Bầu Kiên dính đòn "hồi mã thương" của VFF?

Thể thaoChủ Nhật, 23/10/2011 12:00:00 +07:00

VPF từ ý tưởng của bầu Kiên thành quyết định chỉ sau một buổi hội nghị nhưng khi xúc tiến thì nhiều người mới ngã ngửa vì nó không hề đơn giản.

Từ mô hình công ty cổ phần VPF mà bầu Kiên đã trình bày, sau một thời gian “thoả thuận” mới đây đột nhiên VPF được dự định sẽ chuyển thành công ty TNHH. Vậy sự điều chuyển giữa 2 mô hình công ty đằng sau nó là cái gì?

Công ty TNHH: Định hướng mặt “sáng ngời ngời” 

Phải nói rằng khi “xì” thông tin VPF chuyển từ Cty CP sang TNHH ra ngoài thì “nguồn tin” đã định hướng báo chí theo hướng rất tích cực:

VFF quả thực rất cao tay (Ảnh: V.S.I)

1. Khống chế việc cổ phần bị các cổ đông điều chuyển ra ngoài cho “người ngoại đạo” khiến BĐVN không kiểm soát được.

2. Theo trình tự khi gia nhập WTO thì trong tương lai để đảm bảo quyền phủ quyết VFF buộc phải nâng cao số vốn lên 51% (hiện tại dự kiến là 36,5%). Và điều này sẽ khiến các CLB “thiệt thòi” vì cổ phần của 28 CLB phải bắt buộc giảm xuống nữa, tức miếng bánh sẽ bé lại.

3.Theo luật Doanh nghiệp, cổ phần của cổ đông sáng lập bị khống chế chuyển nhượng trong thời gian 3 năm, trong khi V.League và hạng Nhất có lên xuống hạng bắt buộc phải chuyển nhượng cổ phiếu trong 1 năm. 

4.Thuận lợi hơn trong việy huy động vốn bên ngoài, thay vì tuân theo thời gian tối thiểu là 6 tháng nếu là Cty CP.

Mặt trái: VFF vẫn là ông chủ của V.League

Khi tiết lộ thông tin ra ngoài, “nguồn tin” lại không đả động đề cập đến những khác biệt hay hạn chế của Cty TNHH (ở đây là 2 thành viên trở lên) là gì so với Cty CP là gì. Chúng tôi xin được lược 2 nét khác cơ bản sau:
Bầu Kiên có đối sách gì ở thời điểm này (Ảnh:V.S.I) 

Cty TNHH sẽ không có Đại hội cổ đông (cụ thể VPF là VFF và 28 CLB), cơ quan quyền lực nhất của Cty CP (ở đây là VPF gồm VFF và 28 CLB). Thay vào đó ở cty TNHH cơ quan quyền lực cao nhất là Hội đồng thành viên sáng lập. Điểm tối quan trọng ở Hội đồng thành viên sáng lập là chủ thể (hay người) nào có số vốn lớn nhất sẽ nắm quyền quyết định ở tất cả các vấn đề. Như vậy với số vốn 36,5%, VFF vẫn sẽ là “ông chủ” của VPF. Để phủ quyết VFF, các cổ đông còn phải có sự đồng thuận phải lớn hơn 51% của VFF, tức tương đương 18-20 CLB. Một điều cực khó nếu không nói là bất khả thi với môi trường BĐVN hiện giờ, kể cả khi những ông bầu quyền lực nhất chụm lại thành một nhóm thống nhất và có ảnh hưởng lớn bởi có quyền lực trong tay.

Cty TNHH sẽ không có bộ phận đặc biệt quan trọng là Ban kiểm soát. Ở Cty cổ phần, Ban kiểm soát do Hội đồng cổ đông bầu ra, hoạt động độc lập và kiểm soát Hội đồng quản trị cũng như nhiều bộ phận khác. Trong khi đó ở Cty TNHH cũng có HĐQT như HĐQT lại “dưới quyền” của Hội đồng thành viên sáng lập. 

Thực ra Cty TNHH vẫn có thể có Ban kiểm soát nhưng Ban này lại do Hội đồng thành viên “đẻ” ra nhưng quyền hạn sẽ rất hạn chế vì phụ thuộc vào tiếng nói của chủ thể nắm vốn lớn nhất như đã nêu ở trên.

Tóm lại, thật ra những vấn đề như e ngại chuyển cổ phần ra ra cho “người ngoài” hay hạn chế về việc chuyển nhượng (hay hoán chuyển) cổ phần chỉ là vấn đề nhỏ. Hay nói cách khác, có thể hiểu rằng điểm cốt lõi của việc VPF chuyền từ Cty CP sang Cty TNHH thực chất là một “đòn hiểm” để VFF vẫn giữ nguyên được quyền lực và “miếng bánh” của mình thông qua số vốn áp đảo. Và khi đó VFF sẽ được cái tiếng tốt là chịu “cải tổ” nhưng về bản chất thì đó vẫn tiếp tục là chuyện “bình mới rượu cũ”. 

Tất nhiên, đó cũng chỉ là phân tích trên “cơ sở lý thuyết” và như những người trong cuộc vẫn nói và đang tiến hành: BĐVN có những đặc thù và thực tế, từ ý tưởng đến hiện thực là cả chặng đường dài.

Như chuyện VPF từ ý tưởng của bầu Kiên thành quyết định chỉ sau một buổi hội nghị nhưng khi xúc tiến thì nhiều người mới ngã ngửa vì nó không hề đơn giản.

Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn