K+ và hiện tượng "vỗ béo" cho doanh nghiệp nước ngoài

Bóng đá AnhThứ Hai, 02/08/2010 04:47:00 +07:00

Lãnh đạo Bộ TT-TT vừa yêu cầu VSTV - đơn vị sở hữu K+ nộp hồ sơ và các hợp đồng liên quan đến bản quyền giải ngoại hạng Anh mùa giải 2010-2011...

Lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông vừa chỉ thị các cơ quan chức năng của Bộ yêu cầu VSTV - đơn vị sở hữu kênh truyền hình K+ ngay trong đầu tuần này phải nộp hồ sơ và các hợp đồng liên quan đến bản quyền giải ngoại hạng Anh mùa giải 2010-2011 cũng như bản quyền hàng loạt các giải đấu quan trọng khác.


Những câu hỏi với K+

Việc HTV mua được bản quyền giải ngoại hạng Anh vào các ngày thứ Bảy và thứ Hai và phát miễn phí được cho là một “cái tát” mạnh vào tham vọng của K+. Tuy không tiết lộ giá của gói hợp đồng, ông Trần Gia Thái - giám đốc HTV chỉ nói: “Chỉ biết rằng, bằng nghiệp vụ, bằng mối quan hệ của mình, HTV đã có được bản quyền. Chúng tôi đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua. Và quá trình thương thảo với đối tác đã kéo dài từ vài tháng nay, cũng hết sức khó khăn, kỳ kèo thêm bớt, đặt lên đặt xuống nhiều lần, bỏ đi rồi lại quay lại cũng nhiều lần”.

Bản quyền Giải Ngoại hạng được đẩy lên quá cao khiến khán giả khó có cơ hội xem trọn vẹn các trận đấu của giải đấu này.

Vấn đề ở đây là khá rõ khi MP&Silva đã tìm được một lỗ hổng lớn: lợi dụng sự “không ngồi lại với nhau” của các đài truyền hình ở Việt Nam để cùng lúc thương thảo với nhiều đối tác mà trong đó HTV và K+ là hai trong số đó. Chính điều này đã khiến MP&Silva đã “lời to” khi dứ ra miếng mồi Giải ngoại hạng. Thực tế K+ tưởng chừng sẽ trúng đậm (dù phải trả cái giá cực cao, theo thông báo là trên 10 triệu USD cho 3 mùa, cao gấp 3 lần số tiền VTC đã phải trả trước đây để có bản quyền Premier League) nhưng bây giờ chính họ cũng cảm thấy hớ và khiến không ít NHM đã mau mắn trót “ôm” K+ cũng cảm thấy hớ theo.

Một bạn đọc của Thể thao 24h đã gửi thư tới tòa soạn hỏi: “Khi K+ tuyên bố độc quyền giải ngoại hạng Anh, gia đình tôi ở Hà Nội đã sốt ruột và mua một đầu thu K+ với gói dịch vụ 250.000 đồng/tháng, tổng cộng gần 5 triệu đồng. Bây giờ HTV tuyên bố phát miễn phí thì chẳng nhẽ chừng ấy tiền bỏ ra chỉ để xem một số trận Chủ Nhật hay vài giải khác mà chúng tôi không quan tâm? Với đầu K+ này, chúng tôi bỏ thì không đành, vì đã mua rồi nhưng giữ lại cũng cảm thấy không ổn”.

Ở tầm quản lý nhà nước, việc Bộ Thông tin- truyền thông yêu cầu xem xét các hợp đồng của K+ là hợp lý để trả lời công luận một cách rõ ràng câu hỏi “K+ có vi phạm Luật cạnh tranh hay không?”.

Hơn nữa, khi vấn đề liên quan đến giải ngoại hạng Anh nảy sinh, dư luận có quyền đòi hỏi sự thật đằng sau liên doanh giữa VTV và Canal Plus có đúng là phía Việt Nam nắm giữ 51% hay không? Số tiền thực chất (theo hợp đồng) mà K+ đã bỏ ra là bao nhiêu? Bởi đó sẽ là căn cứ chính để các đài khác tiến hành đàm phám với K+.

Cần công khai

Câu chuyện xung quanh giải ngoại hạng Anh mở ra một vấn đề mới, đã đến lúc không chỉ Premier League mà các giải khác cũng cần phải công khai và cũng cần phải có những tác động để NHM có thể tiếp cận những giải đấu lớn khác.

Sau khi xem xét giải Ngoại hạng Anh, Bộ Thông tin và truyền thông cần xem xét tính độc quyền đối với các giải mà K+ tuyên bố đang có bản quyền như Serie A, La Liga, Championa League, Europa League, giải vô địch Pháp, giải nhà nghề Mỹ, truyền hình Cáp VCTV độc quyền giải Đức, giải Brazil, Libertadores; một số đài khác độc quyền bóng chuyền, tennis… Liệu khi mở rộng ra có phải là những vụ “Ngoại hạng Anh” thu nhỏ nhưng cũng đầy bất cập.

Trên thực tế, ngoài giải Ngoại hạng Anh, NHM Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến giải Serie A, La Liga (nhất là khi hai giải này đang có những động thái đã sớm để phục vụ khán giả châu Á), Champions League, thậm chí golf, bóng chuyền, tennis cũng có những đối tượng khán giả riêng.

Nếu không chấm dứt hiện tượng tranh phần về bản quyền truyền hình như hiện nay thì mỗi gia đình cần có vô số các loại đầu thu, đầu cáp mới đáp ứng hết nhu cầu.

Truyền hình trả tiền đã bắt đầu được chấp nhận trong tâm lý người xem Việt Nam nhưng đã đến lúc Bộ Thông tin - Truyền thông  cần có những động thái quyết liệt để NHM tránh sa vào “mê hồn trận” và quan trọng là bị móc túi bởi những công ty nước ngoài.


Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn