Chuyện chưa kể về trận đấu lịch sử do Bác Hồ khởi xướng

Thể thaoThứ Bảy, 19/05/2012 08:15:00 +07:00

Khi hai đội đứng xếp hàng trên sân chào khán giả, Ban tổ chức và trọng tài đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống vạch giữa sân để đá quả bóng danh dự.

Ngày 8/3/1946 là một mốc thời gian đáng nhớ với ngành Thể dục - Thể thao Việt Nam. Buổi sáng hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm trường Cán bộ thể dục Việt Nam để xem xét địa điểm tập luyện, học tập và nơi ăn ở nội trú của các học viên tại Việt Nam Học xá. Đến buổi chiều, Người ra sân SEPTO (sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội ngày nay) để dự buổi khai mạc Hội khỏe và dự khán trận đấu giữa đội Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu với đội Vệ Quốc đoàn.

TRẬN ĐẤU BÓNG ĐÁ ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM ĐỘC LẬP

Trận đọ sức trên sân cỏ giữa 2 lực lượng tuyên truyền và vũ trang tại thủ đô Hà Nội này được ghi nhận là trận bóng đá đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, mở đầu cho hoạt động bóng đá của bộ môn bóng đá (năm 1946 gọi là môn bóng tròn). Có khá nhiều danh thủ hồi đó tham dự trận cầu lịch sử này như Bích, Phương, Goòng, Thìn A, Tư Biêu, Đường, Hợi, Bưởi, Tý Bồ, Man... (bên phía Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu) và Thành, Thái, Kỳ, Chí, Dứa, Đức, Cầu, Lộc, Hợi, Trường, Phú (bên phía Vệ Quốc đoàn).

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sân SEPTO trong bộ quần áo kaki màu trắng giản dị. Khi hai đội đứng xếp hàng trên sân chào khán giả, Ban tổ chức và trọng tài đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống vạch giữa sân để đá quả bóng danh dự, thay tiếng còi khai mạc trận đấu. Có thể nói vui rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “cầu thủ” chạm bóng đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Về sau, trong một số trận đấu, Ban tổ chức thường mời Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống đá quả bóng khai mạc. Ví dụ như ở lễ khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xuống sân đá quả bóng danh dự nhưng Người không đá về phía khung thành nào mà lại sút ra khu vực khán đài B và tươi cười giải thích: “Bác mong các chú trọng tài và cán bộ TDTT hãy công tâm trong công việc”. 

TRẬN ĐẤU LỊCH SỬ DO CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH KHỞI XƯỚNG

Chỉ vài tháng sau khi dự khán và đá quả bóng khai mạc trận đấu đầu tiên đáng nhớ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang công cán ở nước Pháp hơn 4 tháng (từ tháng 6-10/1946). Ngày 20/10/1946, ngay sau khi đặt chân xuống cảng Hải Phòng từ chiến hạm Dumond D’Urville do Pháp bố trí để đưa phái đoàn đàm phán Việt Nam về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị tổ chức một trận đấu bóng đá giao hữu đặc biệt giữa đội tuyển Hải Phòng và các thủy thủ Pháp đang phục vụ trên chiến hạm.

 

Thời điểm đó, tình hình chính trị ở Việt Nam và cụ thể là ở Hải Phòng đang rất phức tạp do thực dân Pháp trở mặt gây hấn bằng những động thái khiêu khích quân sự trắng trợn. Các lực lượng phản động lợi dụng tình hình này đã tăng cường các vụ bắt cóc, ám sát và giết người... khiến cho Chính quyền Cách mạng non trẻ và các lực lượng công an, tự vệ của ta phải đối phó hết sức vất vả.

Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những nước cờ chính trị hết sức khôn khéo như Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946 để giữ sinh mạng của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa còn đang non trẻ. Sau khi xuống tàu, Người đã có buổi nói chuyện ngắn gọn với nhân dân Hải Phòng tại Trường Cán bộ nữ thanh niên ở Đền Nghè về kết quả cuộc hội đàm với Chính phủ Pháp, đồng thời yêu cầu cán bộ và nhân dân Hải Phòng phải bình tĩnh, sáng suốt đối phó với âm mưu của kẻ địch và kiên quyết không được manh động.

Kết thúc buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ tuyên bố: Ngày mai, mời đồng bào tới sân Phố Ga xem bóng đá. Chúng ta sẽ tổ chức một trận đá bóng với các thủy thủ trên chiếm hạm Dumond D”Urville của Pháp, để tỏ rõ thiện chí của nhân dân Việt Nam!  Và người có vinh dự được tổ chức giao cho nhiệm vụ làm Đội trưởng của Đội tuyển bóng đá Hải Phòng thi đấu với Đội tuyển của các thủy thủ Pháp ngày đó chính là ông Nguyễn Lan (sinh năm 1916 và là cựu danh thủ bóng đá đất Cảng).

Chỉ có gần một ngày để chuẩn bị đội bóng, quá gấp gáp nhưng vì đây là nhiệm vụ của Cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó nên ông Nguyễn Lan vẫn vô cùng hứng khởi phóng xe khắp thành phố để tập hợp các cầu thủ. Rồi một đội bóng cũng được hình thành, gồm các danh thủ như Lương “lùn”, Nguyễn Thông, Sáu “mốc” và một số cầu thủ đá hạng B khác như Lượng, Phú (công an), Đê, Thoát, Giao...

 


Buổi chiều ngày 21/10/1946, trước giờ thi đấu hàng tiếng đồng hồ, sân bóng Phố Ga đã đông nghịt người kéo đến xem. Nhiều người không có chỗ ngồi, chỗ đứng, đành phải ngồi cả lên bờ tường, trèo cả lên cây... Băng cờ, khẩu hiệu căng lên đỏ rực cả dãy phố, với nội dung ủng hộ cho Cách mạng và đội bóng Hải Phòng. Trận đấu diễn ra hết sức hào hứng. Phía đội tuyển thủy thủ Pháp đều cao to lực lưỡng còn tuyển Hải Phòng gồm những cầu thủ thấp bé, nhưng nhanh nhẹn và kỹ thuật điêu luyện.

Tuyển Hải Phòng chơi tốt hơn, luôn lấn át và ép sân đối phương, khiến cho đối thủ phải chống đỡ khá vất vả và dẫn trước 1-0 trong hiệp 1. Nhưng vì mục đích của trận đấu này là bày tỏ sự hữu nghị và thiện chí của nhân dân Việt Nam thông qua thi đấu bóng đá giao hữu nên ban tổ chức đã yêu cầu anh em phải kết thúc trận đấu với tỷ số hòa. Chính vì thế, trong hiệp 2, tuyển Hải Phòng đã tạo cơ hội cho đội bạn gỡ hòa. Trận đấu bóng đá giao hữu lịch sử vì mục đích chính trị này đã kết thúc với tỷ số 1-1.

 

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sáng suốt khi dùng bóng đá làm phương tiện phục vụ cho việc bày tỏ sức mạnh và sự thân thiện hữu nghị của nhân dân Việt Nam. Điều này càng làm cho nhân dân phấn khởi đi theo con đường sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra để đi tới Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Trong hồi ức của mình, cố Giáo sư Nguyễn Xiển kể lại một kỷ niệm vui về Chủ tịch Hồ Chí Minh với bóng đá. Có lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sân Hàng Đẫy, Hà Nội xem trận đấu giao hữu giữa Thể Công và Cu Ba, đúng vào thời kỳ giặc Mỹ đánh phá ra miền Bắc. Khi đó, quân và dân cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) chiến đấu rất kiên cường khiến giặc Mỹ không sao ném bom trúng cây cầu huyết mạch Bắc – Nam này. Thấy Thể Công đã bí về chiến thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh cười nói với Đại tướng Văn Tiến Dũng ngồi bên: “Cái anh Thể Công này cứ như máy bay Mỹ, ném bom trượt hết!”

Theo BBĐ

Bình luận
vtcnews.vn