Robinson trong bóng đá: Mơ World Cup từ đảo hoang

Thể thaoThứ Bảy, 21/07/2012 09:24:00 +07:00

Hai gã phiêu lưu quèn người Anh, chưa hề chơi bóng chuyên nghiệp nhưng lại trở thành HLV của một ĐTQG ở một vùng đất bị thế giới lãng quên.

Bạn sẽ biến giấc mơ của mình thành hiện thực miễn là nuôi được ngọn lửa đam mê và khát vọng. Đó chính là câu chuyện về 2 gã phiêu lưu quèn người Anh, chưa hề chơi bóng chuyên nghiệp nhưng lại trở thành HLV của một ĐTQG ở một vùng đất bị thế giới lãng quên.

ĐTQG của họ chỉ toàn những thổ dân hoang dã và chưa được xếp hạng FIFA. Nhưng có hề gì, miễn là họ thực hiện được giấc mơ điên rồ của mình và khơi dậy được tình yêu bóng đá ở nơi xa ngái cuối chân trời đó.    

Ý tưởng điên rồ của 2 gã phiêu lưu mơ mộng

Ngày 21/7/2007, Anh thua Croatia 1-2 tại trận cuối vòng loại EURO 2008. Trong nỗi tuyệt vọng, BLV trên truyền hình Anh vẫn lạc quan tếu: “ĐT Anh vẫn có thể giành vé đến Áo và Thụy Sỹ nếu Andorra đánh bại Nga”. Chẳng ngờ, câu bình luận vu vơ đó trở thành cảm hứng để hai anh chàng giàu trí tưởng tượng ở London bắt đầu một hành trình không tưởng của mình.

Giấc mơ hoang đường nơi đảo hoang

Đội tuyển bóng đá quốc gia Pohnpei

Một anh chàng phóng viên cho một tờ báo nhỏ có tên Paul Watson ngồi ở nhà xem bóng đá cùng anh bạn thân Matt Conrad làm nghề sản xuất phim tư nhân. Họ mới 22 tuổi có điểm chung là yêu bóng đá và giàu trí tưởng tượng. Tài năng chơi bóng của họ cũng dừng ở mức “phong trào”, thậm chí đã từng bị loại ở “vòng gửi xe” trong đợt đội bóng họ hâm mộ là Bristol tuyển tài năng cách đó 7 năm.  
Nhưng lúc nghe BLV nói về Andorra, 2 gã này nói với nhau: “Đánh bại Nga à, Andorra quá yếu để làm được điều đó. Đến mình cũng thi đấu tốt ở đội này”. Đột nhiên, một tia chớp lóe lên trong đầu 2 gã: Tại sao không tìm cách gia nhập các ĐT yếu để có hội thi đấu ở những giải lớn. Ngay lập tức, Paul và Matt tìm hiểu nhiều nền bóng đá lạc hậu “tiềm năng” nhưng chẳng thấy ở đâu phù hợp. Nơi thì điều kiện sống không an toàn, nơi thì thời tiết khắc nghiệt...

Paul kể với tờ The Sun: “Với 150 đội bóng trên bảng xếp hạng FIFA, chúng tôi không có cơ hội cạnh tranh. Chúng tôi lang thang trên mạng tìm kiếm những vùng đất hẻo lánh và tình cờ tìm ra một cái tên rất lạ: Pohnpei. Chúng tôi tìm hiểu nơi này và nhận ra đây chính là nơi mình cần tìm”.

Matt Conrad (trái) và Paul Watson

Tuy nhiên giấc mơ của họ phải điều chỉnh ngay khi họ liên hệ được với quan chức thể thao nơi đây: Để trở thành công dân và thi đấu cho ĐT Pohnpei thì họ phải sống ở đây 5 năm. Sự tuyệt vọng khiến Paul đã nảy ra sáng kiến: “Trong lúc chờ được trở thành tuyển thủ của Pohnpei, chúng ta sẽ làm HLV dẫn dắt ĐT này”.

Ý tưởng này được Matt ủng hộ cả hai tay và hai anh chàng này khăn gói... đi học làm HLV ở một trường đào tạo bóng đá ở ngoại ô London trong vòng một năm rưỡi. Vốn chẳng giàu có gì, họ phải bỏ việc, hy sinh mọi thú vui, chấp nhận sống tằn tiện để có tiền mua vé máy bay sang Pohnpei. Đó thực sự là cuộc phiêu lưu mạo hiểm vì 2 gã chỉ dành dụm đủ để mua vé đi, còn vé về thì tùy số phận. Sau khi nhận bằng HLV, họ tấp tểnh lên đường làm “Robinson thời hiện đại của bóng đá”.

Biến người béo thành cầu thủ

Tháng 7/2009, Paul và Matt bắt đầu khởi hành chuyến phiêu lưu. Họ từ London bay sang Australia, rồi bay tiếp đến Pohnpei, tổng cộng là 28 giờ bay. Khi tới Pohnpei, họ nhận ra đây là một hòn đảo khá đẹp nhưng hoang sơ và hầu như tách biệt khỏi thế giới.

Thật ra, Pohnpei không phải là một quốc gia mà nó là một trong 4 bang của Liên bang Micronesia, nằm trên quần đảo Senyavin thuộc quần đảo Caroline nằm giữa Thái Bình Dương. Pohnpei chính là hòn đảo rộng nhất khoảng gần 350 km2 với số dân gần 36.000 người. Điểm đặc biệt nhất của hòn đảo này chính là lượng mưa hàng năm cao nhất thế giới (7.600mm).


Cư dân ở đây cũng nổi tiếng về độ hiếu khách, chủ yếu làm nghề chài lưới và cuộc sống khá vất vả. Doanh thu về du lịch ở đây không phát triển vì nó chẳng có những bãi biển thơ mộng, những cảnh đẹp nên thơ mà chỉ có những khu rừng nhiệt đới nóng ẩm đầy muỗi, côn trùng và thằn lằn. Trên bảng xếp hạng thu nhập bình quân đầu người, họ chỉ xếp ngang với Lào và Campuchia.



Sau vài ngày ở Pohnpei, Paul và Matt cảm thấy công việc HLV là khó khăn nhất trên đời. Để có được một ĐTQG tốt, trước hết phải thành lập giải đấu và có cầu thủ. Nghĩ là làm, hai chàng người Anh chạy đôn chạy đáo để thành lập các đội bóng làng và huấn luyện họ chơi bóng. Đa phần thanh niên ở đây đều phải đầu tắt mặt tối lo kiếm sống. Một điểm khác nữa là dân ở đây đa phần là người béo phì nên càng ngán cái món thể thao chạy hùng hục đuổi bóng.

Thế nên, Paul và Matt phải ra sức vận động thanh niên chơi bóng, để chí ít có được thân hình gọn gàng khỏe mạnh. May mắn thay, từ lúc 2 chàng đến đây, những thiếu nữ Pohnpei mê như điếu đổ vì vóc dáng săn chắc. Do đó, nhiều trai tráng thổ dân cũng nghe lời rủ rê chơi bóng của Paul và Matt để hy vọng mình cũng được như thế.

Chuyện giày và áo đấu thì không khó vì họ có thể gửi thư xin đồ cũ từ các đội bóng ở Australia. Nhưng chuyện sân bóng thì mới là vấn đề nan giải vì trước khi Paul và Matt đến, đảo Pohnpei không hề có sân bóng nào. Hai chàng người Anh phải thuyết phục dân ở đây dành khoảng đất trống và cùng nhau cải tạo thành mặt sân. Bộ đôi Paul - Matt hì hục ngoài trời nắng cả tháng cùng với những thanh niên nhiệt tình mới tạo ra một mặt sân tạm ổn.

Giấc mộng lớn tại sân chơi World Cup


Sau khi có sân thì phải tìm cách thành lập được khoảng 3-4 đội bóng làng tham gia “giải vô địch quốc gia”. Nói thì dễ nhưng việc thành lập đội bóng lại không dễ chút nào. Từ những gã trai to béo ục ịch, 2 gã phải lựa chọn những người có khả năng nhất để tạo thành các đội bóng. Thế rồi mọi chuyện cũng hòm hòm.

Sau vài tháng tuyển mộ, đào tạo và xây dựng được các đội bóng làng một cách quy củ, 2 gã tổ chức giải “Vô địch quốc gia” và dựa vào màn trình diễn của các cầu thủ để chọn ra những người tốt nhất cho ĐTQG. May mắn thay, những hành động điên rồ của họ không vô nghĩa. Cảm động trước hành động của hai gã điên người Anh, Ủy ban Olympic của Liên bang Micronesia đã quyết định tài trợ một phần trong dự án đội tuyển quốc gia Pohnpei của HLV Paul và trợ lý Matt.

Từ đó, 2 gã được ở miễn phí trong một khách sạn địa phương. Sau đó, hãng hàng không Coyne Airways đứng ra tài trợ cho đội tuyển và họ có phương tiện để đi giao hữu quốc tế quanh châu Đại Dương.

Những trận cầu quốc tế đầu tiên của ĐT Pohnpei là những cơn mưa bàn thua. Trong trận gặp ĐT Guam, Pohnpei thua 1-16 và được mệnh danh là đội tuyển kém nhất thế giới. Nhưng Paul và Matt không nản chí vì sự kém cỏi của ĐT Pohnpei vì họ tin rằng theo thời gian thì đội bóng sẽ cải thiện trình độ.

Tờ The sun hỏi họ: “Các anh có muốn hồi hương không?” thì nhận được câu trả lời nghiêm túc nhưng đầy hóm hỉnh: “Đây đã là quê hương của chúng tôi, nơi biến giấc mơ hoang đường thành hiện thực. Ở Anh, chúng tôi chỉ là những công dân quèn, nhưng ở đây, chúng tôi là HLV của ĐTQG, là cầu thủ trụ cột và là mục tiêu săn tìm của những cô gái xinh đẹp. Chúng tôi đã có tình yêu ở đây”.
Ít ra đến năm 2014, Paul và Matt có thể trở thành công dân của Pohnpei để trực tiếp xỏ giày ra sân. Họ đang nuôi hy vọng sẽ cùng Pohnpei tham gia vòng loại World Cup 2018. Còn công việc hiện giờ của họ là tập luyện dưới nắng và gió ở Thái Bình Dương.

VÀI NÉT VỀ POHNPEI

- Diện tích: 35.000km2
- Dân số: 36.000 người
- Cách London (Anh) 8.000 dặm (12.800km)
- 90% dân số ở Pohnpei bị béo phì
- Lượng mưa hàng năm: 7.600mm (cao nhất thế giới)
- Thể thao thế mạnh: Leo núi, lặn biển
- LĐBĐ: Thành lập năm 1999; Thứ hạng FIFA: Chưa được xếp hạng
- HLV: Paul Watson; Trợ lý: Matt Conrad








Theo BĐPlus

Bình luận
vtcnews.vn