Cái nhìn khác về vấn đề ngoại binh nhập tịch

Thể thaoChủ Nhật, 02/01/2011 10:05:00 +07:00

(VTC News) - Không có ngoại binh nhập tịch, ĐTVN để thua Malaysia. Nhưng Malaysia cũng không mang một ngoại binh nào đến AFF Cup 2010...

(VTC News) - Đội tuyển Việt Nam đã thất bại trong hành trình bảo vệ danh hiệu AFF Cup và người hâm mộ bóng đá trong nước lại dấy lên luồng tư tưởng là phải đưa các cầu thủ nhập tịch vào đội hình để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực đang mạnh dần lên nhờ lực lượng ngoại binh.

Bài 3: Cái nhìn khác về vấn đề ngoại binh nhập tịch


Khi nhập tịch đã trở thành “mốt”

Indonesia đã thắng như chẻ tre và nổi lên như ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2010 nhờ công lớn của cặp tiền đạo Cristian Gonzales (gốc Uruguay) và Irfan Bachdim (gốc Hà Lan).

Indonesia mạnh hơn nhờ bộ đôi ngoại binh: Irfan Bachdim (17) và Cristian Gonzalez (9). Ảnh biếm họa từ Jakarta Post.

Philippines thì khỏi cần nói, họ đem đến AFF Cup lần này 10 ngoại binh, với 7 cầu thủ thường xuyên đá chính.

Singapore trở thành một “ông kẹ” của vùng trũng cũng nhờ dựa vào lực lượng ngoại binh như Aleksandar Duric (Bosnia), Casmir Agu và Precious Emuejeraye (Nigeria), Daniel Bennett (Anh), Shi Jiayi (Trung Quốc)…

Thái Lan từng sử dụng cầu thủ gốc Thụy Sĩ Peter Laeng trong 2 trận vòng loại Asian Cup 2011.

Thái Lan cũng từng sử dụng cầu thủ gốc Thụy Sĩ Peter Laeng.

Đội tuyển Việt Nam cũng từng gọi vào đội hình những cầu thủ nhập tịch như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La….

Không riêng gì bóng đá, ở nhiều môn Thể thao khác như bóng bàn, cầu lông,…, các quốc gia trong khu vực cũng đưa các VĐV nhập tịch vào đội mà sự vươn lên của Thể thao Đông Nam Á tại Asiad 16 vừa mới kết thúc đã cho thấy tín hiệu tích cực của nó.

Có phải là một hướng phát triển bền vững?

Cái lợi của việc nhập tịch cầu thủ là nhãn tiền, nhưng HLV Calisto lại khẳng định (sau khi đội tuyển Việt Nam thất thủ 0-2 trước Philippines - đội bóng có 7 ngoại binh nhập tịch đá chính): “Ở Đông Nam Á hiện nay, sự phát triển của bóng đá diễn ra theo hai cách, một là nỗ lực tập luyện, hai là nhập quốc tịch cho các cầu thủ nước ngoài. Việc nhập tịch các cầu thủ ngoại, bổ sung họ vào đội hình có điểm lợi là cải thiện được tâm lý thi đấu, khả năng chuyên môn nhưng về lâu dài không phải là một chiến lược tích cực”.

Sức mạnh từ “ngoại lực”: Trong 11 cầu thủ Philippines đá chính ở trận bán kết lượt về với Indonesia chỉ có Ian Araneta (số 23) và Roel Gener (6) là “Philippines xịn”, còn lại 9 người Alexander Borromeo (số 11), James Younghusband (7), thủ môn Neil Etheridge (1), Robert Gier (2), Anton Del Rosario (4), Philip Younghusband (10), Christoper Greatwich (18), Ray Jonsson (27), Jason De Jong (17) đều là ngoại binh nhập tịch. Đâu là bản sắc và truyền thống?

Không có ngoại binh nào trong đội hình, đội bóng của HLV Calisto đã để thua Malaysia với tổng tỷ số 0-2 và bị loại khỏi AFF Cup.

Nhưng ở phía ngược lại, Malaysia cũng không sử dụng bất kỳ một ngoại binh nào tại AFF Cup lần này. Và nếu nhìn xa hơn, người Mã còn “sính nội” hơn cả Việt Nam khi chưa từng gọi một cầu thủ nhập tịch nào vào đội tuyển quốc gia.

Đội tuyển Việt Nam từng có sự phục vụ của các ngoại binh nhập tịch như Đinh Hoàng Max nhưng sau đó thôi sử dụng. (Ảnh: Quang Minh)

Ông Datuk Seri Ahmad Shabery Cheek, bộ trưởng bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia cũng khẳng định, việc nhập tịch các VĐV chỉ là một chính sách “ăn xổi” và có thể cản trở quy trình đào tạo những VĐV đẳng cấp quốc tế.

“Hệ thống bóng đá của Malaysia lúc này vẫn được tổ chức rất tốt. Bất chấp việc chúng ta bước vào giải đấu mà không sử dụng các cầu thủ ngoại, nó vẫn chứng minh được đó là một mô hình thành công và chúng ta vẫn có thể chinh phục được thành tích ở mức độ nào đó. Malaysia đã tham dự Commonwealth Games (Đại hội Thể thao của khối Thịnh vượng chung Anh) và sau đó là Asiad. Vị trí của chúng ta là tốt nhất trong số các quốc gia ASEAN, dù một số nước đã sử dụng các VĐV nhập tịch”, ông Shabery phát biểu trước quan điểm cần phải đưa các ngoại binh vào đội hình sau khi Malaysia thất thủ 1-5 trước Indonesia ở vòng bảng.

Malaysia không sử dụng các ngoại binh mà ưu tiên phát triển đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ. (Ảnh: Quang Minh)

Từ năm 1998, Thể thao Malaysia đã có một đề án sử dụng các ngoại binh nhưng kế hoạch ấy đã phá sản ngay lập tức. “Người Malaysia ủng hộ ý tưởng phát triển Thể thao dựa vào các VĐV của mình. Ảnh hưởng và kết quả của nó là bền vững và ít lệ thuộc vào người nước ngoài”, ông Shabery khẳng định.

Thay vì nhập tịch cầu thủ, người Malaysia chú trọng công tác đào tạo trẻ. Trong số 22 cầu thủ mà HLV K. Rajagopal mang đến AFF Cup, chỉ có 3 người trên 25 tuổi. Thủ môn 21 tuổi Khairul Fahmi chỉ để thủng lưới 1 bàn qua 4 trận ở giải này, trong đó có 180 phút giữ sạch lưới trước ĐKVĐ Việt Nam. Cặp trung vệ Muslim Ahmad - Fadhli Shas chơi rất chững chạc dù độ tuổi trung bình của bộ đôi này chỉ là 20. Các hậu vệ đã thi đấu với ĐTVN, Sabre Abu, Putra Omar và Mahalli Jasuli, đều mới chỉ ngoài 20…

Mô hình làm bóng đá của Malaysia và sự thành công của nó rất đáng để bóng đá Việt Nam học tập.

Chúng ta không thể cứ mãi luyến tiếc Huỳnh Kesley, mà phải tính tới bài toán làm thế nào để đào tạo được những chân sút nội xuất sắc hơn.

Thay vì cứ nhắc tới Đinh Hoàng La, chúng ta nên nghĩ tới cách để Hồng Sơn giữ được phong độ, hay cách để Tấn Trường khắc phục được điểm yếu tâm lý cố hữu của mình…

Vì tương lai của bóng đá Việt, vì giấc mơ thoát khỏi vùng trũng, chúng ta cần những phương án bền vững hơn và thông minh hơn.


Nguyễn Đỉnh

Bình luận
vtcnews.vn