Lương “dị” thông thốc chuyện ngày Tết đá bay phân bò!

Thể thaoThứ Năm, 26/01/2012 09:48:00 +07:00

(VTC News) - À, hóa ra cả một năm quay tròn với bóng, tưởng Tết về nghỉ ngơi đoàn tụ, ai dè, cái thằng Lương “dị” làng Phù Lưu Hạ vẫn máu me với quả bóng quê.

(VTC News) - Tết với Thành Lương có nhiều điều để nhớ, nhưng nếu gắn với quả bóng thì có lẽ là những trận đấu khai xuân. “Bây giờ mỗi lần về quê ăn Tết, nếu đá khai được xuân là khai luôn!” - Lương “dị” bắt đầu câu chuyện hồi tưởng Tết của mình như thế.

À, hóa ra cả một năm quay tròn với trái bóng, tưởng Tết về nghỉ ngơi đoàn tụ, ai dè, cái thằng Lương “dị” của làng Phù Lưu Hạ vẫn máu me với quả bóng quê!

Hỏi Lương: “Bây giờ có vợ rồi, năm nay lại là năm phải tất bật nhận họ, thời gian đâu mà mơ tưởng trận khai xuân?”. Lương trả lời: “Đấy là em bảo, có thời gian thì em chơi!”

Lương nói mà tôi không nín được cười. 25 tuổi đầu, tiếng vẫn còn ngợ ngợ như chưa vỡ, lại pha chút lơ lớ giọng quê Ứng Hòa, nghe cứ thật thà đến vui rộn cả lỗ tai. Thấy có vẻ hưng hứng với những ký ức ngày trẻ con, tôi bắt đầu vào chuyện và Lương “dị” bắt đầu “thông thốc”.

Nhà vô địch… chui háng

PV: Phù Lưu gần sông Đáy!?

Thành Lương: Vâng! Làng em ở gần sông Đáy, sông Đáy chắc anh lạ gì, cạn tới Đáy nên nhiều bãi cát cực. Ngày bé đi chăn bò, tụi em thường kéo nhau ra bãi đá bóng. Nói bóng nhựa thì cũng có, nhưng đa phần đá bóng bện rơm, bện vải, hoặc quả bưởi, mỗi lần rơi xuống nước, nặng trịch. Bóng lỳ, đá trên cát càng lỳ, nhưng được cái đứa nào cũng ham. Em nhỏ con nhất hội, nhưng đá thì tới khi không đứa nào đá được nữa em mới thôi.

Thành Lương, to gan hơn béo bụng (Ảnh: Quang Minh) 

PV:Nhắc đến nhỏ con, có dạo về làng, thấy người làng kháo, Lương “dị” vì bị nhiễm… mà nhỏ con?

Thành Lương:  À, em sinh thiếu tháng nên nhỏ con đấy! Người làng cứ bảo ngày trước bố đi bộ đội, bị nhiễm chất độc da cam, sinh ra mấy anh em nhỏ choắt. Mấy anh em tuy bé thật nhưng đá bóng lại thuộc hạng nhất nhì làng vậy là thích rồi đã, thành ra chẳng còn để ý nữa.

PV:Nói vui, nhà em mà đủ quân số một đội bóng, đi đá chắc tụi bạn cùng trang lứa phải… chui háng suốt.

Thành Lương: (Cười rất tươi, rất sảng khoái…)

Anh cũng đã từng đá bóng chui háng à? Ngày bé ở quê, phần thưởng cho đội ghi bàn chỉ là được đứng dạng hai chân, xếp cả một hàng dài như cái lỗ cống, bắt bên vừa bị ghi bàn lần lượt từng đứa luồn luồn phía dưới. Buồn cười vỡ bụng. Có đứa bậy còn cố tình đánh... um một cái.

PV:Nhưng phải nói, đó là một phần thưởng rất công bằng. Và phần lớn đứa trẻ nào chơi bóng cũng phải chui háng dẫu có là đội chiến thắng chung cuộc, ngoại trừ đối phương không ghi nổi bàn nào.

Thành Lương: Đúng rồi ạ! Vì phần thưởng được trao ngay sau khi vừa ghi bàn. Cứ có bàn là được đứng cho đối phương chui. Đội chiến thắng cuối cùng là đội khiến cho đối phương phải chui nhiều lần hơn.

Đá bay phân bò

PV:Đi chăn bò đá bóng, chắc nhiều phen đá phải phân bò?

Thành Lương:  Tránh sao được hả anh! Cứ lùa bò ra bãi là vứt chúng một chỗ rồi kéo nhau đi đá bóng. Mỗi đứa chăn vài con, tính ra bò nhiều hơn cầu thủ, rồi lại thả rông không chông coi, nó ị bừa bãi à. Vừa đá vừa phải trông chừng phân bò trên sân. Ngơi mắt ra là sút phải ngay.

Từ sân bóng này ở làng Phù Lưu, Lương dị đã bay cao (Ảnh: Thể thao 24h) 


PV:Chuyện sút phân bò sau này có điều kiện, Thành Lương viết tự truyện rồi dịch ra tiếng Anh, xuất bản khắp thế giới, chắc không ít ngôi sao thế giới đọc cũng phải bái phục ý nhỉ?

Thành Lương: Lại cười rất tươi…

Chắc thế anh ạ! Thêm chi tiết, phân bò rải như những cọc tiêu trên sân, vô tình tạo nên bài tập luyện kỹ năng rê dắt bóng qua cọc tiêu vào tự chuyện nữa thì đúng là… phải bái phục thật!

Đi khai xuân bằng công nông

PV:Rồi, giờ trở lại những trận đấu khai xuân trong ký ức. Có gì để kể?

Thành Lương: Khai xuân thường là trận đấu giữa các làng trong xã hoặc các xã lân cận với nhau. Em thì thường đá khai xuân cho xã. Mỗi lần đi thi đấu, xã đánh hẳn con công nông chở đội bóng. Hai bên thùng công nông treo băng rôn, trên thùng cũng có người cầm cờ, đánh trống. Vui đáo để!

Có năm đi đá về ngang đường bị chặn lại. Tưởng chuyện gì, hóa ra, đội xã khác thua tức tưởi, chặn đường gây gổ. Em đá bóng thì ngon, chứ đánh nhau thì không tiện cho lắm! Lại thường mắc cái tội, chuyên ghi bàn vào lưới đối phương, đâm ra luôn bị rơi vào tầm ngắm.

PV: Đấy là trên đường về, chắc trên sân cũng bị “vụt” liên tục ý chứ?

Thành Lương:
Còn phải nói, bóng đá làng mà, trọng tài léng phéng còn ăn đòn nữa là cầu thủ. Hồi em đi đá trên CLB rồi, về đá ở xã, toàn bị đuổi sớm thôi.

PV:Sao lại thế?

Thành Lương: Nói chung đội xã em trong huyện thuộc đội có số có má. Em thì có thêm tí danh ra ngoài trung ương thi đấu về, thế là vào sân, chạm bóng chưa ra mồ hôi đã bị trọng tài rút thẻ đỏ đuổi khỏi sân. Đá ở sân xã em thì không sao, sang xã khác là y rằng như vậy. Lỗi thực ra nhiều khi nhỏ thôi, nhưng nó luôn là cái cớ để trọng tài loại đi một mối đe dọa. Bực lắm, nhưng cũng phải thông cảm, làm trọng tài ở quê, búa rìu luôn chĩa vào từ tứ phía, áp lực hơn trăm lần trọng tài trên trung ương. Công chẳng có mà sảy ra là bị “quây”!

PV: Thấy bảo vài năm nay không phải đi thi đấu bằng công nông nữa vì có người tài trợ đội bóng xã rồi?

Thành Lương: Vâng! Đời sống giờ khấm khá hơn trước nên cũng phải khác chút!

PV: Cậu chỉ được cái quê một cục. Cái xe ô tô cậu tậu dưới quán cafe mà cứ giấu tôi là của anh Đô(anh trai Thành Lương). Cậu sợ tôi chụp ảnh đăng báo và thấy ngại khi xe của mình không bằng những Audi, Mecdes như của các đồng đội khác à. Nói thật tôi biết thừa, cả chuyện cậu tài trợ cho đội bóng xã mấy năm nay không phải đi thi đấu bằng công nông nữa đấy. Tôi thích cậu hơn bất cứ cầu thủ Việt nào vì cái quê một cục, lúc nào cũng khiêm tốn, thật thà.

Thành Lương: Ô, đang phỏng vấn chuyện bóng đá mà!


- Ê, Người Việt cổ! Dậy, dậy… sao lại ngủ ở tòa soạn thế này! Sáng nay hẹn Thành Lương phỏng vấn cho số Tết, đã đi chưa?

- Da…dạ…! Em… chưa. Nhưng em vừa ngủ mơ thấy…

Người Việt cổ(Phỏng vấn trong mơ)

Bình luận
vtcnews.vn