Cuộc đào tẩu lịch sử và ngã rẽ cuộc đời của Falko Goetz

Thể thaoThứ Hai, 20/06/2011 10:19:00 +07:00

Năm 1983, ngay trước trận đấu ở Cúp châu Âu gặp Partizan Belgrade, Falko Goetz đã cùng Dirk Schlegel ở Berliner FC Dynamo bỏ đội để vượt biên sang Tây Đức

Năm 1983, ngay trước trận đấu ở Cúp châu Âu gặp Partizan Belgrade diễn ra ngày 3.11, Falko Goetz cùng đồng đội Dirk Schlegel ở Berliner FC Dynamo đã bỏ đội để vượt biên sang Tây Đức.

Dù vậy, đó lại là chuyện quá đỗi bình thường với các vận động viên thể thao Đông Đức lúc đó.

Berliner FC Dynamo- “Trạm vượt biên”

Cách đây gần 3 thập kỷ, Berliner FC Dynamo là một trong những câu lạc bộ bóng đá mạnh nhất của Đông Đức. Đây cũng là đội bóng mà Falko Goetz - đương kim huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam, gắn bó lâu nhất trong sự nghiệp quần đùi áo số. Goetz đã khoác áo đội trẻ Dynamo từ năm 1971 đến năm 1980 trước khi được chuyển lên chơi ở một đội tuyển khác.

Biếm họa của báo Đức về vụ vượt biên của Goetz. 

Trong hơn 3 năm thi đấu ở đẳng cấp cao nhất trong màu áo Dynamo, Goetz đã giành được rất nhiều thành công khi đoạt chức vô địch DDR-Oberliga các mùa 1980-1981, 1981-1982, 1982-1983 (mùa 1983-1984 Dynamo cũng vô địch Oberliga, nhưng Goetz do vượt biên ở thời điểm giữa mùa nên không được công nhận danh hiệu này).

Nhưng bên cạnh sức mạnh trên sân cỏ, Dynamo còn được biết đến với biệt danh “Trạm vượt biên”. Lý do rất đơn giản: Do thi đấu xuất sắc và gặt hái được nhiều danh hiệu trong nước nên Dynamo thường xuyên góp mặt tại các cúp châu Âu và đó chính là cơ hội tốt để các cầu thủ có “nhu cầu” vượt biên hiện thực hoá mong muốn của họ mà chuyện của Goetz và Schlegel là một trong những ví dụ điển hình. Nhân một lần tập trung huấn luyện tại Nam Tư (trước đây), Goetz và Schlegel đã lặng lẽ… trốn sang Tây Đức.

Trước Goetz, đã có rất nhiều cầu thủ khác của Dynamo vượt biên. Có thể kể ra những ngôi sao như Lutz Eigendorf, Erich Mielke, Jorg Stasi… Điểm đến của tất cả những cầu thủ này đều là Tây Đức. Nhưng không phải ai cũng vượt biên thành công và sau đó đạt được thành tích xuất sắc như Goetz (đoạt cúp UEFA trong màu áo Leverkusen mùa 1987-1988) mà câu chuyện đau lòng của Lutz Eigendorf là minh chứng rõ ràng nhất.

Khi còn khoác áo Dynamo, Eigendorf là tiền đạo chủ lực khi sở hữu thể hình lực lưỡng và khả năng tì đè, làm tường cũng như dứt điểm một chạm rất tinh tế. Ngày 6.3.1983, Eigendorf “rủ” Mielke và Stasi vượt biên. Hành trình của 3 cầu thủ này dĩ nhiên chẳng hề dễ dàng khi họ đi mà không có sự chuẩn bị, thậm chí Eigendorf còn chẳng thèm gọi điện thông báo với vợ.

Không tiền, không cả giấy tờ tùy thân, 3 ngôi sao của Dynamo lúc nào cũng ở trong tình trạng đói khát và luôn phải lén lút khi nhìn thấy cảnh sát. Khi đến sát bức tường Đông- Tây ở biên giới Đông Đức- Tây Đức, cả 3 bị cảnh sát yêu cầu dừng lại để kiểm tra và họ bỏ chạy. Mielke và Stasi thì không vấn đề gì, nhưng Eigendorf thì bị một chiếc ô tô đâm thẳng vào người và chết ngay tại chỗ. Quá sợ hãi, Mielke và Stasi lập tức quay về và đến hơn 1 tháng sau, họ mới có đủ can đảm thông báo với Gabriele, vợ Eigendorf về cái chết của tiền đạo xấu số này.

Làn sóng vượt biên khổng lồ

Không riêng gì bóng đá, đến trước thời điểm bức tường Đông- Tây sụp đổ, rất nhiều vận động viên tài năng của Đông Đức trước đây thường xuyên vượt biên sang Tây Đức bất kể khó khăn và hiểm nguy.


Axel Mitbauer - một cựu thành viên của đội tuyển bơi lội Đông Đức đã sử dụng chính “tài năng” của mình để vượt biên thành công. Đêm 17.8.1969, Mitbauer, lúc ấy mới 19 tuổi, đã bơi một mạch từ khu nghỉ mát Boltenhagen trên biển Baltic đến khu vực vịnh Luebeck.

Sau này, Mitbauer cho biết: “Tôi hạnh phúc khi là một vận động viên thể thao Đông Đức, nhưng tôi không hài lòng với cuộc sống. Khi ra nước ngoài thi đấu, tôi thấy có sự khác biệt rất lớn giữa thực tế với những gì được biết đến về thế giới bên ngoài qua các phương tiện thông tin đại chúng trong nước”.

Nhưng hành trình của Mitbauer không hề đơn giản. Ngay sau khi “lên bờ”, ông bị bắt giữ và tạm giam 7 tuần trong nhà tù Hohenschoenhausen ở Berlin. Tại đây, tất cả những gì mà Mitbauer còn nhớ được là “đơn độc, tối tăm và những trận đòn khủng khiếp”.

No đòn và sợ hãi, nhưng Mitbauer vẫn đủ tỉnh táo để trốn trại qua một lỗ thoát nước mà sau này, ông tâm sự: “Phải là vận động viên bơi lội đẳng cấp như tôi mới có thể trốn được, không thì chỉ có nước chết đuối”.
May cho Mitbauer là sau khi thoát khỏi nhà giam, ông đã có cơ hội gây dựng lại sự nghiệp trong vai trò một huấn luyện viên khi được theo học giáo dục thể chất ở Cologne và sau đó làm huấn luyện viên tại Italia và Thụy Sĩ.

Theo một số thông tin mật của cảnh sát Đông Đức (cũ), đã có hơn 600 vận động viên Đông Đức vượt biên sang Tây Đức cho đến năm 1989, khi bức tường Đông- Tây sụp đổ. Mục tiêu thì ai cũng như ai: Hy vọng sẽ có một cuộc sống và tương lai tươi sáng hơn. Nhưng không phải ai cũng may mắn và sau đó thành danh.

(Theo Dân Việt)

Bình luận
vtcnews.vn