Bầu Đệ bất phục, mắng bầu Đức, đề nghị 'giải tán' VPF

Thể thaoThứ Bảy, 06/10/2012 08:50:00 +07:00

(VTC News)- Trái với những thông tin ban đầu, VPF đã mở cửa cho cánh báo chí để vào tham dự ngay từ đầu buổi lễ tổng kết mùa giải V-League và hạng nhất 2012.

(VTC News)- Trái với những thông tin ban đầu, VPF đã mở cửa cho cánh báo chí để vào tham dự ngay từ đầu buổi lễ tổng kết mùa giải V-League và hạng nhất 2012.

12h: Chủ tịch VPF kết luận hội nghị


Ông Võ Quốc Thắng thừa nhận sẽ mời 28 CLB ngồi lại với nhau trong buổi hội thảo, xác định lại số lượng CLB để tiến hành bốc thăm.

VPF đã tuân thủ quy định, chỉ thị sát sao từ tổng cục TDTT, VFF để làm việc. Tất cả chủ trương, việc làm của VPF có sự đồng thuận cao từ tổng cục TDTT, VFF.

VPF thành lập không vì mục tiêu lợi nhuận, chỉ làm vì bóng đá Việt Nam.  Các thương hiệu lớn đã bắt đầu quan tâm đến bóng đá Việt Nam. Thông tin chi tiết hiện chưa thể tiết lộ,

Bầu Thắng cũng xin nhận khuyết điểm, xem xét cơ cấu lại bộ máy VPF, rất mong nhận được sự ủng hộ từ các bên có liên quan để đưa bóng đá Việt Nam đến thành công trong tương lai.

11h30:
Ông Dũng đề nghị ông Đệ rút lại lời chỉ trích "không phải là người" dành cho thành viên VPF. Nó là một sự xúc phạm không thể chấp nhận được.

Phó chủ tịch VPF Lê Hùng Dũng nhắc nhở mọi người phải chịu trách nhiệm trong các phát ngôn, VPF không có nhiệm vụ trả lời các vấn đề quanh những lời nói bên lề của ông Nguyễn Đức Kiên.

Ông Trần Duy Ly
- Trưởng ban tổ chức giải: "VPF không bao giờ giải quyết yêu cầu riêng từ các CLB, không can thiệp vào công việc chuyên môn. Chúng ta đang hướng đến bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá chuyên nghiệp cũng sẽ tiến theo đúng cách thức của nó. VPF đã nỗ lực hết sức để tổ chức, là lương tâm danh dự của những người làm bóng đá Việt Nam, không thể thỏa mãn yêu cầu của bất cứ ai. Các CLB phải chuyên nghiệp lên, nhìn nhận đúng về luật, từ đó mới làm cho bóng đá Việt Nam tốt dần lên theo thời gian".
11h20: Ông Đệ thẳng thắn phê phán những thành viên VPF chưa trung thực, chưa chịu nhìn nhận vào thực tế: "Những người như thế chưa phải là người".

VPF tới thời điểm này chưa hợp pháp vì đáng ra phải kỉ luật những CLB không nộp tiền (Thanh Hóa là ví dụ).

Có nên chăng, VPF bây giờ chưa phù hợp. Nó cần lộ trình 3 năm hoặc 5 năm chứ không phải theo cách 'cướp diễn đàn', bôi bác Liên đoàn như ngày trước. VPF hiệu quả thế nào, bóng đá phải tuân thủ pháp luật.

Đáp trả, ông Lê Hùng Dũng nói rằng ông chỉ tham gia có 2 hội nghị của VPF nên không thể biết được những phát ngôn của bầu Kiên, ai phát ngôn phải chịu trách nhiệm.

>> Video gây sốc bầu Đệ mắng bầu Đức nhân cách kém

11h: Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ nêu ý kiến

Chủ tịch VFF đặt câu hỏi "Có bao nhiêu CLB đang khó khăn?" từ đó nhắc nhở vai trò của VPF.

Từ  đó, ông Hỷ đề nghị VPF tổ chức hội thảo với sự góp mặt của tất cả các ông bầu. Đấy sẽ là cơ hội để các CLB, các cơ quan chức năng, các địa phương vào cuộc, chia sẻ khó khăn, tìm hướng giải quyết.

Ông Hỷ nhắc lại tình hình kinh tế khó khăn hiện tại của đất nước do đó khuyến khích việc xây dựng lộ trình từ mùa 2014 sẽ trả lương cầu thủ ở mức nào, được quyền sử dụng bao nhiêu cầu thủ ngoại.

Ý thứ 3, ông Hỷ nhắc tới trường hợp nếu có CLB giải thể thì pháp luật sẽ giải quyết thế nào, số phận cầu thủ ra sao, ai được chuyển nhượng, ai sẽ ra đi tự do.

Hiện tại tình hình tạm thời được kiểm soát nhưng mọi việc đều có thể xoay chuyển rất nhanh.

10h40: Phó chủ tịch VPF Lê Hùng Dũng xuất hiện

Ông Lê Hùng Dũng cho rằng đây là một buổi họp rất dân chủ khi có sự tham dự từ phía báo chí.

Ông Dũng hoan nghênh các ý kiến phát biểu rất thẳng thắn suốt từ đầu hội nghị đến giờ.

Một lần nữa, phó chủ tịch VPF khẳng định sự thành lập VPF là đúng luật pháp, được sự công nhận của các cơ quan chức năng đủ thẩm quyền. VPF vì thế là tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá chuyên nghiệp cần một cơ quan tổ chức chuyên nghiệp.

 Ông Lê Hùng Dũng phát biểu đầy đanh thép (Ảnh: Quang Minh)

Trong một năm vừa qua, VPF đã làm được nhiều việc dù rõ ràng điều tốt và mặt xấu luôn đi kèm với nhau. Giải quyết những vấn đề còn tồn tại thế nào thì những người có trách nhiệm sẽ sớm ngồi lại với nhau.

Ông Dũng cũng nhắc khéo bầu Đệ rằng chính mình đã bỏ phiếu thông qua sự hình thành VPF chứ không phải xuất phát từ sự ép buộc.

Thừa nhận sự khó khăn hiện tại của nền kinh tế có ảnh hưởng sâu sắc đến bóng đá Việt Nam, ông Lê Hùng Dũng mong các ông bầu vượt qua giai đoạn 'cùng quẫn' này.

Với vai trò phó chủ tịch VPF, ông Dũng đề nghị hội đồng quản trị VPF khoan công bố lịch thi đấu, tìm hiểu kĩ tình hình của CLB; nếu cần thiết, họp HĐQT, ông sẽ bỏ phiếu phủ quyết.

Với hơn 30% cổ phần tại VPF, ông Dũng khuyên các ông bầu nên tạm gạt cái 'sĩ diện' của mình để ngồi lại với nhau. Cái thời 'đóng dấu ra tiền' đã qua rồi, đã đến lúc phải để CLB tự đứng bằng đôi chân của mình.

Các ông bầu hãy cân đối lại thu chi, không được góp phần thổi giá cầu thủ lên nữa.
 
Ngoài ra, tiền bản quyền truyền hình với phía AVG, tiền tài trợ cũng cần các bên sớm có câu trả lời.

10h10: Đại diện CLB Thành Phố HCM

CLB TPHCM là CLB gây xúc động mùa giải vừa qua khi trở thành hình ảnh tiêu biểu cho một đội bóng nghèo, chạy ăn từng bữa và cuối cùng phải xuống hạng.

Bầu Kiên với giọng ngậm ngùi thừa nhận cảm thấy 'lạnh người' vì bóng đá Việt Nam hiện tại khi bản ngã của các ông bầu quá lớn.

"Bóng đá bây giờ là gì? Liệu có phải là mang mục đích giáo dục như ban đầu hay không?

'Chúng ta hãy quay đầu lại. Đừng chỉ nói mà không làm. Môi trường bóng đá của chúng ta xấu quá. Hãy đừng chỉ trích cầu thủ mà phải xem lại chính mình.

Ai cũng nghĩ mình có cái thế riêng để từ đó tạo ra ảnh hưởng,lợi ích cho bản thân.

VFF, VPF hãy điều chỉnh lại để đưa bóng đá trở về thiên chức của nó: từ thiện, vì cộng đồng, đừng chạy theo đồng tiền, danh hiệu.

Tới đây chúng tôi sẽ mở một học viện đào tạo bóng đá trẻ (không giống mô hình của HAGL) để xây dựng lại đội bóng từ cái gốc của nó.

Dù phải rất lâu nữa chúng tôi mới trở lại được chuyên nghiệp nhưng đó là cách làm mà chúng tôi muốn hướng tới".

10h15: Hội nghị tạm nghỉ giải lao. Các cuộc phỏng vấn bên lề tiếp tục nóng bỏng

Trả lời phỏng vấn giới truyền thông, ông Ngô Lê Bằng tuyên bố tất cả thông tin xung quanh việc các CLB giải thể, rút lui chỉ là tin đồn. Hiện VFF, VPF chưa nhận được bất cứ công văn nào từ đại diện các CLB.

Song ông Bằng cũng tỏ ra thông cảm cho tình hình hiện tại và hứa sẽ tích cực đối thoại với các đội bóng, từ đó tìm ra vấn đề của họ. Mục đích cuối cùng là giữ các CLB ở lại với giải đấu.

Trong trường hợp có các CLB rút lui, V-League, giải Hạng Nhất sẽ vẫn diễn ra với số lượng đội bóng đảm bảo. Về cơ bản VPF sẽ vấn điều hành công tác tổ chức. VFF tin tưởng, đã và đang vào cuộc, hợp tác với nhiều bên để đảm bảo lợi ích cho mọi thành viên trong gia đình bóng đá Việt Nam.
9h58: Đại diện SLNA phát biểu

Ông Nguyễn Hồng Thanh khẳng định lại một lần nữa việc ra đời VPF là cần thiết, khi ra đời nhận được sự ủng hộ triệt để từ phía Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

 

Các ông bầu dù nhiều việc nhưng vẫn xung phong vào làm, đó là việc nên xem trọng.

Ông Thanh nêu ý kiến nên cải cách vấn đề lịch thi đấu để tránh lãng phí cho các CLB.

* 9h45: Bầu Đức chỉ trích bầu Đệ

Bầu Đức phản đối cực kì gay gắt ý kiến của bầu Đệ

Bầu Đức cho rằng bầu Đệ nói không có chứng cứ, nói 10 sai đến 8, sai là sai sơ đẳng.

Bầu Đức cũng khẳng định việc thành lập VPF tất cả đều giơ tay biểu quyết ủng hộ, VFF ủng hộ, tại sao bây giờ lại nói là không công bằng, không dân chủ?

Ông Đức cũng cho rằng các ông bầu nên đóng góp chứ không nên 'phá đám' sự nghiệp bóng đá hiện tại.

Bầu Đệ đứng lên 'cãi nhau trực tiếp' với bầu Đức, đề nghị bầu Đức tôn trọng mình.

9h25: Chủ tịch CLB Thanh Hóa phát biểu ý kiến

- HĐQT phải rút kinh nghiệm vì ngay bản thân ông cũng chưa hề thông qua việc duyệt thu chi
- VPF phải xem xét lại mình vì có nhiều CLB không tâm phục khẩu phục.

Trong buổi họp không cho cơ quan báo chí tham dự, không công bằng, mang tính 'khủng bố'.
Thanh Hóa đã ấm ức suốt cả mùa giải nay.

Bầu Đệ đặt câu hỏi liệu VPF tồn tại có phù hợp không vì vừa đá bóng, vừa thổi còi, không phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

 Bầu Đệ gây sốc ở hội nghị

Bầu Đệ khẳng định nếu VPF muốn tồn tại thì các ông bầu phải rút khỏi ban điều hành. Vì thế, đại diện Thanh Hóa đề nghị đưa các giải trở lại sự quản lý tổ chức của VFF.

Bầu Đệ tuyên bố Thanh Hóa rút lui khỏi HĐQT VPF, chỉ tham gia nếu VFF là đại diện điều hành chứ không phải VPF.

Chủ tịch Thanh Hóa nhận thấy rằng nhiều ông bầu trong ban tổ chức làm việc không hiệu quả, kể cả bầu Đức, bầu Thắng. Lí do: ông bầu quá bận rộn, thường xuyên làm việc qua điện thoại.

Bầu Đệ tố cáo một số ông bầu lộng hành, yêu cầu làm trong sạch, văn minh cách điều hành bóng đá hiện tại.

Vấn đề tiếp theo mà đại diện Thanh Hóa nhắc tới là giá cầu thủ. Mức giá hiện tại là không thể chấp nhận được, do cầu thủ, HLV bắt tay làm giá.

Bầu Đệ nhắc nhở nhiều cơ quan báo chí vì đưa tin một chiều, làm tổn hại tới lợi ích của CLB.

Kết luận: Bầu Đệ đề nghị các ông bầu nghỉ, nhắn nhủ trực tiếp với bầu Thắng- chủ tịch VPF.

Bầu Đệ khẳng định nếu chưa hợp lý thì tạm dừng V-League, phản đối cách làm việc hiện tại của VPF.

9h08: Ông Phạm Ngọc Viễn trình bày dự thảo quy định khen thưởng và hỗ trợ kinh phí cho các CLB tham dự màu giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2013.

Đây là phần cực kì quan trọng, bởi nó liên quan đến gói cứu trợ 50 tỷ đồng mà VPF dự tính tung vào để cứu V-League, Cúp Quốc gia và Hạng Nhất quốc gia.

VPF xây dựng dựa trên việc tham khảo các J-League và nhiều giải VĐQG khác.

Giải thưởng toàn giải tăng từ 5,55 tỷ lên 7,54 tỷ; giải thưởng theo tháng từ 360 triệu lên 560 triệu (đối với V-League). Con số tương ứng ở Hạng Nhất là 2,18 tỷ/mùa và 280 triệu/tháng, Cúp quốc gia là 2 tỷ và các đội thắng vòng 1,2,3 cũng là 560 triệu.

Tổng cộng, số chi vượt lên trên 5 tỷ đồng.

Ngoài ra, các giải thưởng cá nhân cho tất cả các giải đều tăng.

 

* Bắt đầu thu phí các CLB tham dự mùa giải 2013.

- Năm 2012, VPF không thu phí các CLB, giúp CLB chi trả kinh phí đi lại, ăn ở.
- Một CLB yêu cầu đóng 500 triệu tại V-League, 300 triệu với hạng nhất. Tổng là 10,5 tỷ. Như vậy, VPF đã phần nào quay trở lại cách làm của VFF những năm trước đây.
- Điểm khác biệt theo ông Viễn là vì VPF là công ty phi lợi nhuận, nên toàn bộ tiền thu được sẽ dành để hỗ trợ cho các đội tham dự giải đấu, phân chia theo thứ tự trên bảng xếp hạng và nhiều chi phí phát sinh khác.

Dự kiến: Vô địch có 5 tỷ đồng, á quân là 4 tỷ, hạng 3 là 3 tỷ đồng. Đội xuống hạng cũng có 1 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Ngọc Viễn đây là một trong những biện pháp giúp nâng cao thái độ thi đấu, tránh tiêu cực về cuối mùa giải.

Đồng thời, VPF cũng đề ra hàng loạt các 'quy chế' khác dành cho CLB. Theo đó, các đội bóng phải thi đấu fair-play đến cuối mùa giải, mọi sai phạm đều sẽ được tính toán, trừ điểm và trừ tương ứng vào tiền thưởng cuối mùa.

Hiện tại, VPF đang xây dựng các tiêu chí để thực hiện việc 'thưởng, phạt' công bằng, hiệu quả và sẽ thông báo tới các CLB trong thời gian tới.

8h45: Ông Trần Duy Ly báo cáo vắn tắt tổng kết mùa giải.

Trong báo cáo, ông Ly đã thẳng thắn đưa ra các mặt làm được cũng như hạn chế của mùa bóng vừa qua. VPF thừa nhận những hiện tượng tiêu cực vẫn còn tồn tại do di chứng của lịch sử. Tuy nhiên, bằng việc mời các cơ quan điều tra Bộ Công An vào cuộc, thành lập Ban tư vấn đạo đức nên tính công bằng đã được nâng lên.

Song dù được sự tư vấn từ các thành viên trên, việc xử lý các trận đấu tiêu cực ở cuối mùa giải vẫn rất khó khăn vì không đủ chứng cứ.

Tóm lại: VPF đã đạt được những thành quả bước đầu, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển và đạt được những thành công trong các mùa giải sau.

Bắt đầu từ 8h30, đại diện VPF, VFF, các CLB và giới truyền thông đã bắt đầu hội nghị tổng kết mùa giải V-League, Hạng Nhất 2012.


Nhạc Dương, Quang Minh (Trực tiếp từ TPHCM)

Bình luận
vtcnews.vn