VFF cố tình ôm V.League hay đá thủng Luật thể thao?

Thể thaoThứ Tư, 28/09/2011 10:41:00 +07:00

Điều trớ trêu là sau khi bầu Kiên hé lộ ra cái gọi là Supper Liga thì rất nhiều người vỗ tay nhiệt liệt.

Điều trớ trêu là sau khi bầu Kiên hé lộ ra cái gọi là Supper Liga thì rất nhiều người vỗ tay nhiệt liệt. Ý tưởng của những ông bầu không chỉ là muốn có một giải bóng đá sạch mà cao hơn đó là một yêu cầu tách bóng đá chuyên nghiệp ra khỏi sự ôm đồm của VFF. BTC giải tách khỏi VFF để trở thành một cơ quan điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp độc lập, có tài khoản và con dấu riêng…

Ít ai ngờ, vấn đề này AFC đã khuyến cáo VFF từ lâu và chính một BTC độc lập như thế đã bị vùi dập tơi bời một cách không thương tiếc.

Giao quyền độc lập cho V.League - một đề án chết yểu

Tại một cuộc họp của VFF năm 2008, Phó TTK Dương Nghiệp Khôi trình bày bản đề án mang tên "Phương án thành lập BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp” bắt nguồn từ khuyến cáo của AFC:

“BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp cũng phải có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng hoạt động tuân thủ theo luật pháp của các QG và chịu sự quản lý, giám sát của LĐBĐQG”. Thậm chí, AFC “thòng” thêm khuyến cáo: “Nếu LĐBĐQG không đáp ứng được những yêu cầu trên, AFC sẽ xem xét và không cho các ĐTQG và các CLB của QG đó tham dự các giải quốc tế trong năm 2009 và 2010”.

Ông Dương Nghiệp Khôi từng trình bày bản đề án mang tên "Phương án thành lập BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp” (Ảnh: Quang Minh)


Ông Khôi lấy điển hình là giải VĐQG Nhật Bản (J.League), theo đó V.League cần có BTC riêng biệt kiểu một công ty con rồi lại quả 15% cho công ty mẹ VFF; các CLB phải có tài khoản riêng và hoạt động như một doanh nghiệp.

 Theo khuyến cáo của AFC thì đến năm 2012, V.League phải tách ra hoạt động độc lập so với VFF. 

Không ngờ ý tưởng của ông Khôi bị vùi dập không thương tiếc tại Hội nghị BCH lần thứ 7 khóa 5. Nhiều người còn nhớ như in, câu phản biện đanh thép của Ủy viên BCH Phạm Thành Long: “Nếu có một tổ chức như thế, VFF đã tự nguyện từ chối quyền lợi phát sinh từ V.League, nguồn thu chủ yếu của VFF. Nếu BCT V.League mới có bộ máy tài chính độc lập thì VFF sẽ không có kinh phí, không có bản quyền truyền hình, không có quảng cáo. Vậy VFF sẽ sống bằng gì, rồi họp Liên đoàn chẳng lẽ cũng phải ngửa tay xin Đại hội BTC V.League?!". Hay phát biểu của Phó TTK Đỗ Văn Ninh: “Tôi làm công tác tài chính 7-8 năm thấy nguồn thu của VFF là từ VFF và ĐTQG, thậm chí thu từ V.League để nuôi bộ máy, hỗ trợ chi cho ĐTQG... Bây giờ, lập ĐH BTC V-League, rồi trích lại cho VFF 15% nguồn thu, từng ấy chỉ có mấy tỷ rất khó.

Bản thân PCT Lê Hùng Dũng khi đó ban đầu ủng hộ đề án này nhưng sau khi các Ủy viên BCH phản bác ghê quá cũng phải dịu giọng: “Theo tôi, nghe AFC nhưng phải có lộ trình vận dụng phù hợp với đặc thù của BĐVN”.

Ai cũng hiểu, V.League là “nồi cơm” của VFF, khoản tiền tài trợ, bản quyền truyền hình, tiền nộp “tô” của các CLB lên tới gần 50 tỷ chính là nguồn sữa nuôi sống bộ máy khổng lồ ở VFF.

Nhưng đề án ấy đúng

Cho đến bây giờ, khi bầu Kiên nói về một Supper Liga thì hóa ra bản “Phương án thành lập BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp” của ông Khôi trình bày 3 năm trước lại đúng và được cho là mô hình mới cần phải theo đuổi như Nhật Bản, Thái Lan hay Premier League đang làm.

VFF đang cố tình ôm V.League vì nó là cái "nồi cơm" rất đầy? (Ảnh: Quang Minh) 


Việc VFF cố tình ôm V.League như hiện nay thực tế là trái với Luật thể thao được Quốc hội thông qua cuối năm 2006.

Điều 3 của Quy chế BĐCN khẳng định: “LĐBĐVN là cơ quan trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động BĐCN ở Việt Nam”. Điều lệ VFF quy định (điều 4 khoản 14) VFF “Sở hữu tất cả các quyền phát sinh từ các giải đấu và các sự kiện thuộc quyền quản lý, tổ chức, điều hành của LĐBĐVN, trong đó bao gồm các quyền về tài chính; quyền thu thanh, ghi hình; sản xuất; phát thanh, truyền hình; truyền thông đa phương tiện; quảng cáo, tiếp thị; các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong khi đó, Luật thể thao ở điều 53 mục 2 quy định: “LĐTT QG là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao; CLB thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao chuyên nghiệp”. Khái niệm giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được quy định khác nhau và rất rõ trong Luật thể thao.

Có thể nói, VFF đang sở hữu cái mà mình không được phép (theo luật). Ông Dương Nghiệp Chí - nguyên chủ tịch VFF cho rằng: “Các CLB bỏ tiền tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa bóng đá, đến khâu bán hàng (tổ chức thi đấu) lại bị VFF chiếm dụng. Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bị tách rời bởi VFF, một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải một doanh nghiệp” và “Ông Nguyễn Đức Kiên và một số ông bầu khác đã đúng khi muốn tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp độc lập với VFF, theo nghĩa muốn VFF không tiếp tục “ôm” giải này vì BĐVN bắt đầu vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”

Câu hỏi là tại sao VFF bao nhiêu năm nay, ôm quyền sở hữu V.League một cách trái luật như vậy vẫn được làm ngơ?

Hay vì là nồi cơm nên nhất định không thay đổi?

 “Giải BĐCN phải được trả về cho Hội các CLB bóng đá chuyên nghiệp hoặc Hội các nhà tài trợ chủ trì tổ chức, thông qua một doanh nghiệp tổ chức sự kiện bóng đá hoặc công ty dịch vụ thi đấu bóng đá QG. Cái gọi là BTC giải, giám sát, trọng tài trong và ngoài nước… đều được doanh nghiệp này hợp đồng thuê mướn theo mùa giải. Người được thuê mướn nếu làm dở bị loại trừ ngay, thậm chí bồi thường tiền, còn làm tốt được hưởng tiền cao”.
Nguyên chủ tịch VFF Dương Nghiệp Chí

Nhật Thành

Bình luận
vtcnews.vn