Vụ gạ mua độ ở ĐTLA: Chống tiêu cực kiểu gì?

Thể thaoThứ Bảy, 19/05/2012 11:58:00 +07:00

Theo hướng này, cầu thủ Thành Trung nhiều khả năng bị VFF, VPF cấm thi đấu (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) các giải đấu do VFF, VPF tổ chức.

Khi ĐT.LA gửi công văn cho VPF rồi làm ầm ĩ nên vụ 2 cầu thủ Nhật Tân, Thanh Hải bị cầu thủ Thành Trung lôi kéo bán độ, hầu hết báo chí và dư luận đều hướng quan điểm là Gạch đang chống tiêu cực trong bóng đá. Thế nhưng có đúng là “chống tiêu cực” hay không, cần phải nhìn nhận dưới góc độ pháp luật.

Bằng chứng không đủ mạnh
Hôm qua, chúng tôi đã tham khảo 2 luật sư về vụ việc mà ĐT.LA vừa đưa ra để tìm hiểu hướng xử lý về mặt pháp luật, rằng vụ việc này có đủ yếu tố cấu thành vụ án hình sự hay không thì nhận được câu trả lời: “Rất ít có khả năng nếu không muốn nói là không”.
Thứ nhất, việc Thành Trung rủ rê, lôi kéo Nhật Tân, Thanh Hải bán độ về luật xếp vào tội danh: “Đánh bạc hay tổ chức đánh bạc”. Tức là giống như trước đây ở SEA Games 23, Quốc Vượng rủ rê 6 đồng đội ở tuyển U.23 làm độ trận gặp Myanmar.
Chống tiêu cực, chống kiểu gì? 
Thứ hai, với tội danh “Đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc” trong bóng đá thì yếu tố đủ để tiến hành khởi tố vụ án là phải có tang chứng, vật chứng cụ thể (có thể hiểu nôm na là bị “bắt tại trận” hoặc có bằng chứng rõ ràng ở khâu giao dịch cuối cùng, tức giao nhận tiền).
Chính vì thế, việc 2 cầu thủ ĐT.LA bị lôi kéo bán độ rất ít khả năng khởi tố thành vụ án hình sự là bởi “giao dịch” chỉ mới dừng lại bằng miệng (được ghi âm lại theo như phía ĐT.LA thông tin). Phía Thành Trung là người môi giới làm độ cũng bào chữa là “chỉ nói đùa cho vui”. Trong khi CLB XM F.Tây Ninh cũng phủ định sự liên quan về việc và cá nhân Thành Trung. Như vậy, tang chứng vật chứng đều không có, trong khi bằng chứng (băng ghi âm) cũng không đủ mạnh.
Không đủ yếu tố cấu thành vụ án để khởi tố hình sự, nhiều khả năng scandal mà ĐT.LA đưa ra chỉ có thể xử lý dưới góc độ của tổ chức xã hội nghề nghiệp là VFF hay cơ quan tổ chức thi đấu là VPF. Theo hướng này, cầu thủ Thành Trung nhiều khả năng bị VFF, VPF cấm thi đấu (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) các giải đấu do VFF, VPF tổ chức.
Chống tiêu cực… “kiểu của Gạch” ?
Xâu chuỗi lại vụ việc, nhiều ý kiến đánh giá nếu ĐT.LA thực sự muốn chống tiêu cực thì họ đã lựa chọn hành động khác. Đó là ngay lập tức, bên cạnh việc gửi báo cáo lên VPF thì lãnh đạo ĐT.LA thông tin cấp tốc cho cơ quan điều tra. Nếu thực sự Thành Trung và CLB F.Tây Ninh có ý định mua độ thì việc “giăng một chiếc bẫy” đối với cơ quan điều tra để củng cố vững chắc bằng chứng, tang chứng vật chứng là việc không quá khó.
 
Cần nhớ rằng, vụ mua bán độ ở Bacolod năm 2003 được lôi ra ánh sáng không đơn thuần chỉ nhờ hành động tố cáo của đội trưởng Tài Em. Khi Quốc Vượng và 6 tuyển thủ U.23 VN đứng trước vành móng ngựa, cơ quan tố tụng đã đưa ra một loạt bằng chứng là những trao đổi của Quốc Vượng từ Philippines về Việt Nam hay các cuộc gọi giữa các đối tượng liên quan trong vụ bán độ này ở Việt Nam đều được cơ quan điều tra ghi âm. Có thể hiểu, một “chiếc bẫy” đã được giăng ra và việc Tài Em tố cáo chỉ là cái cớ trực tiếp.
Trở lại vụ ĐT.LA tố cáo 2 cầu thủ bị lôi kéo bán độ thì trình tự làm việc của Gạch là gửi báo cáo lên VPF rồi sau đó là “bắn tin” cho một số tờ báo. Thậm chí, có tờ báo còn tiếp cận và phỏng vấn Thành Trung đồng thời khi vụ việc được tung ra báo chí. Ngược lại khi scandal được 1 ngày thì mới có thông tin cơ quan điều tra đã… vào cuộc khi gặp lấy lời khai của Nhật Tân, Thanh Hải và Thành Trung. Vì sao lại có sự “tréo cẳng ngỗng” như thế?
“Nếu giả sử Thành Trung và CLB F.Tây Ninh thật sự đứng đằng sau vụ mua độ thì họ đủ thời gian bàn bạc, xóa bằng chứng, sự liên quan với nhau để đưa vụ án đi vào ngõ cụt”, một luật sư kết luận.

Nguyên An (TT24h)

Bình luận
vtcnews.vn