Vụ PV bị hành hung: Bóng đá phải sạch từ khâu tổ chức

Thể thaoThứ Hai, 19/04/2010 02:09:00 +07:00

Hiện tượng người của BTC sân lao hành hung PV là một hiện tượng mới nhưng nếu không có biện pháp quyết liệt, nó sẽ trở thành một vết dầu loang khó kiểm soát.

Bóng đá Việt Nam đang ở trong giai đoạn xảy ra những xung đột đa chiều, đa diện. Hiện tượng người của BTC sân lao vào hành hung, ngăn cả phóng viên tác nghiệp với ý đồ thật sự là ngăn những bức hình “nóng” được đưa tới công chúng và dư luận là một hiện tượng mới, hiếm gặp. Thế nhưng, nếu không có biện pháp quyết liệt và tích cực, nó sẽ trở thành một vết dầu loang khó kiểm soát.


Chống bạo lực - mới chỉ chống hiện tượng

Những xung đột mang tính bạo lực của bóng đá thể hiện ở nhiều mảng, nhiều mặt: cầu thủ chơi thô bạo cầu thủ, cầu thủ thô bạo và có hành vi vô văn hóa với trọng tài, thành viên BHL bóp cổ đòi hành hung trọng tài, khán giả chửi cầu thủ, khán giả gây lộn với khán giả khách, khán giả gây lộn với nhân viên an ninh sân và nhân viên an ninh, BTC sân có hành vi bạo lực với phóng viên…

Hành động khiếm nhã rất đáng lên án của Danny (ĐTLA) với M.Nam Định trong trận đấu ở vòng 8 V.League. (Ảnh: Hy Lam) 

Có vẻ như bóng đá Việt Nam, cụ thể là V.League luôn có những lỗ rò mà BTC và VFF cứ bịt chỗ này nhưng hở chỗ kia.

Người ta nhớ lại vụ xô xát giữa các CĐV Nghệ An và Hải Phòng trên sân Vinh ở mùa giải 2008 đã khiến trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi phải từ chức. Có ý kiến cho rằng ông Khôi bị oan vì sự việc xảy ra bất ngờ, ngoài kiểm soát. Nhưng có ý kiến cho rằng, ông Dương Nghiệp Khôi phải chịu hình thức kỷ luật vì là người phải chịu trách nhiệm cao nhất. Trách nhiệm là một chuyện nhưng rõ ràng câu hỏi “giải chuyên nghiệp cần những nhà tổ chức chuyên nghiệp” đã mang đến góc nhìn khác.

Có một thực tế là ngay cả khi TTK Trần Quốc Tuấn lên nắm vai trò trưởng giải thì người trong làng bóng đá vẫn khẳng định là Phó trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi mới là người có tiếng nói quyết định và ảnh hưởng lớn nhất. Không chỉ là ảnh hưởng tới BTC địa phương mà tiếng nói rất có “trọng lượng” với lực lượng giám sát, trọng tài.

Ảnh hưởng ấy tiêu cực hay tích cực còn phải bàn. Song trong vai trò một nhân vật quyền thế núp gió, phó BTC giải Dương Nghiệp Khôi dường như đã “né” được trách nhiệm trong những vụ việc gần đây của bóng đá Việt Nam. Trong khi đó, trưởng BTC giải Trần Quốc Tuấn lại quá bận bịu với những công việc ở vai trò TTK không thể quán xuyến được hết.

Nhìn từ một vụ việc cụ thể như trường hợp của phóng viên Duy Bùi ở Thiên Trường, dư luận phải đặt ra câu hỏi: nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng bạo lực, hành vi vô văn hóa trên sân cỏ và khán đài bắt nguồn từ vai trò rất mờ nhạt của BTC giải với các BTC địa phương?

Đã có những sự thần dần được sáng tỏ xung quanh một vụ việc như thế này khi giám sát trận đấu thì né tránh trách nhiệm, BKL VFF ra quyết định cho có thì rõ ràng không chỉ ở sân Thiên Trường mà các sân khác đang tạo ra những khoản trời riêng.

Bài học của công tác quản lý?

BTC sân rõ ràng còn vướng vào cái gọi là tính “địa phương chủ nghĩa” trong quá trình xử lý vụ việc. Nguyên nhân có từ nhiều phía, từ những lỏng lẻo của những văn bản pháp quy của VFF, từ cách làm việc không thống nhất giữa các an chức năng (như vụ “đá” nhau trong quyết định kỷ luật Công Vinh giữa ban Kỷ luật và ban GQKN), những án phạt không thể gọi là mang tính răng đe (như vụ xử phạt nhẹ sân Lạch Tray)… song trách nhiệm của BTC giải vẫn chưa được đề cập một cách thấu đáo.

BTC giải ra những quy định nhưng chỉ khi vụ việc xảy ra, người ta mới biết rằng rất nhiều những quy định ấy không được thực hiện một cách nghiêm túc.

Trong quá trình làm việc với  Thể thao 24h, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận rằng, theo yêu cầu của FIFA, Ban kỷ luật và Ban Giải quyết khiếu nại phải độc lập, VFF không có quyền can thiệp. Những quyết định của hai ban này có thể sai nhưng VFF vẫn phải chấp nhận.

Tuy nhiên, ông Hỷ cũng nói rằng: “Cần phải nhìn bóng đá Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam”.

Đó có phải là lý do để vụ việc đáng tiếc ở sân Thiên Trường, cuối cùng chính ông Chủ tịch VFF phải trực tiếp ra tay, giải quyết sự vụ trong khi việc này lẽ ra phải thuộc thậm quyền BTC giải và Ban kỷ luật VFF.

Phải chăng BTC V.League, cấp điều hành của VFF đã “làm ăn quá kém”, hoặc lẩn tránh trách nhiệm để rồi lãnh đạo cấp quản lý của VFF, cụ thể là Chủ tịch VFF phải trực tiếp chỉ đạo.

Một lần nữa vai trò và năng lực thật sự của BTC giải lại đang bị đặt một dấu hỏi. Hay là để không để “lòi” ra những yếu kém của mình trong công tác quản lý, người ta đã buộc phải đe dọa “đập bể nồi cơm trọng tài” hay bẻ ngược những báo cáo của giám sát.

Bóng đá sạch là mục tiêu của VFF, nhưng để sạch thì những án phạt và các văn bản pháp quy của VFF hiện giờ có lẽ cũng chỉ để chữa cháy. Gốc rễ của vấn đề là muốn làm bóng đá sạch: VFF đã có quy trình sạch, đã có một BTC sạch và những con người sạch hay chưa?







Bình luận
vtcnews.vn