Tuyển thủ bóng bàn VN đánh nhau chảy máu

Thể thaoThứ Sáu, 19/10/2012 09:00:00 +07:00

Không chịu nổi thái độ của đàn em, Tô Đức Hoàng hất nước vào mặt Tiến Đạt. Sau đó, Đạt xông vào đạp Hoàng từ phía sau. Còn Hoàng quay lại đá Đạt văng vào ghế.

(VTC News)- Thất bại được dự báo trước của bóng bàn Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á càng trở nên u ám với những rắc rối hậu trường.
Lần đầu tiên sau nhiều năm tham dự, bóng bàn Việt Nam đã rời đấu trường khu vực mà không giành nổi một tấm HCV nào. Thành tích 2 huy chương bạc, 6 huy chương đồng của thầy trò Lê Xuân Phong thực sự khiến người hâm mộ nước nhà ngán ngẩm. Song đáng buồn hơn khi cơn sóng ngầm trong lòng đội tuyển còn dẫn đến vụ ẩu đả trong giờ ăn trưa giữa hai tuyển thủ Lê Tiến Đạt và Tô Đức Hoàng.

Theo tường trình ban đầu của VĐV Tô Đức Hoàng (VĐV của CLB bóng bàn Tập đoàn dầu khí quốc gia), nguyên nhân bởi VĐV Lê Tiến Đạt (CLB Quân đội) đã trêu chọc và thậm chí xúc phạm mình trong giờ nghỉ, dẫn đến cảnh 'đấu võ mồm' tại phòng ăn . Tiến Đạt nói: “Anh câm mồm vào đi”. Không chịu nổi thái độ của đàn em, Tô Đức Hoàng hất nước vào mặt Tiến Đạt. Sau đó, Đạt xông vào đạp Hoàng từ phía sau. Còn Hoàng quay lại đá Đạt văng vào ghế chảy máu.

Hành động thiếu suy nghĩ làm tổn hại hình ảnh quốc gia

>> Án phạt đầu tiên cho vụ scandal xấu hổ này

Khóc ngay tại nhà thi đấu

Có một chi tiết được các thành viên đoàn kể lại, sau khi không được lựa chọn vào đội hình chính ra quân ở nội dung đồng đội nam, VĐV Đào Duy Hoàng đã khóc ngay giữa nhà thi đấu và bỏ ra về.

Ở nội dung này, HLV trưởng Lê Xuân Phong đã đưa ra đội hình gồm: Lê Tiến Đạt, Đinh Quang Linh và Trần Tuấn Quỳnh. Sẽ là chẳng có gì phải bàn nếu như ở vị trí tiên phong không phải là tay vợt Lê Tiến Đạt mà thay vào đó là Đào Duy Hoàng, VĐV có thành tích rất tốt trong năm và chỉ đứng sau Trần Tuấn Quỳnh.

 

Gần nhất, vụ 3 tay vợt nam bỏ cuộc tại giải VĐTG năm 2011 gây bức xúc trong dư luận, nhưng cuối cùng đã bị “chìm xuồng”.


 
Tuy nhiên, ngay từ thời điểm HLV Lê Xuân Phong gọi Lê Tiến Đạt (vốn là học trò ruột của mình ở đoàn Quân đội) vào danh sách tập trung ĐTQG, nhiều người đã cho rằng kiểu gì cũng sẽ có chuyện “quân anh, quân tôi” trên tuyển.

Việc bố trí Tiến Đạt trong đội hình đồng đội nam không chỉ khiến Đào Duy Hoàng vì uất ức quá phải khóc, mà cả các VĐV khác trong đội đều phản ứng, dẫn đến trận thua “muối mặt” trước ĐT Indonesia ở bán kết.

Không chỉ xếp học trò của mình đánh ở nội dung đồng đội nam, HLV Lê Xuân Phong ưu ái cho VĐV Tiến Đạt đánh ở 3 nội dung còn lại, nhưng đều thi đấu không thành công. Trong khi đó, Duy Hoàng chỉ được đánh ở đúng nội dung đơn nam, ngay cả khi VĐV này có chuyên môn cao và đánh rất ăn ý với các trụ cột trong đội.

Đây không phải là lần đầu tiên ở đội tuyển bóng bàn có những rắc rối liên quan đến nhân sự. Tiêu chí tuyển chọn VĐV đáng lẽ phải công khai, minh bạch thì ở môn bóng bàn, luôn nhập nhèm, nặng tính “quân anh, quân tôi” hay ưu ái cho người thân quen.

VĐV Tô Đức Hoàng (áo sẫm)
Bởi thế, phía CLB bóng bàn Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã chẳng ngần ngại nói thẳng trường hợp tuyển thủ Huy Hoàng đã 32 tuổi nhưng vẫn được gọi lên tuyển là vì tay vợt này đang là con rể của ông Trưởng bộ môn, trong khi VĐV Tiến Đạt thành tích kém lại là học trò ruột của HLV trưởng.

Cách đây không lâu, khi danh sách đội tuyển nam mới chỉ có 4 VĐV là Trần Tuấn Quỳnh (Hà Nội T&T), Đinh Quang Linh, Lê Tiến Đạt (Quân đội), Đào Duy Hoàng (PetroVietnam) thì bắt đầu có thắc mắc từ phía Hà Nội T&T. Theo họ, nếu Lê Tiến Đạt (Quân đội) được tham dự giải Đông Nam Á thì một tay vợt khác của Hà Nội T&T cũng xứng đáng tham dự.

Phan Huy Hoàng nhiều tuổi hơn Lê Tiến Đạt (32 tuổi so với 19 tuổi) nhưng phong độ ổn định tại Giải vô địch quốc gia năm 2012 (vào đến tứ kết ) và có kinh nghiệm thi đấu ở các giải quốc tế. Trong khi đó, Lê Tiến Đạt mới khẳng định được khả năng ở các giải trẻ.

Trước lập luận của Hà Nội T&T, Ban huấn luyện cũng như bộ môn bóng bàn Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam phải chấp nhận. Thế là danh sách dự kiến có thêm cái tên Phan Huy Hoàng.

'Anh cả' Trần Tuấn Quỳnh bị cho là bỏ tập tại ĐTQG vì lợi ích tại CLB

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại. Quan điểm của CLB PetroVietnam là tay vợt Tô Đức Hoàng của CLB này cũng xứng đáng góp mặt tại Giải vô địch Đông Nam Á vì không thua kém Lê Tiến Đạt và Phan Huy Hoàng.

Theo công văn của CLB PetroVietnam thì: "VĐV Tô Đức Hoàng (21 tuổi) đoạt hạng ba đơn nam tại Giải các đội mạnh toàn quốc và vào vòng tứ kết Giải vô địch quốc gia năm 2012. Nếu xét về thành tích trong năm 2012 thì Tô Đức Hoàng hơn hẳn Lê Tiến Đạt (19 tuổi, Quân đội) - chỉ vào vòng 32 Giải vô địch quốc gia và không dự Giải các đội mạnh.

 

Tuyển thủ Huy Hoàng đã 32 tuổi nhưng vẫn được gọi lên tuyển là vì tay vợt này đang là con rể của ông Trưởng bộ môn.


 
Nếu xét về tuổi thì VĐV Tô Đức Hoàng (21 tuổi) trẻ hơn hẳn VĐV Phan Huy Hoàng (32 tuổi) và có thành tích thi đấu trong năm 2012 ngang bằng. Căn cứ vào tiêu chí tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia của Tổng cục TDTT thì VĐV Tô Đức Hoàng đáp ứng được cả hai tiêu chí là trẻ và có thành tích cao tại hệ thống thi đấu quốc gia".

Chính vì thế, CLB PetroVietnam đã đề nghị Tổng cục TDTT xem lại tiêu chí tuyển chọn đội tuyển bóng bàn nam quốc gia dự Giải vô địch Đông Nam Á 2012 để không sót nhân tài.

Rốt cuộc, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam điền tên cả 6 người vào danh sách sang Lào thi đấu.

Năm ngoái, đội tuyển bóng bàn nam Việt Nam tham dự giải vô địch thế giới đã phải bỏ cuộc gần hết ở nội dung đơn nam do trưởng đoàn không nắm được lịch thi đấu gây tốn kém hàng trăm triệu đồng và ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Tĩnh Tâm (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn