Bóng đá Việt thời khủng hoảng: Treo giày cầm hơi?

Thể thaoThứ Ba, 06/11/2012 08:28:00 +07:00

Trên mạng xã hội Facebook, người ta đang lan truyền cho nhau bài báo kể về một phụ nữ, có gia đình, chồng công tác xa, nuôi con nhỏ 10 tháng tuổi.

Trên mạng xã hội Facebook, người ta đang lan truyền cho nhau bài báo kể về một phụ nữ, có gia đình, chồng công tác xa, nuôi con nhỏ 10 tháng tuổi.

Điều gây “xôn xao” nhất chính là với đồng lương công nhân vỏn vẹn 4 triệu/tháng, người phụ nữ này vẫn sống khỏe, thậm chí “còn tiết kiệm được một khoản cho gia đình phòng lúc trái gió trở trời hoặc khi con ốm đau cần thuốc thang”. Riêng tiền lương của chồng, chị để riêng và sau 2 năm, đã có một khoản tiết kiệm lên đến 200 triệu đồng.

Có vẻ như mang dáng dấp một câu chuyện…cổ tích.


Công thức thì đơn giản thôi: “thắt lưng buộc bụng” để giảm chi phí ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên để câu chuyện trở nên hài hước, đã có người kết luận rằng: “Vì giảm chi phí ở mức thấp nhất, hàng ngày chị và con về nhà ông bà…ăn cơm!”

Khủng hoảng không chừa một ai (Ảnh: Quang Minh)

Vấn đề là, trong thời buổi khó khăn, tiết kiệm được khuyến khích nhưng nếu ai cũng hạn chế chị tiêu tối thiểu như vậy thì dòng tiền sẽ đóng băng, sản xuất có nguy cơ đình trệ và tác động xấu tới kinh tế- xã hội. Vậy đâu là điều cần: siêu tiết kiệm hay tăng sức mua?


Đấy là bài toán mà bóng đá Việt đang đối mặt. Nếu muốn tiết kiệm theo cách thắt lưng buộc bụng thì giải pháp tốt nhất đối với các ông bầu là “cắt luôn” bóng đá. Câu chuyện CLB Navibank Sài Gòn bị nhà đầu tư “thoái vốn” hay còn gọi là bán tống bán tháo kiểu sắt vụn cho bầu Thụy đang nóng hổi. Hoặc những đội hạng nhất đang cố gắng “bán mình” mà chẳng nhận được sự mặn mà giao dịch.


Rất nhiều đội bóng và thậm chí cả VPF đang cố uốn các CLB theo lộ trình “thắt lưng buộc bụng” bằng cách giảm số lượng cầu thủ ngoại, đưa ra mức lương trần đối với lương cầu thủ, cấm đưa tiền lót tay…


Hôm qua có một tin rất sốc là các cầu thủ V.Ninh Bình đột ngột “nghỉ tập” như một cách đình công để phản đối ông chủ đội bóng bởi đã 3 tháng họ chưa nhận được lương thưởng. Nếu ở một lúc khác, có lẽ họ đã thành công nhưng trong lúc này, khi bóng đá vẫn được đầu tư theo kiểu “nuôi bằng sữa” thì phản ứng ấy là một sai lầm.

Quá bực tức về thái độ của các cầu thủ, ông chủ V.Ninh Bình yêu cầu ngừng tập trung vô thời hạn. Và có những tin cực độc rằng, thậm chí đội bóng này hoàn toàn có thể bị…giải tán nếu làm ông chủ CLB bực mình.


 Nhiều đội bóng chỉ là phương án kinh doanh của các ông bầu (Ảnh: Q.M)

Điều đáng nói, ông chủ của V.Ninh Bình lại không theo xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, trước đó, chính ông này còn mong mỏi V.League cần thêm những ngôi sao, những cầu thủ ngoại “như sân khấu cần ngôi sao ca nhạc” thì mới mong thu hút được khán giả và nhà tài trợ. Đó là phương án “bơm tiền” để tăng sức mua, kích thích sản xuất thay vì giảm thiểu chi phí.


Ông chủ các đội bóng, tất nhiên không phải là chị phụ nữ tự hào ở thời buổi này 4 triệu/ tháng vẫn sống tốt.

Nó là bài toán kinh doanh.


Cái chết của một đội bóng, nếu có, sẽ thấm vào đâu với con số gần 100 ngàn doanh nghiệp bị khai tử chỉ trong 2 năm qua.


Xét về mặt kinh tế học, chính sự tiết kiệm của những phụ nữ 4 triệu/tháng góp phần khiến các doanh nghiệp ra đi mãi mãi.


Đưa bóng đá về giá trị thật và để các cầu thủ hiểu về giá trị thật của mình là điều cần thiết nhưng trong sự bàn tính của VFF và VPF phải hướng tới sự phát triển.


Và tất nhiên, không thể bắt cầu thủ tiết kiệm chi phí bằng cách yêu cầu họ hàng ngày chạy về nhà bố mẹ…ăn cơm.

Song An (Thể thao 24h)




Bình luận
vtcnews.vn