Barca – MU: Đâu là hình mẫu của bóng đá thế kỷ 21?

Thể thaoThứ Sáu, 27/05/2011 09:33:00 +07:00

(VTC News) -MU hay Barca, đội bóng nào mới là xuất sắc nhất, mới là hình mẫu của bóng đá tương lai?

(VTC News) –  11 năm qua, tổng cộng Barcelona và Manchester United góp mặt ở 6 trận chung kết Champions League. Thế nên, không ít người đang tự hỏi trong thập niên đầu của thế kỷ 21, MU hay Barca, đội bóng nào mới là xuất sắc nhất, mới là hình mẫu của bóng đá tương lai?

1.Thập niên đầu của thế kỷ 21 trôi qua thật nhanh với biết bao biến động khôn lường. Năm 2001, cả thế giới bàng hoàng khi chứng kiến vụ khủng bố đẫm máu của tổ chức Al - Qaeda nhắm vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan (Mỹ). Năm 2008, thế giới lại chao đảo bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ sự đổ vỡ của hệ thống tín dụng và nhà đất tại Mỹ. Còn mới đây, thảm họa kép động đất và sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản buộc con người phải nhìn lại cách “cư xử” của mình với thiên nhiên.

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, MU bắt đầu trở thành một thế lực đáng sợ ở đấu trường Champions League.

Trong bóng đá, giới túc cầu không khỏi bùi ngùi chứng kiến sự đi xuống của đội bóng hay nhất thế kỷ 20 – Real Madrid, với chuỗi thành tích tệ hại: 7 năm liên tiếp trắng tay ở Champions League, đấu trường mà trước đó họ đã 9 lần vô địch. Còn Manchester United, sau “cú ăn ba” vĩ đại ở năm cuối cùng của thế kỷ 20 vẫn duy trì được vị thế ở đấu trường danh giá nhất châu Âu trên phương diện CLB. Nhưng tất cả hẳn sẽ phải ngã mũ trước sự vươn lên đầy mạnh mẽ của Barcelona, với lối chơi tấn công rực lửa mang tên tiqui-taca đã trở thành một thương hiệu đặc biệt của thế giới bóng đá.

Chỉ trong vòng 5 năm, đội chủ sân Nou Camp lọt tới 3 trận chung kết Champions League và đã hai lần nâng cao chiếc cúp bạc danh giá. Đặc biệt, cách đây hai mùa bóng, Barca đã khiến tất cả giới túc cầu phải nể phục khi giành “cú ăn sáu” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hình thành và phát triển môn thể thao vua.

Do đó, cứ theo tiêu chí đánh giá của Liên đoàn thống kê và lịch sử bóng thế giới, Barcelona rõ ràng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu CLB xuất nhất trong suốt thập kỷ qua.

2.Dĩ nhiên các CĐV của MU và các con chiên “anti-Barca” chẳng bao giờ công nhận điều đó cả. Đơn giản bởi trong đầu họ luôn “mặc định” ý nghĩ, cái đẹp luôn phải hoàn hảo, không tì vết. Nhưng trong thành công vang dội của Barca lại có yếu tố may mắn song hành, có những quyết định gây tranh cãi của trọng tài và có cả những “vở kịch” vụng ở trên sân cỏ.

Barcelona dưới thời Frank Rijkaard cũng mang đến cho giới túc cầu một lối chơi tấn công cuốn hút, kèm theo hiệu quả.

Ấy vậy nên, khi những hình ảnh Sergio Busquets xỏ xiên Marcelo, Daniel Alves vật vã trên sân sau pha vào bóng ác hiểm của Pepe được tung lên mạng không ít kẻ đã “ném đá giấu tay” hoặc ngây thơ đến hồn nhiên chê bai chiến thắng của Barca trước Real; hay một số tờ báo giật những dòng tít đầy giật gân kiểu như: Có một Barca thực sự xấu xí.

Có cần phải quá khắt khe đến như thế không? Bởi trên đời này chẳng có cái gì hoàn hảo cả. Tượng thần Vệ nữ đẹp đấy, nhưng lại không đôi có tay. Bức tranh nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci tuyệt đấy, song đó chưa phải là một tác phẩm hội họa hoàn chỉnh.

Một cách cụ thể hơn, cứ lấy MU của ngài Alex Ferguson làm ví dụ. Trong suốt 25 năm ở sân Old Trafford, nếu “ông già gân” cứ khư khư giữ lấy phong cách chơi bóng chạy và sút thì có lẽ Quỷ đỏ chẳng tồn tại được đến ngày hôm nay.

Sự những sự điều chỉnh hợp lý của ngài Alex Ferguson, MU vẫn duy trì được vị thế ông lớn ở Champions League trong một thời gian dài.

Đặc biệt, sau cái ngày Alex Ferguson được phong tước hiệp sĩ, sau cái ngày MU giành “cú ăn ba” vĩ đại, đội chủ sân Old Trafford dần đánh mất lối chơi đầy tinh thần “nghĩa hiệp” của mình. Thay vào đó, MU bắt đầu hình thành tư tưởng lối chơi thực dụng. Thậm chí có những trận đấu họ phá lối chơi đối phương thay vì thi đấu theo đúng nghĩa. Âu đó cũng là điều hợp lẽ, bởi không phải khi nào anh hùng chơi đẹp, chơi hết mình cũng là người thắng cuộc.

Thế nên, cứ lấy những chi tiết vặt vãnh để quy kết cho một Barca có lối chơi đẹp mắt thiếu tinh thần cao thượng của kẻ quân tử thì quả thật quá thiển cận, thiếu tầm nhìn. Hay nói như các nhà lý luận kinh điển thì “chỉ nhìn thấy cây mà chẳng thấy rừng”.

3.Cần phải thấy ở Barca những điều đáng để học hỏi, đáng ghi vào sách giáo khoa bóng đá, từ lối chơi cuốn hút cho đến công tác đào tạo trẻ. Một cách chuẩn xác hơn, theo lời của Wayne Rooney, La Blaugrana là “tiêu chuẩn ISO” trong bóng đá để các đội bóng khác kiểm tra năng lực thực sự của mình đến mức nào. Còn với HLV Arsene Wenger thì: “Barca đá quá nhanh và hấp dẫn. Đó thực sự là bóng đá của nghệ thuật”.

Không ít người xem Guardiola là người thích hợp nhất kế nhiệm ngài Ferguson ở sân Old Trafford.

Không phải ngẫu nhiên mà chân sút người Anh và chiến lược gia người Pháp lại ca ngợi đối thủ đến vậy. Bởi trong thế giới bóng đá mà tính thực dụng ngày càng bủa vây, thì lối chơi đầy cống hiến của Barca giúp người xem tạm quên đi những lo toan thường ngày để hòa mình vũ điệu sôi động của bóng đá.

Dĩ nhiên, cũng cần phải dành sự tôn kính đặc biệt cho MU, bởi không phải đội bóng nào cũng có thể liên tục có mặt vòng tứ kết Champions League trong suốt một thời gian dài. Không những thế, trong 4 mùa giải gần đây, Quỷ đỏ đã lọt tới 3 trận chung kết. Thế nên, bằng tất cả sự tôn kính của mình, Guardiola đã nói thẳng ra rằng, ông không dám so sánh Ferguson với bất cứ ai ngoài Johan Cruyff, người đã tạo nên một Dream Team huyền thoại duy nhất trong thế giới bóng đá cho tới thời điểm này.

Và như sắp đặt của số phận, con người vĩ đại Alex Ferguson ấy sẽ lại giáp mặt với vị tướng trẻ tài ba Josep Guardiola. Nếu MU thắng Barca, “máy sấy tóc” sẽ có màn phục hận ngọt ngào cho trận thua cách đây hai năm. Nếu điều ngược lại xẩy ra, CĐV của Quỷ đỏ sẽ rất tiếc nuối, nhưng họ sẽ không trách “ông già gân”. Bởi ở độ tuổi 70, chưa ai làm nên những điều kỳ diệu như ngài Ferguson cả.

Các hậu vệ MU lại một phen vất vả với Lionel Messi.

4.Cách đây gần hai trăm năm, day dứt với nỗi đau nhân tình thế thái, đại thi hào Nguyễn Du đã làm hai câu thơ bất hủ “Không biết ba trăm năm lẻ nữa. Người đời ai khóc Tố Như chăng?”. Nhưng không cần quãng thời gian dài đó, các hậu duệ đã hiểu thấu lòng ông.

Còn vào rạng sáng mai, trong năm đầu tiên của thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, hai đội bóng xuất sắc nhất của thập kỷ đầu tiên sẽ giáp mặt nhau trên “thánh địa” Wembley lịch sử. Kết thúc cuộc chơi, chắn chắn sẽ có người cười, kẻ khóc.

Nhưng nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, vinh quang nào rồi cũng lùi vào dĩ vãng. Chỉ còn lại thứ duy nhất mà các con chiên của giới túc cầu sẽ nhớ mãi: MU gặp Barca là một trong những trận chung kết mang đậm tính lịch sử và đẹp như mơ nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của giải đấu danh giá Champions League.

Triều Cường

Bình luận
vtcnews.vn