Lật lại những nghi án tại các kỳ SEA Games (Kỳ 5)

Thể thaoChủ Nhật, 16/10/2011 05:00:00 +07:00

(VTC News)- Điều đó có nghĩa là khi thầy trò Riedl lên đường sang Bacolod thì Cơ quan điều tra đã xác định chắc chắn rằng tiêu cực sẽ xảy ra.

Khi mà công tác "chống tiêu cực" vẫn được VFF phó mặc cho CQĐT thì thật khó để bóng đá Việt Nam "sạch từ gốc".

Bacolod 2005: Bẫy đã được giăng

Ông Lê Hùng Dũng khi phát biểu trên báo Tuổi trẻ đã đặt nghi vấn tiêu cực ở trận chung kết Sea Games 25 ở Vientiane nhưng sau đó lại thòng thêm một câu: "Tiếc rằng không có bằng chứng". Tại sao lại không có bằng chứng khi mà kỳ Sea Games ở đất Lào, U23.VN luôn có một nhân viên kè kè với đội 24/24 ? Xâu chuỗi các sự kiện và dự liệu, dễ thấy việc có nhân viên an ninh đi theo đội không đồng nghĩa với việc chống tiêu cực sẽ được đặt ra và thực hiện.

Người hâm mộ đã phát ngán với những trân cầu "thật thật giả giả"

Năm 2005 ở Bacolod, nhân viên an ninh đi theo U23.VN khi đó là trung tá Doãn Công Huấn, điều tra viên của Cục CSĐT Tội phạm và trật tự xã hội (C14). Ông Huân đã là người theo U23 VN và ĐTVN liên tục kể từ Sea Games 23 cho đến khi kết thúc nhiệm vụ ở AFF Cup 2007. Sau đó tại Sea Games 24 (2007) tại Korat, AFF Cup 2008 và Sea Games 25 (2009), U23 VN và ĐTVN có 3 nhân viên an ninh khác đi kèm.

Phải nói rằng sau sự kiện Vũ Như Thành bị treo giò ở JVC Cup thì những nghi án tiêu cực ở ĐTVN và U23.VN chưa bao giờ lắng xuống. Hầu hết các "nhân vật đen" trong giới cầu thủ hay giới banh bóng chỉ coi Thành "kếu" là xui nên gặp hạn.

Sự thật sự kiện Bacolod chỉ là một "vụ" trong chuyên án của Bộ Công An để chống nạn tiêu cực đang tràn lan trong bóng đá đến mức VFF gần như mất kiểm soát hoàn toàn.  Khi chuyên án này được dư luận biết đến thì ngoài sự kiện Bacolod ra còn có nhiều vụ khác được xới lên mà cụ thể là hối lộ trọng tài bắt đầu từ CLB Ngân hàng Đông Á cho đến vụ SLNA bỏ tiền kích CSG đá thắng Nam Định để lên ngôi vô địch năm 2001.

Điều đó có nghĩa là khi thầy trò Riedl lên đường sang Bacolod thì Cơ quan điều tra đã xác định chắc chắn rằng tiêu cực sẽ xảy ra và một cái bẫy đã được giăng sẵn. Đúng như vậy, một loạt "con mồi" đã sa lưới.

Tại sao không là Vientiane 2009 ?

Lật lại cáo trạng của cơ quan điều tra gửi đến VKSND để khởi tố vụ án bán độ ở Sea Games 23 và sau đó vụ án được xét xử công khai vào tháng 9/2006 và tháng 4/2007 trong cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Theo đó, khi Lê Quốc Vượng đến Philippines và bắt đầu liên lạc bằng điện thoại về Việt Nam với Nguyễn Phi Hùng và Phi Hùng móc nối với Trương Tấn Hải để làm "giao liên" với trùm độ Lý Quốc Kỳ. Hàng chục cuộc điện thoại và tin nhắn của Quốc Vượng về Việt Nam đã được CQĐT nắm bắt được.

Tiền có phải là liều thuốc chữa tiêu cực hiệu quả ? (Ảnh: Quang Minh)

Những phóng viên Việt Nam khi tác nghiệp ở Bacolod khi tiếp xúc với các cầu thủ cũng được nhắc nhở và mãi sau này khi vụ việc nổ ra, nhiều người mới hiểu được rằng cái bẫy đã được giăng sẵn ở Bacolod....

Sau "cơn bão 2005" bóng đá Việt Nam yên bình được một thời gian ngắn. Tuy nhiên, chống tiêu cực trong bóng đá chỉ là một phần nhỏ trong công việc của CQĐT, của Bộ Công An. Nói cách khác, CQĐT còn khối việc quan trọng hơn để làm chứ không phải hao công tổn sức để kè kè theo mỗi anh bóng đá.

Điều đó có nghĩa là sau khi được CQĐT giúp sức, lẽ ra VFF cần phải nâng cao hơn trách nhiệm và công tác chống tiêu cực trong lĩnh vực mà mình quản lý thì VFF lại buông lỏng và mọi thứ dần dần lại "vũ như cẫn".

Đến mỗi kì Sea Games hay AFF Cup thì VFF lại nhờ CQĐT cử nhân viên an ninh đi kèm theo đội bóng. Nhưng "đi kèm" và "chống tiêu cực" là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bởi vì thế mới có chuyện, ông Lê Hùng Dũng đặt nghi vấn ở CK tại Vientiane rồi "rất tiếc vì không có bằng chứng".

Và 500.000 USD mà ông chủ Eximbank kiêm PCT VFF đã treo thưởng cho chiếc HCV Sea Games 26, hiểu theo cách nào đó là cách để... chống tiêu cực.

Theo Thể thao 24h.


Bình luận
vtcnews.vn