C14 "tuyên chiến" với tiêu cực bóng đá

Thể thaoThứ Sáu, 23/04/2010 02:15:00 +07:00

(VTC News) - Ngày 22/4, VFF và Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) đã cùng ký kết Quy chế phòng chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá.

(VTC News) - Ngày 22/4, VFF và Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) đã cùng ký kết Quy chế phòng chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá. Đây là sự phối hợp cần thiết của C14 nhằm hỗ trợ VFF đảm bảo tính trung thực trong các trận đấu của giải quốc nội cũng như các giải đấu mà ĐTQG tham dự.


Tại buổi lễ, Đại tá Hồ Sỹ Tiến khẳng định C14 sẽ vào cuộc để hỗ trợ đắc lực VFF công tác phòng chống tiêu cực trong các hoạt động bóng đá, đảm bảo cho giải đấu quốc nội cũng như các giải đấu mà ĐTQG tham dự diễn ra trong sạch, lành mạnh.

 

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo chặt chẽ Công an địa phương nơi có các đội bóng tham gia giải đấu, để họ phố hợp cùng BTC giải trao đổi thông tin, điều tra nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tránh để xảy ra những sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng tới niềm tin của người hâm mộ”


Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Cục phó Cục C14. (Ảnh: Quang Minh)
 

Đánh giá về các hiện tượng tiêu cực trên sân cỏ Việt Nam thời gian qua, Đại tá Hồ Sỹ Tiến cho biết: “Tôi cho rằng những vụ việc tiêu cực đã diễn ra ở Việt Nam là chưa nhiều và phần lớn còn mang tính tự phát, chưa nghiêm trọng và phức tạp như các nền bóng đá phát triển trên thế giới, nơi có nhiều tổ chức tài phiệt thao túng các hoạt động bóng đá. Điều này có thể hiểu do nền bóng đá nước ta chưa thực sự đi vào chuyên nghiệp, các CLB thông qua các mối quan hệ (lãnh đạo, BHL, cầu thủ) để nhường nhau tỷ số.”

 

Ngoài ra ông Tiến còn cho biết thêm, vấn đề lo ngại nhất đối với C14 hiện nay chính là xu hướng cá độ quốc tế với sự tham gia của các cầu thủ Việt Nam. Để đối phó với tình trạng này, C14 đang làm đề án “Đấu tranh phòng chống tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc” để trình Chính phủ vào tháng 6 tới. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất tổ chức trung tâm cá cược bóng đá hợp pháp tại Việt Nam, bởi hiện tại, do chưa có trung tâm cá cược bóng đá hợp pháp nên mỗi năm Việt Nam đã thất thoát hàng ngàn tỷ đồng chạy ra nước ngoài.


Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. (Ảnh: Quang Minh)
 

Về phần mình, Chủ tịch VFF, Nguyễn Trọng Hỷ đánh giá cao sự giúp đỡ, tận tình chu đáo của C14 trong suốt 10 năm qua, đặc biệt là ở nhiệm kỳ V (2005 -2009). C14 đã phố hợp với VFF xây dựng nhiều đề án, biện pháp phòng chống tiêu cực tại các giải đấu trong nước cũng như các hoạt động thi đấu quốc tế. Chủ tịch Hỷ nhấn mạnh: “Bóng đá Việt Nam đang đi vào chuyên nghiệp. Để nền bóng đá của chúng ta phát triển mạnh mẽ, trong sạch hơn nữa, việc phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực trong các hoạt động bóng đá là cần thiết…”

 

Trong gần 5 năm qua, C14 đã phố hợp cùng VFF làm rõ nhiều vụ việc tiêu cực trong bóng đá Việt Nam như vụ bán độ liên quan đến 7 tuyển thủ Quốc gia tại SEA Games 23 (2005), vụ tiêu cực liên quan đến trọng tài do trọng tài Lương Trung Việt cầm đầu (2005) và trước đó là vụ việc ở CLB SLNA (2001)…


Sau khi ký kết Quy chế phối hợp phòng chống tiêu cực trong bóng đá, VFF và C14 sẽ có nhiều biện pháp phối hợp, làm mạnh hơn nữa để ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động bóng đá nước nhà thời gian tới. Bên cạnh đó hai bên cũng sẽ kết hợp chặc chẽ để phòng chống bạo lực sân cỏ, đặc biệt là sự quá khích của các CĐV. Hy vọng, với bản ký kết này, VFF và C14 sẽ đưa bóng đá Việt Nam phát triển ngày càng trong sạch, lành mạnh.

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn