Hoàng gia cho tới cánh báo giới. Đặc biệt là khi Tam sư được Fabio Capello tài ba dẫn dắt.

Tuy nhiên kết quả sau đó quả thực khiến người hâm mộ phải thở dài. Anh chật vật đi qua vòng bảng khi chỉ thắng ở trận cuối cùng với bàn thắng của Defoe. Rooney thì để lại ấn tượng xấu khi chửi khán giả nhà trước ống kính máy quay sau trận hòa tẻ nhạt với Algeria.

Rooney chửi khán giả trước ống kính, hình ảnh tiêu biểu cho sự bất lực của ĐT Anh tại Nam Phi.


Và đến khi người Anh bị loại khỏi cúp Thế giới sau trận thua tan tành 1-4 trước cỗ xe tăng trẻ Đức, ngay lập tức làn sóng chỉ trích Fabio Capello xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông, cho rằng lối chơi của ĐT rất bế tắc và vô hồn. Nhưng ít ai nhận thấy được ĐT Anh đó đã già cỗi thế nào, trong khi chất lượng nhiều cầu thủ nếu chỉ xét mặt bằng Premier League chỉ đạt mức trung bình khá.

FA hiểu ra nhưng họ vẫn bao năm nay loay hoay với việc tìm cách hạn chế lính đánh thuê (chiếm 60% số cầu thủ đang kiếm cơm ở Premier League). Thế nên, để tìm kiếm một giải pháp mang tính tạm thời, cơ quan này đề xướng ra “luật 25/8” (tối đa 25 cầu thủ, trong đó có 8 cầu thủ được đào tạo bản địa trong đội hình). Có điều luật này có những nội dung khá thiếu chặt chẽ và cả vô lý tới mức Arsenal đăng ký tới… 76 cầu thủ U-21, trong khi Roque Santa Cruz thì nghỉ đá vì Man City mua thừa người.

Một World Cup thất bại đã bộc lộ ra khá nhiều điểm hạn chế trong tư duy làm bóng đá của người Anh.

Scandal và sự "tọc mạch" của báo chí

Ngoài chuyện Rooney “phun mưa” vào ống kính đã nói ở trên, năm qua không ít những scandal đã nổ ra ở quê hương của túc cầu giáo.

“Đình đám” nhất trong giai đoạn đầu năm là việc hàng loạt vụ “ăn vụng” được phát hiện. Ashley Cole, John Terry và sau đó là Patrice Evra lần lượt bị cáo buộc là có hành vi “ngoài luồng”. Đỉnh điểm là việc Wayne Bridge từ chối bắt tay John Terry trong trận Chelsea - Man City.

Pha "lơ" nổi tiếng của Wayne Bridge với đồng đội cũ John Terry.

Nhưng sự việc đó còn chưa được rầm rộ bằng việc Wayne Rooney mò tới nhà thổ. Vụ việc bung bét khiến chân sút này liên tục nhận được những lời chỉ trích, sự chế giễu và cả những câu hỏi từ phía cô vợ Coleen. Nghiêm trọng hơn, nó dẫn tới việc Roo “béo” từ chối gia hạn hợp đồng với MU và thậm chí còn định bỏ sang Man City khiến những tay Manucian quá khích đòi “xin huyết” ngay tại căn biệt thự trị giá 4 triệu bảng. Cuối cùng Sir Alex đã thuyết phục được “gã Shrek” ở lại, nhưng nghe đâu cái giá phải trả là bản hợp đồng có mức lương khủng khiếp 250.000 bảng/tuần.

Rooney ở lại, nhưng điều đó tạo nên tiền lệ "vòi vĩnh" đối với các cầu thủ khác.

Scandal vẫn chưa hết đối với bóng đá Anh. Lord Triesman đã buộc phải từ chức chủ tịch FA sau khi có phát biểu gây “chấn động” rằng Tây Ban Nha và Nga đã “mua phiếu” để giành quyền đăng cai World Cup 2018. Phát ngôn thiếu suy nghĩ này ngay lập tức vấp phải sự phản đối dữ dội của dư luận.

Những scandal nói trên đều bị báo chí Anh phanh phui ra từ đầu, một điều chẳng có gì lạ khi đó là việc họ thường làm. Nhưng cái sự tọc mạch đó cũng gây ra tác hại khổng lồ. Serie phim tài liệu Panorama của đài BBC đã khui ra một loạt những quan chức tham nhũng hàng triệu đô của FIFA, tất cả họ đều là những người có chân trong Hội đồng bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018.

Panorama, đỉnh điểm sự tọc mạch của giới truyền thông Anh.

Và kết quả, Anh bị loại thẳng thừng từ vòng 1 với chỉ vỏn vẹn 2 phiếu trong cuộc họp thượng đỉnh tại Zurich. Thất bại này đã chính thức khép lại một năm mù mịt của cả nền bóng đá xứ sương mù.

10 sự kiện nổi bật của bóng đá Anh 2010

1.
Chelsea giành cú đúp danh hiệu Premiership và FA Cup dưới bàn tay của chiến lược gia lão làng Carlo Ancelotti. Dù có những tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận sức mạnh của The Blues khi họ kết thúc mùa với kỷ lục 103 bàn thắng.

Chelsea của Carlo Ancelotti vô địch Premier League một cách tuyệt đối.


2. Sir Alex Ferguson vượt qua kỷ lục 24 năm, 1 tháng và 14 ngày của Sir Matt Busby để trở thành HLV tại vị lâu nhất trong lịch sử MU. Sir Alex thực sự là HLV xuất sắc nhất trong lịch sử CLB với 25 danh hiệu ở cấp độ CLB cùng kỷ lục là nhà cầm quân dành được nhiều phần thưởng cá nhân nhất trong lịch sử Premier League.

Sir Alex Ferguson.

3. Tuyển Anh bị loại khỏi World Cup 2010 trên đất Nam Phi. Thi đấu khá rời rạc và mắc không ít sai lầm, Tam sư đã bị đám trẻ của Joachim Loew đá văng tại vòng 16 đội với tỷ số 4-1.

4. Tottenham lật đổ Liverpool để giành quyền sở hữu 25% “cổ phần” của Hội đồng “Big Four”. CLB giàu truyền thống nhất nước Anh sa sút thảm hại khi mất vé đi Champions League và dẫn tới sự ra đi của Rafa Benitez.

Buổi hoàng hôn của Liverpool...

5. Phái đoàn Anh tại Zurich chỉ nhận được 2 phiếu trong cuộc bầu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018. Trước đó đài BBC đã tung ra tập phim tài liệu tố cáo tham nhũng khiến 2 quan chức của FIFA bị cách chức, làm xáo trộn thành phần của Hội đồng bầu chọn cũng như quan điểm của họ.

6. Man City lập kỷ lục chuyển nhượng với tổng cộng 130 triệu bảng mua sắm, chính thức trở thành nhà “vô địch” trong phiên chợ mùa hè.

7. Liverpool sau một cuộc đấu tranh đầy hỗn loạn đã đẩy được 2 ông chủ người Mỹ Tom Hicks và George Gillett đi. Tập đoàn NESV do John Henry đứng đầu trở thành chủ mới và bắt đầu cuộc tái thiết tại Anfield sau những cuộc đấu lý căng thẳng tại pháp đình.

Liverpool thoát khỏi ác mộng Hicks - Gillett.

8. CĐV MU mở chiến dịch “Xanh và Vàng” nhằm phản đối sự hiện diện của gia đình nhà Glazer tại Old Trafford. Các cựu danh thủ, doanh nhân và fan của MU đều tham gia chiến dịch này.

9. Wayne Rooney “giở chứng” khi tuyên bố chuẩn bị rời MU sau ảnh hưởng từ vụ scandal với gái làng chơi. Anh thậm chí suýt bị dọa giết vì có ý định sang khoác áo Man City. Tuy nhiên Rooney đã quyết định ở lại mà nghe đâu để có được chữ ký của anh, Sir Alex đã phải gật đầu với mức lương kỷ lục 250.000 bảng/tuần.

10. Fulham bất ngờ lọt tới trận chung kết của Europa League dưới bàn tay của nhà cầm quân lão làng Roy Hodgson. Họ đã đi tới trận chung kết một cách hết sức thần kỳ khi vượt qua được rất nhiều đối thủ sừng sỏ, trong đó có chiến thắng ngoạn mục 5-4 trước Juventus.

Fulham, điểm sáng duy nhất của bóng đá Anh ở các cúp châu Âu.

Dù thua Atletico nhưng Fulham đã có một mùa giải thành công khi họ là đội duy nhất của nước Anh lọt vào chung kết một cúp châu Âu, còn Roy Hodgson được bầu chọn là HLV của năm.

Hoàng Quân
Bình luận
vtcnews.vn