Mất tích ở Olympic: Chuyện cơm bữa của thể thao VN

Thể thaoThứ Tư, 15/08/2012 02:52:00 +07:00

(VTC News)- Nhiều VĐV Việt Nam cũng đã mất tích một cách bí ẩn khi tham gia các giải đấu thể thao quốc tế.

(VTC News)- Hầu như tất cả các sự kiện thể thao lớn được tổ chức tại một quốc gia phát triển, VĐV bỏ trốn, mất tích xảy ra như cơm bữa.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng, những quốc gia kém và đang phát triển là những nạn nhân đầu tiên chịu ảnh hưởng. Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng khiến không ít người dân đánh mất cơ hội có công ăn việc làm và duy trì cuộc sống.

Tới các nước phát triển, văn minh tìm cơ hội đổi đời luôn là suy nghĩ, trăn trở của tầng lớp người nghèo. Bởi vậy, làn sóng nhập cư từ khu vực châu Phi, châu Á sang các nước Mỹ, Anh, Pháp những năm gần đây liên tục tăng về số lượng.

Ngoài những người được cấp phép chính thức rất hạn chế, phần lớn còn lại lựa chọn con đường nhập cư trái phép. So với những chuyến vượt biên theo thông lệ đầy đắt đỏ và nhớ đời như nằm thùng xe tải, khoang chở than của tàu thủy, chịu đựng môi trường sống chật chội, hôi hám, đầy nguồn bệnh, việc nhập lậu dưới hình thức "bám càng" các đoàn thể thao quốc tế nhẹ nhàng và dễ dàng hơn nhiều.

VĐV Châu Phi bỏ trốn hàng loạt

London 2012 ngày thi đấu thứ 10, thông tin 7 VĐV đoàn thể thao Cameroon gồm 5 võ sĩ, 1 cầu thủ bóng đá nữ và 1 kình ngư đột ngột biến mất khỏi làng Olympic không để lại dấu vết gây sự chú ý đặc biệt của các phương tiện thông tin truyền thông.

 

7 VĐV Cameroon bỏ trốn sau Olympic

Những ngày tiếp theo, có thêm 8 VĐV, quan chức từ các quốc gia Sudan, Congo, Ethiopia được thông báo đã "bốc hơi" đầy bí ẩn. Trước hàng loạt sự vụ xảy ra, ủy ban di trú Anh quốc tỏ ra khá bình thản. Họ không lạ gì những câu chuyện tương tự.

Cách đây một tháng, chính các nhân viên của ủy ban này đã phải tiếp lá đơn xin tị nạn chính trị từ một VĐV Sudan ngay sau khi anh này đặt chân xuống sân bay Heathrow được vài giờ. Đây là một trong số khoảng 50 nghìn lá đơn xin tị nạn mà ủy ban nhập cư Anh quốc nhận được hàng năm. 

Kinh tế khó khăn, không đảm bảo cho việc tập luyện hàng ngày và duy trì thành tích là lý do các VĐV đến từ lục địa đen "đào ngũ". Theo thống kê của trang web allafrica.com, có những liên đoàn Olympic châu Phi như Mozambique, Sudan nợ lương VĐV tận... một năm. Đối với các VĐV không nằm trong diện cạnh tranh được huy chương ở các giải đấu, họ chỉ được chi trả vừa đủ cho việc ăn uống, duy trì thể lực. Ngoài ra, không có thêm khoản phụ phí nào để hỗ trợ gia đình, người thân.

"Không phải chúng tôi muốn ở lại đây vì không yêu đất nước mình mà bởi chúng tôi muốn được theo đuổi môn thể thao yêu thích. Chúng tôi muốn trở thành những VĐV chuyên nghiệp. Chúng tôi không thể trở về châu Phi. Nếu trở về, chúng tôi sẽ không còn cơ hội nữa", võ sĩ boxing Thomas Essomba người Cameroon, một trong những VĐV bỏ trốn trần tình

VĐV Việt Nam cũng "mất tích"

Câu chuyện tự ý rời bỏ hàng ngũ khi chưa kịp thi đấu không chỉ diễn ra ở riêng London 2012. Tại World Cup 2010, 4 cầu thủ Triều Tiên bị nghi ngờ đã đào ngũ không thành công trên đất Nam Phi. Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung được tổ chức tại Manchester, Anh quốc năm 2002, nước Sierra Leone cử một đoàn 30 thành viên đến tham dự nhưng khi ra về đoàn chỉ còn lại 10 người.

Rowling Việt Nam bẽ mặt trên đất Australia

Cũng tại Đại hội Thể thao khối Thịnh vượng chung năm 2006 tại Melbourne, Australia, 9 vận động viên người  Sierra Leone, Tanzania và Bangladesh đã "mất tích".

Đặc biệt, Việt Nam cũng từng có hàng chục VĐV đào ngũ trong các chuyến tập huấn và thi đấu tại các sự kiện thể thao quốc tế. Tai tiếng nhất phải kể tới vụ ba đô vật Tạ Đình Đức, Nguyễn Hữu Kim, Xí Hữu Sơn rủ nhau bỏ trốn khỏi làng vận động viên tại Asiad Games Busan, Hàn Quốc năm 2002. Thời điểm đó, xứ sở Kim Chi được coi là thiên đường xuất khẩu lao động tại châu Á và là giấc mơ đổi đời của hàng loạt người dân nghèo Việt Nam.

Thông tin bộ ba đô vật được lan truyền trong tâm trạng vừa trách vừa thương của giới truyền thông cũng như người hâm mộ nước nhà.

Trước đó, trường hợp đầu tiên VĐV người Việt ở lại "làm kinh tế" là hai tuyển thủ giấu tên ở môn đô vật trong một chuyến tập huấn tại Nga năm 1996.

Mới nhất, vụ việc gây xôn xao làng thể thao Việt Nam là hai VĐV đua thuyền Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn bỏ trốn trong ngày cuối cùng tập huấn tại Australia hồi tháng 3/2012 (kéo dài một tháng). Đáng chú ý, đây là cặp VĐV được đầu tư để tham dự vòng loại Olympic London. Cả hai VĐV đều để lại toàn bộ đồ đạc lẫn hộ chiếu và có ý định ở lại xứ sở chuột túi sinh sống cùng người thân.

Kết cục không ngờ

Hầu hết các VĐV châu Phi từ bỏ nghề nghiệp VĐV thể thao chuyên nghiệp để hành nghề... rửa chén, bưng bê phục vụ tại các quán cà phê. Việc nhập cư lậu khiến họ chẳng thể nuôi mộng tiếp tục tỏa sáng trên sàn đấu thế giới như vọng tưởng.

Vật không phải là môn thể thao mang đến cơ hội đổi đời thực sự cho nhiều VĐV

Một thành viên trong bộ ba đô vật Việt Nam "đào tẩu" ở Busan đã không may mắn bị cảnh sát bắt giữ khi đang làm phu bốc vác. Anh này bị trục xuất về nước và sau đó cũng hết đường trở lại đội tuyển, phải tuyên bố giải nghệ.

Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn đã vỡ mộng tìm kế sinh nhai tại Australia khi lãnh đội Việt Nam thông báo đến đại sứ quán, cảnh sát và họ hàng của hai VĐV này. Chân ướt chân ráo, lại không dám bắt liên lạc với người thân, họ khó có thể lưu lại lâu nơi đất khách.

Có thể nhận thấy, ước vọng đổi đời là nhu cầu chính đáng với mọi VĐV. Nhưng cái cách họ đặt tinh thần thể thao chân chính, danh dự quốc gia sang một bên và nhận lại những kết cục chẳng "như là mơ" nơi đất khách thực sự khiến những người thân, đồng hương chạnh lòng.

Lý Sơn (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn