Phạm Thành Lương: “Ông bầu” đất Ứng Hòa

Tổng hợpThứ Ba, 16/02/2010 07:38:00 +07:00

(VTC News) - Có lẽ bây giờ, bên cạnh niềm tự hào của người Ứng Hòa về thứ đặc sản vịt cỏ Vân Đình, còn có một cái tên cũng "hot" chẳng kém - Phạm Thành Lương.

Nhắc đến Ứng Hòa (Hà Tây cũ), kiểu gì thì cụm từ “Vịt cỏ Vân Đình” cũng xuất hiện trong suy nghĩ của nhiều người. Thương hiệu ẩm thực nức tiếng không chỉ ở Hà thành mà giờ lan tỏa khắp đất Bắc. Nhưng có lẽ bây giờ, bên cạnh niềm tự hào của người Ứng Hòa về thứ đặc sản đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều người thì tên tuổi của người con quê hương Phạm Thành Lương cũng “hot” chẳng kém gì những cháo - tiết canh - vịt nướng Vân Đình.

Tấm lòng cậu bé nhà quê

Ở tuổi 21, Phạm Thành Lương là một chàng trai thành đạt về đường công danh cũng như cuộc sống hạnh phúc của một cậu nhóc mà 5-6 trước còn phải theo bố mẹ ra đồng gồng mình đẩy xe lúa cao quá đầu qua cái dốc Chợ Mới của xã Phù Lưu, lởm chởm đá cuội.  Bóng đá đã làm đổi thay cuộc đời Thành Lương đưa cậu con út trong một gia đình thuần nông trở thành thần tượng của bao người.

 Từ sân bóng Phù Lưu này đã đưa Thành Lương trở thành tên tuổi của BĐVN.

Duyên tiền định đưa Thành Lương đến với bóng đá giống như câu chuyện cổ tích của làng Phù Lưu Thượng. Cậu bé nhỏ choắt, đi học bao giờ cũng được “cô thương” cho ưu tiên ngồi bàn đầu. Bố mẹ đưa đi học bao giờ cũng phải bế lên chiếc xe đạp chở về nhà, lại có thể ngang dọc trên sân cỏ, rất ấn tượng. “Nhiều người cứ bảo tôi ngày trước đi kháng chiến chống Mỹ bị nhiễm chất độc da cam. Bốn đứa con, đứa nào cũng bé tẹo, thằng Lương có vẻ “xấu” nhất, bước đi chân thấp, chân cao. Chẳng biết đằng nào mà lần”, ông Phạm Ngọc Bột - bố Thành Lương lý giải về cậu con út sau này được gọi với cái tên thân mật Lương “dị”.

Nhà Lương chỉ cách cái sân bóng của làng vài bước chân, nhảy qua 1 con mương, trước mặt đã là thảm cỏ mà đám trẻ con, thanh niên trong làng chiều chiều vẫn quần thảo cùng trái bóng, ngay bên cạnh những chú bò, trâu đang tranh thủ “nạp năng lượng” trước khi được lùa về chuồng sau hoàng hôn. Khung cảnh đặc tính thôn quê đã hằn in trong tấm trí Thành Lương khiến cậu bây giờ dù là Tuyển thủ QG rồi nhưng không thể quên được.

Lương bảo, ngày nhỏ cứ đem bò ra đó thả rồi mặc kệ chúng, thế giới của đám trẻ con do Lương “cầm đầu” chỉ còn với trái bóng. Chính ở nơi đó đã khai sinh ra, trở thành bệ phóng cho những tháng năm đưa cậu trở thành cầu thủ đích thực. Lớn lên bên đồng ruộng, từ cái sân bóng của làng, quả bóng từng được bện bằng rơm, vải vụn nên Lương hiểu sự khổ cực của đám trẻ cùng quê và nhất là khát khao được cháy cùng trái bóng.

Thế nên, bây giờ khi đã trưởng thành rồi, cứ mỗi dịp có ngày lễ lớn, Lương lại phi xe máy về nhà lên bàn với xã kế hoạch tổ chức giải bóng đá thanh thiếu niên của xã. Như đợt 30/4 rồi 2/9 năm vừa rồi, Lương hào phóng đóng góp cho xã 10-20 triệu đồng gọi là kinh phí tổ chức giải. Hay mấy năm qua, Lương vẫn đứng ra hỗ trợ kinh phí cho đội bóng của xã đi đá giải của huyện. “Ở quê em có nhiều người đá hay lắm, nhưng không có điều kiện thể hiện nên chưa được “khai quật”, em thấy tiếc nên cũng muốn đóng góp một chút tạo sân chơi cho các bạn. Mình cũng là nhà quê đi lên, góp được bao nhiêu thì cũng gọi là một chút tấm lòng”, giọng hóm hỉnh Lương bộc bạch về quyết định trở thành “ông bầu” của bóng đá xã.

Nói như ông Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phù Lưu, một trong số hơn 50 cụ lão trong làng cuối tuần vẫn nhảy xe buýt vượt 60km ra Hàng Đẫy cỗ vũ cho Lương thi đấu mỗi khi HN.ACB đá ở nhà thì “cậu bé nhà quê” Thành Lương đã và đang thổi luồng sinh khí cho phong trào bóng đá của địa phương, nơi đưa Lương khắc tạc hình ảnh của mình vào trái tim NHM -  “Thằng này đúng là biết trước biết sau. Là ngôi sao bóng đá đấy, nhưng cứ về quê, gặp ai nó cũng dạ, thưa đàng hoàng. Bóng đá xã mấy năm trước tưởng xìu rồi, giờ cháu nó “đầu tư” gây dựng lại, mừng thật. Thanh niên trong xã có sân chơi lành mạnh, chứ không rảnh rỗi quá lại hút chích thì xong đời”.

Tròn một chữ hiếu

Nhà 4 anh em trai (Long-Thành-Đô-Lương) kinh tế gia đình ngày trước chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng. Bố đi đánh Mỹ trở về quê hương với thương tật 71%, không còn khả năng lao động nặng, tận dụng miếng đất trước nhà dựng cái quán vá xăm xe đạp kiếm đồng ra, đồng vào nuôi các con ăn học.

Cuộc sống khổ cực dường như đã hun đúc nên ý chí thép của cậu út Thành Lương. Sinh sau đẻ muộn, Lương già hơn so với tuổi đời của mình khi suốt mấy năm đá bóng, kiếm được bao nhiêu tiền đem về cho bố mẹ, thoát khỏi cái nghèo.

Ông Bột (bố Thành Lương) bên ngôi nhà vừa xây trị giá 800 triệu. Món quà Lương “dị” dành tặng cả gia đình.

Thương bố mẹ ở căn nhà tạm bợ, năm ngoái Lương đưa cho bố 800 triệu cất căn nhà, ở cho tươm tất, sau này còn có chỗ thờ tự tổ tiên ông bà. Hay sắm cho bố với anh trai 2 chiếc xe máy mới cóng bên cạnh đó cũng “lên đời” cho mình chiếc SH cáu cạnh. Đồng tiền kiếm được từ chính công sức của mình, Lương cảm thấy hạnh phúc khi mình đỡ đần được cho gia đình. Chính điều đó thôi thúc, động lực để Lương tiếp tục “chiến đấu”.

Hơn 5 năm  ở HN.ACB, đủ thứ chuyện lùng bùng ở đội bóng này, Lương vẫn giữ mình. Không phải chuyện tạo khoảng cách với phần còn lại qua cách chơi, sống nhưng chắc chắn ý thức nghề nghiệp ở Lương luôn luôn có một sự đảm bảo. Đơn giản như cách nói của cầu thủ sinh ra ở Ứng Hòa này thì “vịt ở Vân Đình hoàn toàn không nuôi kiểu công nghiệp mà được thả, suốt ngày bì bõm ở ruộng nhưng không hôi tanh mùi bùn. Khi lên mâm, chẳng cần tẩm gia vị cũng thơm nức, ngầy ngậy. Ngon mắt, chưa ăn đã no bụng”.

(Báo Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn