VFF-AVG: Sai ngay ở chỗ họ bảo đúng?

Thể thaoThứ Sáu, 13/01/2012 10:00:00 +07:00

Chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề bản quyền truyền hình đang ầm ĩ hiện nay.

Chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề bản quyền truyền hình đang ầm ĩ hiện nay. Chắc chắn Đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL sẽ phải làm việc cật lực trong nửa tháng trời để có câu trả lời thỏa đáng cho các bên liên quan và nhân dân cả nước.

*LTS: Xung quanh về bản hợp đồng giữa VFF và AVG, một sĩ quan quân đội là đại tá Đào Văn Thận đã gửi đến bài viết dưới đây, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Thông qua một số trang mạng gần đây cho thấy, lý lẽ của VFF đưa ra là để bảo vệ hợp đồng mà họ ký với AVG là hợp pháp thể hiện mấu chốt nhất ở mấy điểm sau:

Thứ nhất. Trước khi kí hợp đồng, họ đã xin ý kiến chỉ đạo bằng văn bản lên Bộ VH-TT-DL. Và cũng đã được Bộ ra văn bản, đồng ý cho phép hợp tác về bản quyền truyền hình với AVG. Sau đó họ đã được các CLB đồng ý ủy quyền để thương thảo ký hợp đồng với AVG thông qua hội nghị BCH VFF, đại diện các CLB, Hội nghị đã có văn bản là biên bản làm cơ sở pháp lý hẳn hoi.

Thứ hai. Hợp đồng kéo dài 20 năm vì cần đầu tư tiền của, nhằm phát triển nền bóng đá Việt Nam là việc lớn cũng là việc lâu dài. Vậy nên 20 năm là hợp lý để AVG yên tâm đầu tư thực hiện và thực hiện có bài bản, vững chắc.

Ông Phạm Nhật Vũ tự tin trước báo giới (Ảnh: Quang Minh)

Những lập luận nói trên mới nghe thì rất chuẩn, hợp đồng có giá trị pháp lý rõ ràng. Tính pháp lý của hợp đồng là như vậy, nhưng câu hỏi được đặt ra là: tại sao họ không kiện VPF ra tòa ? Hoặc giả sử họ không muốn đôi co pháp lý vì ra tòa nếu có thắng thì việc dây dưa đến pháp luật cũng làm hình ảnh của AVG bị ảnh hưởng? Chúng tôi cho rằng không phải thế. Hơn ai, ông Phạm Nhật Vũ tất phải biết sự "non tay" trong tính pháp lý hợp đồng của mình và vì thế, họ chọn giải pháp như trên. Vậy thì VFF và cả AVG, khi chấp bút kí hợp đồng nói trên đã phạm luật ở những điểm nào ? Xin thưa, sai nằm ngay ở cái mà họ bảo đúng. Theo đó:

1. Việc hợp tác với AVG để góp phần đầu tư phát triển nền bóng đá nước nhà là một dự án lớn. Việc đó cần phải tuân theo đầy đủ, trình tự các bước của luật đầu tư. Các giai đoạn đó là: chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và nghiệm thu kết thúc đầu tư. Sự ra đời bản hợp đồng và việc ký kết hợp đồng chỉ là một trong những bước quan trọng trong lộ trình tuân theo pháp luật mà thôi. Cụ thể, việc đầu tiên là VFF phải xây dựng báo cáo khả thi với đầy đủ nội dung chính như sau:

- Nội dung đầu tư (vào những việc gì?)
- Phạm vi đầu tư (trên phạm vi cả nước hay vùng, miền, quốc tế?)
- Hình thức lựa chọn nhà thầu (đấu thầu rộng rãi, hạn chế... hay chỉ định thầu?)
-Thời gian thực hiện (mấy năm? từ năm nào đến hết năm nào?)

Văn bản báo cáo này sẽ phải được đưa ra hội thảo khoa học và được các chủ thể (VFF và đại diện các CLB) thông qua và sau đó được trình lên Bộ chủ quản để xin phê duyệt. Trong luật, người ta gọi đó là việc "Xin chủ trương" của giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Thực tế thì VFF đã làm bước này nhưng chưa đáp ứng đủ những nội dung. Những nội dung còn thiếu lại là những nội dung chính, rất quan trọng và mang tính bắt buộc. Vậy nếu Bộ chủ quản đồng ý phê duyệt chủ trương là phê duyệt những nội dung nào?

VFF và AVG đã tính kĩ khi kí vào bản hợp đồng lịch sử?

2. Bước thứ hai là tổ chức đấu thầu, VFF phải làm gì? VFF bắt buộc phải xây dựng bản "Thiết kế và dự toán đầu tư". Văn bản pháp lý này cũng phải đầy đủ nội dung như đã nói ở trên, nhưng tỉ mỉ và chi tiết. Thông thường, bản thiết kế loại này, phải hàng vài trăm trang A4.

Tiếp theo, sau khi tổ chức hội nghị để thông qua VFF và các CLB (trước đó phải gửi tài liệu đến từng thành viên VFF và đại diện CLB toàn thể văn bản trước hàng tháng hoặc hơn để họ nghiên cứu). Khi dự án trên được VFF và các CLB thông qua, các CLB phải ký biên bản ủy quyền cho VFF trong đó nêu rõ nội dung ủy quyền gồm ủy quyền cho chủ tịch VFF làm những việc gì, điều đặc biệt quan trọng là có ủy quyền cho chủ tịch VFF ký hợp đồng hay không? Văn bản ủy quyền này phải có chữ ký và đóng dấu của đại diện VFF và đại diện từng CLB thì mới có giá trị pháp lý.

Cần lưu ý, pháp luật đã quy định: dự án có giá trị trên 500 triệu là phải tổ chức đấu thầu mà không được chỉ định thầu (nếu muốn, phải trình văn bản nêu rõ nguyên nhân xin chỉ định thầu và năng lực chính của nhà thầu, cụ thể là năng lực của AVG so với một số nhà thầu khác, và phải được cấp trên đồng ý cho phép bằng văn bản, gọi là Quyết định chỉ định thầu chỉ định AVG thực hiện các nội dung 1,2,3,...). Đồng thời, AVG phải có quyết định chỉ định thầu thì mới có tư cách pháp nhân đàm phán, thương thảo và ký hợp đồng với VFF.

Nếu VFF lắng nghe những lời can gián từ phía các ông bầu thì giờ đâu đến nỗi khốn khổ thế này (Ảnh: Quang Minh)

3. Về giá trị 20 năm, chưa nói về tính phản khoa học và không theo thông lệ quốc tế của nó,  một bản hợp đồng ký có giá trị 20 năm nhất thiết phải nêu rõ lý do và đặc biệt phải có kế hoạch từng năm (gồm nội dung, kinh phí, phương thức thực hiện...) đi kèm.

Tại chi tiết này đã thấy rõ VFF đã vi phạm luật rõ ràng, dù chưa đề cập đến việc trước khi ký hợp đồng, nếu không được Bộ VH-TT-DL ra văn bản phê duyệt những nội dung chính của hợp đồng thì có ký hợp đồng cũng không có giá trị. Bước này có thể không có, nếu trước đó trong văn bản phê duyệt chủ trương, Bộ đã cho phép VFF và các CLB toàn quyền thương thảo và ký hợp đồng. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.


Căn cứ vào những thủ tục pháp lý và mấy phân tích nói trên có thể kết luận: VFF đã không tuân thủ đủ và không làm đúng trình tự pháp luật yêu cầu. Có bước thực hiện thì lại cắt bỏ những nội dung quan trọng nhất buộc phải có. Do vậy, trong cuộc chiến pháp lý này, hai chủ thể VFF và AVG đã phạm luật một cách nghiêm trọng chứ không đúng như những gì họ vẫn nói.


Đào Văn Thận (Theo TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn